TP HCM 'đặc' khói bụi

Theo bà Nguyễn Thị Hiền Thuận, Phân viện khí tượng thủy văn và môi trường phía Nam, tình trạng ô nhiễm do giao thông ở TP HCM đang ở mức rất nặng nề. Ô nhiễm từ sản xuất công nghiệp ở mức "đèn đỏ", sông rạch đủ rác thải, nước đen đặc, sủi bọt, mùi hôi thối nồng nặc là những thứ người dân Sài Gòn đang phải sống chung hàng ngày.

Nhiều chuyên gia khác đã nêu lên những vấn đề đáng lo ngại về môi trường và chất lượng sống của người dân Sài Gòn tại hội thảo “Bảo vệ môi trường phát triển bền vững, trách nhiệm của doanh nghiệp và cộng đồng”, diễn ra hôm qua ở TP HCM.

Khảo sát của các chuyên gia môi trường, khu vực giao thông ở Sài Gòn, nơi hàng nghìn phương tiện mỗi ngày chen chúc nhau, lượng CO cũng tăng 1,44 lần. Tại các nút giao lớn của thành phố, mức ô nhiễm không khí vượt chuẩn 1,3-1,8 lần, nhiều khu vực thuộc quận 9 và Thủ Đức dọc theo xa lộ Hà Nội nồng độ bụi trung bình trong không khí vượt tiêu chuẩn cho phép từ 2 đến 7 lần.

Đại biểu Nguyễn Xuân Huy cảnh báo: "Ô nhiễm không khí đang ở mức báo động, là tác nhân gây nhiều loại bệnh như ung thư, bạch cầu và đang là "kẻ giết người thầm lặng" ở các thành phố lớn".


Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè ô nhiễm trầm trọng. Ảnh: V.H

Bên cạnh khói bụi người dân TP HCM đang hứng chịu sự ô nhiễm ngày một trầm trọng phá hoại sự sống của họ do các khu công nghiệp.

Hiện nay, 100% đô thị Việt Nam không có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Chỉ có 3% nước thải đô thị và công nghiệp được xử lý. Tình trạng ô nhiễm ở các khu công nghiệp ở Bình Chiểu, Tân Bình của TP HCM… đã được cảnh báo từ lâu nhưng đến nay không hề được cải thiện. Nước hóa chất độc hại, chất thải rắn và khói độc từ các ngành mạ, dệt, nhuộm, giấy, da, chế biến thực phẩm… đều không được doanh nghiệp xử lý đúng tiêu chuẩn.

Ở Sài Gòn, kiểm tra 45 mẫu nước thải từ các khu công nghiệp và chế xuất thì có đến 44 mẫu không đạt chuẩn sạch. Riêng khu công nghiệp Vĩnh Lộc, Tân Phú Trung, Bình Chiểu ô nhiễm vượt chuẩn 80 đến 100 lần… Thực tế trên cho thấy, việc bảo vệ môi trường sống của con người đã không được đảm bảo hài hòa với phát triển kinh tế.

Bà Thuận khẳng định: "Chung quanh các khu công nghiệp, khu chế xuất, mỗi ngày đêm hàng nghìn mét khối nước thải chưa được xử lý vẫn đổ thẳng ra kênh rạch".

Điều đó dẫn đến hệ quả nguồn nước của thành phố đang dần trở thành những con sông "chết". Ở các con sông lớn như Thị Vải, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè nước đen ngòm, đặc quánh, sủi bọt bốc mùi hôi thối hàng ngày.

Ông Bùi Cách Tuyến, Phó tổng cục trưởng Bảo vệ môi trường cũng nhìn nhận: "Hiện sông Sài Gòn đã bị ô nhiễm chất hữu cơ, vi sinh trầm trọng và một số nơi đã có dấu hiệu ô nhiễm kim loại nặng".

Mặt khác, một nguy cơ mới mà chưa ai nghĩ sẽ xảy ra với một nước có hệ thống sông ngòi chằng chịt như Việt Nam là thiếu nước ngọt. "Tốc độ phát triển đô thị chóng mặt như hiện nay khiến nước ngọt đang có nguy cơ cạn kiệt về số lượng, ô nhiễm về chất lượng, tác động tiêu cực đến cuộc sống người dân và xã hội", báo cáo của Hội bảo vệ môi trường và thiên nhiên Việt Nam khẳng định.

Đứng trước thực trạng đang ngày một xấu đi của môi trường, ông Tuyến cho rằng, trước mắt TP HCM nói riêng và các tỉnh thành nói chung nên ưu tiên đầu tư có trọng tâm cho các công trình xử lý nước thải sinh hoạt ở các đô thị lớn cũng như xây dựng các khu liên hợp xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại... để hạn chế mức thấp nhất khả năng ảnh hưởng tới môi trường.

Ngoài ra, theo vị đại diện Tổng cục môi trường, muốn bảo vệ nguồn nước phải đo tiêu chuẩn nước thải ra sông. Ví dụ trên một đoạn kênh có 10 nhà máy thì nước thải ở các nhà máy này cộng lại không được vượt quá tiêu chuẩn được phép thải ra kênh đó. Các nhà máy phải tự ngồi lại với nhau và giải quyết vấn đề.

"Với tình hình ô nhiễm như trên, TP HCM đang thải ra một lượng đáng kể khí nhà kính vào bầu khí quyển và đây là một trong những nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu cực kỳ nguy hiểm", bà Thuận khẳng định lại một lần nữa.

Mỗi ngày các khu công nghiệp và chế xuất tại TP HCM thải ra 1.200-1.500 tấn thải rắn. Với 109 bệnh viện và 300 trạm y tế xã, một ngày thải ra 8-10 tấn rác y tế và từ 17.000-20.000 m3 nước thải y tế nhưng chưa tới 50% các cơ sở có hệ thống xử lý nước thải.

TP HCM mỗi ngày cũng cho ra "lò" 6.000 tấn rác. Một số quận huyện ngoại thành, đất cũng bị ô nhiễm do tồn đọng thuốc bảo vệ thực vật từ sản xuất nông nghiệp.

Theo VnExpress


Giày Đại Phát solution
Số người online:
7215
Số người truy cập:
9249613