Hoàng Công Lương tại phiên sơ thẩm hồi giữa năm 2018. Ảnh: Phạm Dự. |
Luật sư Vũ Tiến Vinh cho biết, theo Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, bị cáo phải có mặt tại tòa theo giấy triệu tập của tòa án trong suốt thời gian xét xử vụ án; nếu vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì bị áp giải; nếu bị cáo vắng mặt vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì phải hoãn phiên tòa.
Trong trường hợp bị cáo mắc bệnh hiểm nghèo thì HĐXX tạm đình chỉ vụ án cho đến khi bị cáo khỏi bệnh. Hiện nay, người mắc bệnh hiểm nghèo có thể hiểu là người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng (ung thư, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS) và những bệnh khác theo quy định của bộ Y tế coi là bệnh hiểm nghèo. Việc xác định người mắc bệnh hiểm nghèo phải theo kết luận của bệnh viện cấp tỉnh trở lên.
Các bị cáo tại toà sáng nay. Ảnh: Phạm Dự. |
Trong trường hợp, bị cáo không thể tham gia phiên toà do tình trạng sức khoẻ, HĐXX có thể quyết định tạm ngừng phiên toà. Việc tạm ngừng chỉ được thực hiện nếu người tham gia tố tụng có thể tham gia lại phiên tòa trong thời gian 5 ngày, kể từ ngày tạm ngừng.
Luật sư Vinh cho biết thêm, hết thời hạn tạm ngừng phiên tòa, việc xét xử vụ án được tiếp tục. Trường hợp không thể tiếp tục xét xử vụ án thì phải hoãn phiên tòa. Theo điều 297 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, thời hạn hoãn phiên tòa sơ thẩm không được quá 30 ngày kể từ ngày ra quyết định.
Theo điều 290, toà có thể xét xử vắng mặt bị cáo nếu bị cáo trốn và việc truy nã không có kết quả; bị cáo đang ở nước ngoài và không thể triệu tập đến phiên tòa; bị cáo đề nghị xét xử vắng mặt và được HĐXX chấp nhận; nếu sự vắng mặt của bị cáo không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và sự vắng mặt của bị cáo không gây trở ngại cho việc xét xử.