TP HCM 'không ngủ nhưng ít hoạt động du lịch đêm'

 Theo đề án phát triển du lịch đêm đến năm 2025 của Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch, TP HCM là một trong ba địa phương được yêu cầu hình thành tổ hợp giải trí đêm riêng biệt. Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó giám đốc Sở du lịch TP HCM, cho biết chiến lược phát triển du lịch TP HCM đến năm 2030 xác định sản phẩm du lịch giải trí và hoạt động về đêm là một trong ba sản phẩm du lịch thu hút du khách nhất, bên cạnh sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử và du lịch gắn với ẩm thực.

Phố Bùi Viện nhộn nhịp sau 22h. Ảnh: Bích Phương.

Đại diện Sở TP HCM nhận định thành phố có nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế ban đêm nhờ vào các yếu tố tự nhiên như nhiều tài nguyên du lịch đang trở thành điểm đến ưa thích của du khách quốc tế, văn hóa nghệ thuật, ẩm thực đặc sắc cùng với mức độ toàn cầu hóa cao, thời tiết ban đêm tương đối dễ chịu, một lượng lớn dân số trẻ thích sinh sống tập trung tại thành phố.

Bà Hiếu chỉ ra nhu cầu chi tiêu của du khách vào ban đêm tại TP HCM chiếm khoảng 70% mức chi tiêu trong một đường tour. Mức chi tiêu ban ngày chiếm 30% bởi khách chủ yếu đi tham quan các địa danh, ăn uống theo chương trình có chi phí trọn gói. Đến buổi tối, du khách mới có thời gian tự do, ngoài chương trình để khám phá các hoạt động khác.

"Xu hướng hiện nay của khách du lịch đang có chiều hướng giảm về tần suất đi du lịch nhưng lại gia tăng thời gian tham gia trong một chuyến đi. Do đó để thúc đẩy chi tiêu của du khách trong thời gian lưu trú, cần phát triển các hoạt động về đêm", bà Hiếu nói.

TP HCM hiện có 5 nhóm sản phẩm du lịch giải trí, hoạt động về đêm gồm chương trình biểu diễn văn hoá, nghệ thuật tổ chức thường xuyên tại các sân khấu, trung tâm và khu vui chơi giải trí; không gian văn hóa ẩm thực, dịch vụ ăn uống về đêm tại các khu phố chia theo từng quận; hoạt động mua sắm, giải trí đêm ở trung tâm thương mại lớn; hoạt động tham quan thành phố về đêm; và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, làm đẹp. Ngoài ra thành phố hiện có gần 32.000 cơ sở dịch vụ ăn uống, nhà hàng có địa chỉ cố định và các quán ăn đường phố.

Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng giám đốc công ty Vietravel, đánh giá những sản phẩm du lịch đêm hiện có vẫn quá ít so với một đô thị lớn và tiềm năng như TP HCM. Hiện nay chỉ có tour khám phá trung tâm thành phố (city tour), trải nghiệm xe buýt hai tầng, đi thuyền ăn tối trên sông Sài Gòn hoặc đi thuyền trên kênh Nhiêu Lộc, vui chơi ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, phố đêm Bùi Viện, phố đêm chợ Bến Thành hay thưởng thức múa rối nước.

Các dịch vụ tại những khu phố đêm hiện nay đa số mở cửa đến 22h, "chưa thể gọi là kinh tế đêm". Trong khi đó, nhu cầu du khách quốc tế vui chơi giải trí sau 22h là rất lớn, mức chi tiêu cho các dịch vụ này cũng rất cao, bà Hoàng nói.

Thành phố còn thiếu các chương trình nghệ thuật giải trí đêm. Tại TP HCM, vở kịch xiếc "À Ố show" đã rất thành công, thu hút hàng triệu lượt khán giả. Nhưng một vở "À Ố show" vẫn còn là quá ít, quá khiêm tốn so với tiềm năng của thành phố. Nơi này hội tụ rất nhiều giá trị văn hóa đặc sắc và có nhiều nhân lực, tiềm lực để có thể tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật lớn.

Bà Hoàng cũng chỉ ra những khó khăn của các doanh nghiệp khi làm sản phẩm du lịch đêm. Ví dụ, các quận, huyện tại TP HCM khi xây dựng quy hoạch làm phố ẩm thực vẫn còn hộ kinh doanh điện thoại, hộ sửa xe, nhà dân đóng cửa vào buổi tối, sẽ khó thu hút khách du lịch và công ty du lịch khó đưa vào chương trình tour để giới thiệu cho du khách. "So sánh với một số quốc gia trong khu vực, khi thực hiện phố ẩm thực đêm thì gần như mọi hộ dân trên các đường nhánh đều tham gia dịch vụ ẩm thực, hàng quán cạnh tranh nhau về thiết kế, cung cách phục vụ sáng tạo để thu hút khách", bà Hoàng nói.

Đại diện công ty du lịch có trụ sở tại TP HCM cho rằng kế hoạch phát triển du lịch đêm phụ thuộc nhiều vào chính sách của thành phố và các địa phương. Vì liên quan nhiều đến cơ sở hạ tầng, cơ chế hoạt động ban đêm, sản phẩm và dịch vụ cung ứng, an ninh an toàn cho du khách. Ở góc độ khai thác lữ hành, công ty mong muốn có thêm nhiều chính sách đột phá cho lĩnh vực này.

Bà cũng cho rằng nên kéo dài thời gian hoạt động của các dịch vụ đến 4-5h sáng, đồng thời phải đảm bảo về an ninh, an toàn cho du khách khi trải nghiệm ở các con phố đêm, chợ đêm tại TP HCM. Hoạt động buýt đường sông cũng cần đưa vào lịch trình tour du lịch để đáp ứng nhu cầu của du khách. Ngoài những dịch vụ ăn tối trên sông, trên các du thuyền như lâu nay nên có thêm các dịch vụ cao cấp hơn và có thêm nhiều hoạt động hơn.

Theo bà Hoàng, phát triển du lịch đêm tại TP HCM cần có sự đầu tư có kế hoạch chi tiết vào ba nhóm sản phẩm. Nhóm một là những sản phẩm du lịch gắn với khám phá nét văn hóa cộng đồng đô thị về đêm, tập trung ở các tuyến phố. Nhóm hai thuộc về các sản phẩm du lịch đường thủy. Nhóm ba là các chương trình nghệ thuật.

"Hoạt động về đêm và giải trí nghệ thuật là sản phẩm rất quan trọng để níu chân du khách. Do vậy, những show diễn nghệ thuật phải vừa có chiều sâu văn hóa, lịch sử nhưng cũng vừa có độ hoành tráng và mới mẻ thì mới tạo ra khác biệt cho kinh tế đêm", bà Hoàng nhận định.

Bích Phương


Giày Đại Phát solution
Số người online:
69569
Số người truy cập:
7231728