Lê Xuân Tống sinh ra và lớn lên tại một huyện nghèo thuộc tỉnh Đồng Tháp. Hoàn cảnh khó khăn, cha bị liệt, mẹ làm thuê làm mướn nhưng Tống vẫn được gia đình cho ăn học thành người với mong muốn núm ruột của mình sẽ có cơ hội thay đổi số phận. Tốt nghiệp phổ thông, Tống tiếp tục theo học một lớp sửa chữa điện tử để có nghề thủ thân.
19 tuổi, như bao thanh niên khác, Tống cũng được trau dồi trong quân ngũ và trở về làng vào năm 2007. Không chấp nhận cuộc sống bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, gã trai trẻ tiếp tục xin học ngoại ngữ để ấp ủ phát triển mộng kinh doanh. Xoay xở được ít vốn, Tống thử vận bằng việc buôn bán hạt sen. Tuy nhiên, không lâu sau đó việc kinh doanh lâm vào tình trạng thua lỗ. Chán nản, Tống sinh tật nhậu nhẹt và tìm vui trong buổi tụ tập với bạn bè.
Dùng đến đồng tiền cuối cùng, Tống tìm đến nhà bà nội để vay cả tiền hậu vận của bà ném vào những cuộc ăn chơi trác táng. Tiền hết, gã đem thế chấp cả chiếc “cần câu cơm” của mình để tiếp tục “giải sầu” bằng men rượu và thuê trọ tại nhà nghỉ Phước Hùng (xã Tân Bình, huyện Châu Thành).
Tại đây, Tống làm quen với bà Tư (60 tuổi, chủ nhà trọ) và bà Thu (51 tuổi, người làm công). Sau vài ngày tá túc, gã thanh niên biết cả khu nhà trọ chỉ có hai người đàn bà này trông coi nên nảy sinh ý đồ chiếm đoạt tài sản.
|
Tống được dẫn giải đến phòng xử. Ảnh: Vũ Mai |
Theo đó, sáng 24/6/2009, khu nhà trọ vắng khách. Biết chỉ có mỗi bà nhân công trong phòng nghỉ, Tống yêu cầu bà mở cửa vì “có chuyện muốn nói” nhưng bị bà này từ chối.
Tìm một khúc cây thật to, Tống mang đến đập cửa phòng bà Thu và đổ cho bà này đã trộm ví tiền của mình. Bực tức vì bị nghi oan, bà Thu mở cửa định thanh minh liền bị gã trai trẻ xô ngã rồi dùng gậy đập vào đầu bất tỉnh. Sau đó, Tống kéo xác bà Thu bỏ vào nhà tắm thì có khách đến thuê phòng. Cùng lúc, hung thủ phát hiện nạn nhân còn cử động, miệng mấp máy nên tiếp tục xuống tay cho đến khi nạn nhân chết hẳn.
Giết bà Thu xong, Tống gom đồ đạc, xóa dấu vết chuẩn bị bỏ trốn thì nghe tiếng bà Tư về. Viện cớ phòng mình nóng nực, gã xin bà Tư cho mình được ở phòng này để chủ nhà không phát hiện xác nạn nhân và tìm cách lấy lại giấy tờ, bỏ trốn.
Trưa hôm đó, giả vờ trong phòng có chuột, Tống yêu cầu bà Tư lên phòng xử lý. Khi người đàn bà đang lui cui thì bất ngờ bị gã khách trọ cầm cây đập hai nhát vào đầu, bất tỉnh tại chỗ. Sau đó, Tống lấy chìa khóa mở cửa phòng bà Tư lấy giấy chứng minh nhân dân, sổ đăng ký khách ở trọ có ghi tên của mình nhằm phi tang, đồng thời cướp đi số tiền 7 triệu đồng và chiếc xe máy tẩu thoát. Được đưa đi cấp cứu kịp thời, bà Tư chỉ bị thương tật 2% vĩnh viễn.
Tối hôm đó, Tống đến thị xã Sa Đéc, tìm một gái bán dâm để “xả xui” rồi bỏ trốn lên TP HCM. Gần 6 tháng sau hung thủ bị bắt theo lệnh truy nã.
Ngày 28/8, TAND tỉnh Đồng Tháp đã đưa vụ án ra xét xử lưu động, tuyên phạt Lê Xuân Tống án tử hình về các tội “giết người” và “cướp tài sản”. Ngay sau đó, gã sát nhân đã làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, đồng thời bà Tư cũng làm đơn đề nghị tòa phúc thẩm tha tội chết cho bị cáo.
