Nghiên cứu thực hiện trên 10.000 phụ nữ có thai đã tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19. Trong đó, khoảng 96% tiêm vaccine mRNA (vaccine Pfizer hoặc Moderna). Số còn lại tiêm vaccine Johnson & Johnson.
Dữ liệu cho thấy 4,9% thai phụ bị sinh non, thấp hơn đáng kể so với tỷ lệ 7% ở người chưa tiêm vaccine. Bên cạnh đó, vaccine không khiến thai nhi sinh ra bị thiếu cân.
Kết quả nghiên cứu củng cố cho tuyên bố của CDC rằng vaccine an toàn cho phụ nữ mang thai. "Chúng tôi ngày càng có nhiều bằng chứng về lợi ích của việc tiêm chủng trong thời kỳ mang thai. Chúng tôi cũng phát hiện lượng kháng thể trong máu dây rốn", cơ quan cho biết.
Một phụ nữ mang thai 35 tuần tiêm vaccine Covid-19 của Pfizer, tháng 2/2021. Ảnh: Reuters
CDC cũng lưu ý phụ nữ có thai nhiễm nCoV có tỷ lệ điều trị tại khu hồi sức tích cực, thở máy và tử vong cao hơn. Phụ nữ mang thai sau tiêm vaccine Covid-19 có thể gặp các phản ứng phụ như sốt, mệt mỏi, đau đầu, ớn lạnh, đau cơ, đau khớp, tăng cảm giác đau, ngứa, sưng, đỏ, đau tại chỗ tiêm, bồn chồn...
Các phản ứng nghiêm trọng khác như tê quanh môi hoặc lưỡi, phát ban đỏ, tím tái dưới da, nôn, tiêu chảy, đau quặn bụng, thở dốc, thở khò khè, thở rít, mạch yếu, chóng mặt, choáng/xây xẩm, chân thay co quắp,...
Để đảm bảo an toàn, phụ nữ mang thai tiêm phòng Covid-19 cần được khám sàng lọc, tư vấn, tiêm và theo dõi sau tiêm theo đúng quy trình của Bộ Y tế, và phải khám thai tại cơ sở y tế có chuyên khoa sản trước khi thực hiện tiêm để đảm bảo an toàn tiêm chủng. Từ đó, bác sĩ xác định tuổi thai, tình trạng sức khỏe của thai nhi, các điều kiện đáp ứng tiêm chủng đối với thai phụ để đưa ra tư vấn, chỉ định tiêm phù hợp.
Thục Linh (Theo Reuters)