Phiên tòa phúc thẩm hình sự của TAND TPHCM một ngày cuối tháng 12-2011 khá đông người. Tôi len lỏi vào hàng ghế phía sau tìm một chỗ trống, bất chợt chú ý đến tấm bìa cứng màu trắng cỡ 30 cm x 80 cm có những đường vạch thẳng bằng bút xanh được ai đó để dựa vào bức tường. Thắc mắc của tôi chỉ được giải tỏa khi HĐXX bắt đầu xét xử vụ án vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ đối với Lâm Văn Thọ (SN 1968, ngụ quận Tân Bình - TPHCM).
Bị cáo Lâm Văn Thọ tại phiên tòa phúc thẩm.
Xe buýt gây tai nạn vì sợ… trễ giờ
Vào lúc 6 giờ 10 phút ngày 26-12-2010, bị cáo Thọ điều khiển xe buýt lưu thông trên đường Trường Chinh theo hướng từ ngã ba Bà Quẹo về ngã tư Bảy Hiền. Ngang khu vực chợ Võ Thành Trang, do có đông người mua bán, Thọ lấn qua phần đường bên trái và đụng vào xe máy của hai thanh niên chạy theo hướng ngược lại.
Tai nạn xảy ra, Lê Ngọc Thành - người thanh niên cầm lái - tử vong vào tối cùng ngày và Bùi Lê Thiện Tâm bị thương nặng (tỉ lệ 26% vĩnh viễn). Sau khi gây tai nạn, bị cáo Thọ nói nhân viên xe buýt đưa nạn nhân đi cấp cứu, còn mình đến công an trình báo. Tuy nhiên, do “sợ chết chóc” nên người này đã ngồi lại trên xe để người dân xung quanh đưa nạn nhân đi.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Thọ khai hành nghề lái xe buýt từ năm 1996, chạy tuyến An Sương - Bến Thành, một ngày 6-7 chuyến. Trả lời về nguyên nhân gây nên tai nạn, Lâm Văn Thọ nói: “Chợ đông, bị cáo bấm còi nhưng không ai tránh, sợ trễ giờ, bị cáo lấn qua trái… Bị cáo có lỗi là lấn đường nhưng nạn nhân cũng có lỗi vì chạy lạng qua lạng lại trước đầu xe…”.
Lời trình bày này đã bị vị chủ tọa cắt ngang: “Trước tiên, bị cáo phải thấy lỗi của mình. Nạn nhân đi đúng phần đường, nếu thực sự có lạng lách như lời bị cáo khai thì cũng chỉ là lỗi hành chính. Ở đó là chợ, bị cáo phải xử lý như thế nào chứ không được lấn đường như vậy…”.
Nói về khoản tiền bồi thường, một lần nữa cả Công ty TNHH một thành viên Xe khách Sài Gòn và bị cáo đã làm cho người dự khán thất vọng. Vẫn biết tiền bạc không thể trả lại mạng sống của một người nhưng nếu thực sự thành tâm nhận lỗi, có trách nhiệm chia sẻ nỗi mất mát, đau thương với gia đình nạn nhân, cho dù bị xua đuổi, dằn hắt vẫn tìm mọi cách có thể để bồi thường.
Tiếc là trong vụ án này, cả bị cáo lẫn công ty đều chưa thấy trách nhiệm của mình. Sau khi tai nạn xảy ra cho đến phiên tòa phúc thẩm hôm nay, công ty cũng chỉ mới bồi thường cho anh Tâm 6 triệu đồng và gia đình anh Thành 4 triệu đồng.
Làm tất cả vì con
Được mời lên trình bày, ông Lê Ngọc Thuận (cha của anh Lê Ngọc Thành) chậm rãi lấy tấm bìa cứng bỏ lên ghế rồi lôi từ trong ba lô ra mô hình 2 chiếc xe buýt và một chiếc xe máy. Thì ra sau cái chết của con, ông đã bỏ thời gian, công sức, nhiều lần từ Tiền Giang đến tận nơi con ông bị tai nạn để tìm hiểu nguyên nhân, vẽ lại sơ đồ hiện trường tai nạn.