Tại buổi xem xét kháng cáo, dù chỉ mới khai mạc mà Tống như không thể đứng nổi, cái thân hình còm cõi cứ chao đảo trên đôi chân xiềng xích. Nếu không có sự trợ giúp của cảnh sát, hắn không thể bước lên vành móng ngựa. Trông hắn lúc này, khó có thể ngờ đó chỉ là một thanh niên chỉ vừa 24 tuổi và là hung thủ của một vụ giết người tàn độc.
Cũng như tại phiên tòa trước, Tống khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội trong giàn giụa nước mắt. Tuy nhiên, gã thanh niên luôn miệng cho rằng không có ý định giết người để cướp tài sản. “Bị cáo ra tay với bà Thu chỉ vì quá tức giận bà này đã trộm ví tiền của bị cáo. Còn sự việc xảy ra với bà Tư là vì bị cáo sợ bị phát hiện và quá nôn nóng muốn tẩu thoát…”, Tống cúi đầu run rẩy.
Được mời lên thẩm vấn, bà Tư phải lần từng bước mới đến được gần bàn HĐXX. Di chứng từ lần bị Tống quật cây lên đầu khiến cho bà đã yếu đi rất nhiều. Ngang qua chỗ Tống đang đờ đẫn, ủ rũ trước vành móng ngựa, bà không giấu được ánh nhìn thương cảm đối với gã tử tù trẻ. Trình bày lý do xin giảm án cho kẻ từng ra tay sát hại mình, người đàn bà rơi nước mắt: “Mạng sống con người là quý lắm, tôi may mắn sống sót thế này là phúc đức lắm rồi. Nếu có bắt nó phải chết thì bà Thu cũng không sống lại được nữa. Vả lại, tôi biết hoàn cảnh gia đình nó, cha nó bị liệt không thể làm gì còn mẹ nó thì cũng lâm bệnh nặng từ ngày nó gây ra tội. Thôi thì xin tòa giảm án cho nó, cho nó cơ hội sống để suy ngẫm về tội lỗi của mình”.
Phía dưới, nhiều người dự khán buông tiếng thờ dài. Tại góc khuất của khán phòng, đôi vợ chồng già ngồi thu mình đưa tay quẹt ngang dòng nước mắt. Họ là cha mẹ của Tống.
|
Người cha hối hả nhờ người cõng để được nhìn thấy con lần cuối nhưng cánh cửa xe tù đã đóng sập từ lâu. Ảnh: Vũ Mai |
Bào chữa cho Tống, vị luật sư thay mặt thân chủ gửi lời xin lỗi đến gia đình các nạn nhân. Theo ông, giết người là một tội ác không thể tha thứ, nhưng với Tống là sự nông nổi nhất thời. Chính tấm lòng vị tha của bà Tư sẽ làm cho người ta sống nhẹ nhàng, thư thái hơn, làm cho kẻ tội đồ như Tống nghiệm ra tội lỗi của mình. Tống có nhiều tình tiết giảm nhẹ, gia đình đã khắc phục hậu quả, được nạn nhân xin giảm án… nên tha chết cho bị cáo.
“Bị cáo rất ăn năn về tội lỗi của mình. Từ ngày gây ra chuyện, bị cáo không sao ngủ được. Cha mẹ bị cáo giờ đã già yếu, bệnh tật… Xin tòa xem xét”, Tống khóc rưng rức khi được nói lời sau cùng.
Tuy nhiên, ngày 28/10, cho rằng bản án mà cấp sơ thẩm áp dụng đối với bị cáo là đúng người, đúng tội. Hành vi phạm tội của bị cáo là mất hết tính người, phạm một lúc hai tội nghiêm trọng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, bà Tư không chết là ngoài ý muốn của bị cáo… Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM đã giữ nguyên mức án như cấp sơ thẩm đã tuyên.
Phiên tòa kết thúc, Tống không thể nhấc nổi chân theo cảnh sát ra xe về trại. Gã cũng chẳng buồn nhìn lại phía sau, nơi cha mẹ mình đang lịm dần trong đau khổ. Chới với trong nước mắt, cha Tống lập cập nhờ người quen cõng mình chạy theo nhìn con trai lần cuối. Nhưng cánh cửa xe tù đã đóng sập tù lâu…
Vũ Mai