TP HCM muốn giải phóng mặt bằng Vành đai 3 vượt tiến độ ba tháng

 Thông tin được Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đưa ra tại buổi ký kết giao ước thi đua trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án Vành đai 3 đoạn qua thành phố, chiều 16/10.

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại buổi ký kết, chiều 16/10. Ảnh: Gia Minh

Vành đai 3 dài hơn 76 km, đi qua TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An. Trong đó địa phận TP HCM, tuyến dài hơn 47 km, đi qua TP Thủ Đức và các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh.

Theo kế hoạch, giữa năm 2023 tuyến đường được giao 70% mặt bằng và toàn bộ sau đó 6 tháng. Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND TP HCM, các quận huyện dự án đi qua cần phấn đấu hoàn thành sớm hơn kế hoạch trên, với mục tiêu bàn giao toàn bộ mặt bằng cho dự án vào cuối quý 3 năm sau, tức vượt tiến độ ba tháng.

"Điều này tạo thêm áp lực, nhưng thời gian qua công tác chuẩn bị đã được triển khai kỹ trên thực địa cũng như rà soát hồ sơ...", ông Mãi nói và yêu cầu sắp tới các đơn vị tiếp tục điều tra xã hội học để chuẩn bị tốt hơn, công tác giải phóng mặt bằng sẽ được đẩy nhanh.

Lãnh đạo TP HCM cũng cho rằng công tác giải phóng mặt bằng cho Vành đai 3 sẽ rất khó khăn và áp lực, nhưng thành phố xác định việc triển khai ở dự án sẽ làm mẫu cho các công trình khác. Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho tuyến đang được yêu cầu chặt chẽ từ khâu điều tra xã hội học, pháp lý, giá đền bù... Các trường hợp bị ảnh hưởng được tạo điều kiện bằng hoặc tốt hơn sau khi giao đất.

Công nhân lội đầm lầy cắm cọc ranh Vành đai 3 ở TP Thủ Đức, ngày 8/10. Ảnh: Thanh Tùng

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM (chủ đầu tư), nói sau khi thành phố phê duyệt ranh dự án, đơn vị phối hợp các bên liên quan triển khai cắm mốc ranh giải phóng mặt bằng ở dự án.

Dự kiến đến ngày 20/10, toàn bộ hơn 1.900 cọc được cắm xong để bàn giao ranh dài hơn 47 km cho 13 phường, xã, thuộc 4 địa phương tuyến đi qua. Đây là mốc quan trọng, làm cơ sở để triển khai các việc tiếp theo như điều chỉnh quy hoạch, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư...

Cũng theo ông Phúc, đoạn Vành đai 3 đi qua địa bàn thành phố có hơn 90% là đất nông nghiệp, rất thuận lợi trong công tác giải phóng mặt bằng. Do vậy, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các địa phương dự án đi qua đang đặt quyết tâm đẩy nhanh hơn công tác thu hồi đất. Tuy nhiên, việc này sẽ phụ thuộc vào công tác chuẩn bị cũng như quá trình vận động người dân bị ảnh hưởng.

Theo Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Võ Trung Trực, đến nay ở khu vực TP Thủ Đức, việc đo đạc, kiểm đếm đạt hơn 66% trường hộ bị ảnh hưởng. Ba huyện còn lại cũng đã đạt tỷ lệ 94-98%.

Hướng tuyến Vành đai 3. Đồ hoạ: Khánh Hoàng

Vành đai 3 TP HCM là dự án giao thông lớn nhất từ trước đến nay ở phía Nam, tổng mức đầu tư hơn 75.300 tỷ đồng (giai đoạn một). Giải phóng mặt bằng được thực hiện theo quy mô hoàn chỉnh từ đầu, sau đó làm trước 4 làn cao tốc ở giữa, hai bên xây đường song hành.

Tuyến đường được dự kiến khởi công giữa năm 2023, hoàn thành sau ba năm. Đây được xem là cung đường chiến lược, ngoài kết nối giao thông còn tạo hành lang đô thị, công nghiệp không chỉ 4 tỉnh thành dự án đi qua mà tác động cả Vùng kinh tế phía Nam.

Gia Minh


Giày Đại Phát solution
Số người online:
4257
Số người truy cập:
8980864