Tồn ban hành bản án do thiếu người đóng dấu

 Tại buổi giám sát hoạt động của TAND TP HCM hôm 20/11, đại biểu Trần Trọng Dũng, thành viên Ban pháp chế HĐND thành phố cho rằng hơn 1/3 bản án bị chuyển giao trễ là quá nhiều, kéo theo sự chậm trễ dây chuyền khi thi hành án.

"Những vụ án liên quan đến dân sự mà trễ như vậy thì vô tình tạo điều kiện cho việc tẩu tán tài sản", ông Dũng nói và cho biết dư luận vẫn phàn nàn về các thư ký tòa rất nhiều, không thể để mãi tình trạng đóng dấu suốt ngày đêm mà vẫn không kịp phát hành bản án.

giam-sat-8474-1416476248.jpg

Ban pháp chế HĐND TP HCM giám sát công tác hoạt động của TAND thành phố sáng 20/11. Ảnh: Trung Sơn.

Cùng đề cập đến việc tòa chậm bàn giao bản án cho các bên liên quan để thi hành, đại biểu Trần Thị Tuyết Hồng đặt vấn đề, hiện quy định thời gian kháng cáo trong vòng 15 ngày nhưng tòa giao bản án chậm hơn khoảng thời gian này thì người dân làm sao trở tay kịp, nếu có kháng cáo.

Trong khi đó, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP HCM Phạm Văn Bá đề nghị ngành tòa án cần phải xem lại tinh thần trách nhiệm trong công tác của tòa án cấp quận, huyện.

i giám sát ở huyện Nhà Bè có vụ án bị đình chỉ đến 4 năm chỉ với lý do chờ kết quả xác minh của công an huyện. Hay ngay tại TAND thành phố cũng có vụ phải tạm đình chỉ vì chờ ý kiến trả lời của phường. Về trình tự pháp lý thì không sai nhưng ở góc độ người dân thì làm sao chờ hoài được, họ sẽ rất bức xúc", ông Bá nói.

Trước những vấn đề mà Ban pháp chế HĐND thành phố đặt ra, ông Thái Văn Tuấn, Chánh văn phòng TAND TP HCM cho biết, tòa chỉ có một con dấu, phục vụ cho 7 đơn vị trực thuộc. Để chấn chỉnh chuyện chậm trễ, tòa đã tăng cường thêm 3 chuyên viên và 3 tháng vừa rồi phải đóng dấu liên tục. "Năm 2015, sẽ không còn chậm giao bản án cho thi hành án và các cơ quan có liên quan nữa", ông Tuấn cam kết. 

Còn bà Ung Thị Xuân Hương, Chánh án TAND TP HCM thừa nhận, tỷ lệ giải quyết các loại án vẫn còn thấp. Những tồn tại, bất cập trong công tác xét xử hiện nay, một phần là do thiếu số lượng thẩm phán. "Số vụ án rất nhiều, trong khi số thẩm phán hiện có không đáp ứng yêu cầu. Quy định chung là một thẩm phán xử 4 vụ một tháng nhưng tại TP HCM, bình quân một thẩm phán xử 10 vụ, có người đến 16 vụ", bà Hương cho biết.

Bên cạnh đó, lãnh đạo TAND thành phố cho rằng, trong công tác tổ chức cán bộ, số lượng thẩm phán hết nhiệm kỳ và sắp hết nhiệm kỳ ngày càng tăng nhưng công tác tái bổ nhiệm còn chậm gây ảnh hưởng rất lớn đến việc xét xử. Ngoài ra, đời sống của cán bộ công chức ngành tòa án còn khó khăn do tiền lương còn thấp nên một số cán bộ chưa yên tâm công tác, chưa gắn bó với ngành.

Cuối buổi giám sát, ông Phạm Văn Bá yêu cầu công tác xét xử án cần tuân thủ đúng pháp luật, đảm bảo tiến độ về mặt thời gian, tránh oan sai. "Vấn đề gì không ổn thì chúng ta phải tìm cách tháo gỡ ngay, đừng để kéo dài khiến người dân bức xúc", ông Bá đề nghị.

Trong năm 2014 (tính từ 1/10/2013 đến 30/9/2014), tòa án tại TP HCM đã thụ lý 60.545 vụ án, đã giải quyết hơn 48.00 vụ, tỷ lệ đạt gần 80%. Số án tồn lên đến trên 12.000 vụ, trong đó hình sự 62 vụ, dân sự 7.235 vụ, hôn nhân 1.526 vụ, kinh doanh thương mại 1.233, lao động là 722 và 638 vụ án hành chính.

Trong thời gian này, TAND thành phố cũng đưa ra xét xử lưu động 390 vụ với 522 bị cáo, tòa án cấp quận, huyện xét xử lưu động 29 vụ với 38 bị cáo.

Trung Sơn


Giày Đại Phát solution
Số người online:
47870
Số người truy cập:
7672257