Nhóm sinh viên Mỹ đã phát hiện ra cái mà người Trung Quốc gọi là “Vạn lý trường thành ngầm” – một mạng lưới đường hầm rộng mênh mông được thiết kế để cất giữ kho vũ khí hạt nhân và tên lửa ngày càng hiện đại và phong phú của một trong những cường quốc hàng đầu thế giới này.
Được hướng dẫn bởi một cựu quan chức hàng đầu của Lầu Năm Góc, các sinh viên đến từ trường Đại học Georgetown, thủ đô Washington DC, đã tìm hiểu về kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc thông qua việc dịch hàng trăm tài liệu quân sự Trung Quốc, phân tích những hình ảnh vệ tinh và tìm hiểu hàng ngàn bộ tài liệu trên mạng.
Mục tiêu nghiên cứu của nhóm sinh viên Mỹ là hàng ngàn km đường hầm ngầm dưới lòng đất do Quân đoàn Pháo binh số 2 của Trung Quốc đào nhằm chôn giấu kho vũ khí hạt nhân của nước này.
Sau vụ động đất kinh hoàng tấn công vào tỉnh Tứ Xuyên năm 2008, các bản tin đã cho thấy hàng ngàn kỹ thuật viên về phóng xạ đã hối hả đổ về khu vực và hình ảnh về những quả đồi bị sập đã làm dấy lên tin đồn về sự tồn tại của một hệ thống mạng lưới đường hầm ngầm dưới lòng đất. Trung Quốc sau này cũng thừa nhận sự tồn tại của hệ thống này.
Từ hệ thống đường hầm đó, các sinh viên Mỹ đã cố gắng vẽ lên một bức tranh chân thực nhất về năng lực hạt nhân của Trung Quốc và họ tin rằng, số lượng đầu đạn hạt nhân mà Trung Quốc đang sở hữu nhiều hơn rất nhiều so với con số từ 80-400 mà mọi người trước đây thường ước tính.
Trong nhiều năm, chính phủ Trung Quốc luôn khẳng định, họ chỉ duy trì một số lượng nhỏ đầu đạn hạt nhân để có được “khả năng răn đe tối thiểu”. Tuy nhiên, nhóm sinh viên Mỹ cho rằng, con số đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc trên thực tế có thể lên tới con số 3.000 đơn vị.
Bản nghiên cứu dài 363 trang của các sinh viên Mỹ với những thông tin gây sốc nói trên đã dẫn đến một cuộc điều trần tại Quốc hội Mỹ và đã được các quan chức hàng đầu của Lầu Năm Góc quan tâm xem xét.
Tuy nhiên, nhiều người đã lên tiếng chỉ trích bản nghiên cứu của các sinh viên. Họ tỏ ra hoài nghi về sự chính xác của bản nghiên cứu khi mà các sinh viên này đưa ra kết luận dựa trên những thông tin không chính thống trên mạng. Kinh ngạc hơn, các sinh viên Mỹ còn dựa vào cả một bộ phim mang tính hư cấu về lực lượng pháo binh Trung Quốc.
Nghiên cứu của các sinh viên Mỹ bị phản đối mạnh mẽ nhất từ các chuyên gia về không phổ biến vũ khí hạt nhân. Những chuyên gia này lo ngại, bản nghiên cứu đó có thể gây ra một cuộc tranh luận về vấn đề duy trì vũ khí hạt nhân trong một thời đại mà các nỗ lực đang được thực hiện để cắt giảm kho vũ khí hạt nhân của các nước sau Chiến tranh Lạnh.