Tiện lợi với tháp đôi “một cửa”

 Chiều 20-2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến Bình Dương cắt băng khánh thành tòa tháp đôi trung tâm hành chính tập trung (TTHC) của tỉnh, tọa lạc tại dự án TP Mới Bình Dương, phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một. Đây là tòa nhà do Singapore thiết kế, cao 104 m, gồm 2 tầng để xe, 20 tầng lầu và bãi đáp trực thăng, diện tích sàn hơn 104.000 m2.

Cứ như ở nước ngoài!
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặc biệt đánh giá cao Bình Dương khi đã thu hút nhiều doanh nghiệp (DN) tư nhân cùng đầu tư, xây dựng TP Mới. Thủ tướng nhấn mạnh việc Bình Dương hóa giá, bán các trụ sở làm việc cũ để xây TTHC là cách làm hay. “Đây là cách làm đúng, Chính phủ khuyến khích các tỉnh xây TTHC theo cách này” - Thủ tướng nêu rõ.


Người dân đến giải quyết thủ tục giấy tờ tại trung tâm hành chính tập trung tỉnh Bình Dương sáng 20-2

Sáng cùng ngày, nhiều người dân, DN đã đến tòa tháp đôi để giải quyết thủ tục hành chính. Khu vực chính quyền tương tác với người dân là ở khu hành chính mở, rộng 4.000 m2 tại tầng trệt. Nơi đây bố trí cán bộ đại diện của tất cả sở, ngành, đơn vị ở Bình Dương để giải quyết thủ tục theo “dịch vụ một cửa”.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Bích - Công ty U&I, tỉnh Bình Dương - cho biết chị đến TTHC để thay đổi giấy phép đăng ký kinh doanh và thấy bất ngờ với quy mô của tòa nhà. “Tòa nhà quá quy mô, hiện đại, tập trung tất cả sở, ngành nên rất tiện lợi, tiết kiệm rất nhiều thời gian cho người dân và DN. Thủ tục của tôi cũng được cán bộ ở đây giải quyết rất nhanh gọn” - chị Bích nhận xét.

Trước thông tin cho rằng việc đầu tư 1.400 tỉ đồng để xây TTHC là lãng phí, theo ông Hồng Quốc Phong, Công ty Hoa Quốc Phong, số tiền đầu tư ban đầu là lớn nhưng hữu ích. Bởi lẽ, TTHC tập trung các sở, ngành sẽ hạn chế được cho người dân và nhà nước nhiều chi phí không cần thiết.

“Người dân và DN đến TTHC giải quyết thủ tục hành chính tỏ ra rất ngạc nhiên với sự hiện đại của tòa nhà. Nhiều người nói với chúng tôi rằng họ như đang ở nước ngoài! Những cán bộ như chúng tôi cũng cảm thấy tự tin khi giao tiếp, đứng trước người dân” - bà Phan Thị Thanh Thủy, Phó Chánh Văn phòng Ban Quản lý KCN Bình Dương, cho biết.

Giám sát cán bộ qua camera
Ông Mai Sơn Dũng, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bình Dương, tin rằng TTHC sẽ hạn chế được những than phiền của người dân về sự rắc rối, phiền phức khi đi giải quyết thủ tục hành chính. “Chúng tôi tiếp dân ở khu hành chính mở. Ngay cái tên đó đã nói lên tất cả. Tổng cộng có 1.048 loại thủ tục hành chính của người dân và DN sẽ được tiếp nhận giải quyết ở khu này” - ông khẳng định.
Theo ông Dũng, Bình Dương mong muốn người dân và DN tiếp cận với một nền hành chính minh bạch, thân thiện, thông suốt. Cách giải quyết hồ sơ của cán bộ, cách cán bộ tiếp dân như thế nào đều được cấp trên theo dõi qua hệ thống camera gắn dày đặc ở khu hành chính mở.