“Con tôi là sinh viên đại học năm thứ hai, không phải là thành phần hư hỏng thích đua xe, lạng lách. Sáng đó, nó chở bạn đi sửa máy vi tính xách tay. Hiện trường cho thấy giữa tim đường là vạch sơn liên tục, bị cáo không được phép lấn trái. Con tôi đi trên phần đường của mình, hoàn toàn không có lỗi. Bị cáo khai chạy chậm (5 km/giờ), thấy 2 thanh niên chạy ngược chiều cách khoảng 100 m, như vậy đủ thời gian và không gian xử lý nhưng sao vẫn cố lấn đường để gây tai nạn?
Hay do bị cáo sợ trễ giờ, không giảm tốc độ nơi đông người, bất ngờ lấn trái nên mới đụng vào con tôi? Sau tai nạn, bị cáo nói đi đến công an trình báo, tôi nghĩ điều đó không quan trọng bằng việc cứu người. Tôi từng thấy nhiều người sau khi gây tai nạn đã cuống quýt ôm nạn nhân đưa đi cấp cứu. Con tôi đã chết vì được cấp cứu quá trễ…”- ông Thuận bức xúc nói.
Trò chuyện với tôi trong giờ nghị án, ông Thuận nghẹn ngào kể về những tháng ngày đau đớn của gia đình sau cái chết oan uổng của đứa con trai thứ hai. Đến tận hôm nay, vợ ông cũng còn chưa khỏe hẳn để có thể đến dự phiên tòa. Nửa năm trời, bà ngơ ngẩn như người bị tâm thần đến nỗi phải đi bệnh viện điều trị.
Bản thân ông ra đường hễ thấy tai nạn giao thông là giật bắn mình như cái cảm giác ngày nhận tin con lâm nạn. Nhiều đêm thức trắng bên di ảnh con, ông suy nghĩ những giải pháp nhằm hạn chế tai nạn giao thông rồi viết thư gửi bộ trưởng Bộ GTVT trình bày ý kiến. “Nhiều nước đang xảy ra chiến tranh cũng không có nhiều người chết vì tai nạn giao thông như Việt Nam - một đất nước hòa bình. Mỗi năm có 10.000 người chết vì tai nạn giao thông.
Người dân Việt Nam đang sống trong “dầu sôi lửa bỏng”, cần có những biện pháp để ngăn chặn bớt thảm họa này…”- ông mở đầu lá thư tâm huyết bằng sự so sánh và con số ấn tượng như thế. Theo đó, ông đưa ra các giải pháp như: in các điều luật về giao thông rõ ràng, dễ hiểu phát cho các hộ dân; vẽ các bảng tuyên truyền về an toàn giao thông ở các nơi công cộng; tòa án phải xử mức án thật nghiêm minh, buộc bồi thường thật nặng đối với người gây tai nạn và nhờ báo chí hỗ trợ đăng tin để răn đe loại tội phạm này.
“Bao nhiêu năm tù, bao nhiêu tiền bồi thường cũng không thể trả con lại cho tôi. Nhưng tôi vẫn cất công lên TP kháng cáo đòi tăng hình phạt lẫn tiền bồi thường cũng vì mong muốn các tài xế lấy đó làm bài học biết tôn trọng sinh mạng người khác, không phóng nhanh, lấn đường. Cái chết của con tôi vì thế sẽ không vô ích. Nhưng...” - ông bỏ lửng câu nói, lủi thủi thu xếp giấy tờ và mô hình cho vào chiếc ba lô. Kháng cáo của ông đã không được chấp thuận.
Ba năm tù là thỏa đángHĐXX nhận định trong tình hình tai nạn giao thông gia tăng như hiện nay, cần phải xử lý nghiêm để răn đe, giáo dục và phòng ngừa tội phạm. Tuy nhiên, sau khi gây tai nạn, bị cáo có yêu cầu tiếp viên đưa nạn nhân đi cấp cứu rồi đến công an trình báo theo quy định của pháp luật. Xét xử bị cáo ở khoản 1 điều 202 với mức án 3 năm tù là thỏa đáng, có căn cứ. Ngoài ra, HĐXX tuyên buộc Công ty Xe khách Sài Gòn bồi thường cho gia đình anh Thành 177 triệu đồng.