TP HCM xin giữ lại gần 1.900 tỷ đồng vốn đầu tư công

 Nội dung được đề cập trong công văn do UBND TP HCM vừa gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc giải ngân các dự án sử dụng vốn ngân sách Trung ương trên địa bàn. Theo Điều 44 Nghị định 40/2020, địa phương không sử dụng hết vốn được giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổng hợp, báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, thu hồi điều chuyển cho tỉnh thành khác.

Nút giao An Phú, TP Thủ Đức nhìn từ trên cao, tháng 4/2021. Ảnh: Gia Minh

Cụ thể, các dự án dùng nguồn vốn Trung ương trong nước tại TP HCM gồm: bờ tả sông Sài Gòn (đoạn còn lại) từ rạch Cầu Ngang đến khu đô thị Thủ Thiêm; xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên và xây dựng nút giao thông An Phú. Tổng số vốn đề xuất giải ngân sang năm 2022 hơn 37 tỷ đồng.

Các dự án sử dụng vốn ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương: đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên); cải thiện môi trường nước thành phố lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ (giai đoạn 2) và vệ sinh môi trường TP HCM (giai đoạn 2). Tổng số vốn đề xuất chuyển sang năm nay hơn 1.860 tỷ đồng.

Trường hợp các dự án này không được kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn sang năm 2022, thành phố đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho bổ sung kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2022. Chính quyền thành phố cam kết sẽ giải ngân hết vốn được giao, bảo đảm đúng tiến độ và chất lượng.

Năm 2021, TP HCM bị ảnh hưởng nặng nề bởi đợt dịch lần thứ 4. Địa phương này đã phải giãn cách xã hội suốt 4 tháng với nhiều cấp độ nên việc giải ngân vốn đầu tư công nhiều dự án chưa thể thực hiện.

Trung Sơn


Giày Đại Phát solution
Số người online:
14538
Số người truy cập:
9011453