Tại khu hành chính mở, rất nhiều máy tính kết nối internet được bố trí để người dân tra cứu thông tin miễn phí. Khi người dân thấy vướng mắc thì đến khu trợ giúp pháp lý. Ngay sát khu hành chính mở còn có dịch vụ cà phê, giải khát và khu bàn tròn để người dân chia sẻ thông tin với nhau. Đây là những hình ảnh hiếm gặp tại các TTHC ở nước ta.

Nhân lễ khánh thành tháp đôi TTHC, ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, tuyên bố khởi động xây dựng 12 dự án trọng điểm trong năm 2014 nhằm kết nối TP Mới Bình Dương với các đô thị lân cận. Trong đó, đáng chú ý là khởi công đường Phạm Ngọc Thạch với 8 làn xe (nối TP Mới Bình Dương với TP Thủ Dầu Một), đường Mỹ Phước - Tân Vạn (nối với Cảng Thị Vải, Sân bay Long Thành), triển khai dự án xe buýt nhanh với tổng số vốn 100 tỉ đồng…

Nhiều TTHC hoành tráng, hiện đại
Nhiều địa phương cũng đã tiến hành xây dựng TTHC theo mô hình “một cửa” như Bình Dương. Cuối năm 2012, TTHC tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã dời từ TP Vũng Tàu về TP Bà Rịa. Công trình TTHC này quy mô khá đồ sộ và hiện đại, gồm 7 cụm tòa nhà văn phòng cao 6 tầng.

TTHC mới của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã thực hiện tốt chức năng tập trung về một mối, tạo điều kiện thuận lợi cho DN và người dân khi giao dịch hành chính, liên hệ công tác. Việc đặt trụ sở tại TP Vũng Tàu trước đó được coi là do hoàn cảnh lịch sử, thừa hưởng từ cơ sở vật chất cũ. Vị trí TTHC mới tại TP Bà Rịa được xem là quan trọng hơn.

Theo ông Võ Thành Kỳ, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, từ khi TTHC mới đi vào hoạt động, mọi liên hệ công tác với các sở, ban, ngành, giữa các đơn vị, DN và người dân thuận tiện hơn hẳn. “DN và người dân đều tỏ ra hài lòng, đến nay chưa có vấn đề bất cập nào đáng kể” - ông Kỳ nói.

Trong khi đó, tại Đà Nẵng, dự kiến ngày 30-6, TTHC mới tọa lạc trên đường Trần Phú - Lý Tự Trọng sẽ đi vào hoạt động.

Các sở, ban, ngành thuộc UBND TP Đà Nẵng sẽ được bố trí làm việc tập trung tại đây. UBND TP Đà Nẵng cho biết hiện công trình TTHC đã đạt 95% khối lượng. TTHC TP Đà Nẵng cao 166,8 m (khối đế 4 tầng, cao 24,6 m; khối tháp 30 tầng, cao 142,2 m). Ngoài ra, TTHC còn có bãi đỗ xe ngầm tại 2 tầng hầm. Tổng vốn đầu tư xây dựng TTHC này là 1.900 tỉ đồng.

Theo Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến, trước mắt, để giảm áp lực về giao thông, chỉ 7 sở vào đây làm việc. Sau khi xây dựng xong bãi đỗ xe ngầm tại khu đất trống phía Nam, toàn bộ sở, ban, ngành của TP sẽ tập trung về TTHC.

“Việc các sở, ban, ngành tập trung vào một chỗ sẽ rất thuận lợi cho người dân và DN liên hệ công tác. Đây là công trình hành chính nhà nước tập trung đầu tiên của Việt Nam được xây dựng với quy mô hoành tráng. Đây sẽ là nơi “một cửa” đúng nghĩa đen lẫn nghĩa bóng” - ông Chiến nhấn mạnh.

Theo báo Người lao động


Giày Đại Phát solution
Số người online:
32124
Số người truy cập:
9205503