Thực trạng chợ tại TPHCM

 Bài 1: Lãng phí từ nội thành ra ngoại thành

Các chợ truyền thống tại TPHCM vẫn chiếm một vai trò quan trọng trong việc phân phối hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm thiết yếu. Trước xu thế các kênh mua sắm hiện đại phát triển rất mạnh thì chợ đang mất dần vị thế của mình, rơi vào tình trạng lãng phí nghiêm trọng. Ngoài nguyên nhân khách quan thì còn một yếu tố quan trọng, đó là thiếu quy hoạch.

Ngoại thành: Chợ “chết yểu”

Thực hiện chủ trương xã hội hóa, thời gian qua huyện Bình Chánh đã quy hoạch nhiều địa điểm kêu gọi tư nhân đầu tư vốn xây dựng chợ. Hưởng ứng chủ trương mới mẻ này, đến nay có 4 chợ và 1 siêu thị do tư nhân xây dựng ở các xã: Hưng Long, Bình Chánh, Lê Minh Xuân, Vĩnh Lộc A, Qui Đức. Thế nhưng, ngoài chợ Hưng Long (xã Hưng Long) và chợ Lê Minh Xuân (xã Lê Minh Xuân) còn có khách hàng thường xuyên ra vào mua sắm, các chợ còn lại rất thưa thớt. 

Nguyên nhân các chợ vắng khách, một phần do cơ cấu tổ chức ngành hàng không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Mặt khác, do tâm lý thích mua hàng bên lề đường, vỉa hè vừa nhanh vừa tiện, không tốn nhiều thời gian.

Chợ Bình Phú, P.10, Q.6 vắng vẻ.

Một số chợ khác do nhà nước đầu tư như chợ Qui Đức, chợ Bình Chánh, chợ Cầu Xáng, chợ Tân Nhựt… cũng đang lâm vào tình cảnh tương tự. 

Đáng nói, chợ Tân Nhựt được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn hỗ trợ các xã nghèo của TP với kinh phí hơn 2 tỷ đồng, gồm 1 nhà lồng chợ bên trong có hơn 30 sạp hàng, bên ngoài có 20 kiốt bán hàng, mặt trước tiếp giáp với đường Thế Lữ, mặt sau giáp sông Chợ Đệm rất thuận tiện cho việc kinh doanh. Thế nhưng, từ ngày khai trương đến nay đã hơn 3 năm nhưng có rất ít hộ đăng ký kinh doanh. 

Nguyên nhân do chợ xa khu dân cư và thiếu các mặt hàng chủ lực phục vụ đời sống người dân địa phương. Đến nay, chợ Tân Nhựt đã bị xuống cấp trầm trọng. Nhiều chợ ở các huyện ngoại thành khác cũng đang ở trong tình trạng tương tự như huyện Bình Chánh, tức chợ xây xong rồi để đấy.

 

Sau khi quận Bình Tân được thành lập (từ việc tách một phần huyện Bình Chánh) thì tại khu vực Bình Hưng Hòa chưa có chợ nào xây dựng hợp pháp, chỉ có vài chợ tạm nên chính quyền địa phương đã khuyến khích người dân xây dựng chợ phục vụ bà con trong khu vực và chợ Tư Trầm (phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân) ra đời do bà Nguyễn Thị Bạch Huệ tự bỏ vốn xây dựng từ năm 2006 với kinh phí hơn 2 tỷ đồng. 

Nhưng do cạnh tranh không nổi với các chợ chồm hổm quanh đó nên chợ này đã bị “chết” ngay từ khi mới khai trương, còn chủ nhân của nó thì phải cõng một khoản nợ khổng lồ.

Nội thành: Lãng phí nghiêm trọng

Dù không đến nỗi vừa xây xong đã bị… “khai tử” như nhiều chợ ngoại thành, thế nhưng có rất nhiều chợ trong khu vực nội thành, thậm chí một số chợ còn tọa lạc trên những khu đất vàng cũng đang lâm vào tình trạng lãng phí nghiêm trọng do hoạt động không hết công năng. 
 

 

Chợ An Đông chật cứng người và hàng hóa, ảnh hưởng đến công tác phòng cháy chữa cháy. Ảnh: VIỆT DŨNG

Điển hình nhất là gần 20 chợ có lầu, kinh phí xây dựng mỗi chợ lên tới hàng chục tỷ đồng nhưng khi đưa vào sử dụng hầu hết đều thất bại. Có thể kể đến các chợ Văn Thánh (đường Điện Biên Phủ), chợ Tân Bình (đường Lý Thường Kiệt); chợ Phạm Văn Hai (đường Phạm Văn Hai), chợ Thiếc, chợ Phú Lâm… Để tránh tình trạng lãng phí, hàng chục năm qua, các quận cũng đã loay hoay đi tìm lời giải nhưng cho đến thời điểm này vẫn bị bỏ hoang.

Bên cạnh những chợ bỏ hoang thì tại một số nơi dân cư đông đúc, có nhu cầu mua bán lại không xây dựng được chợï. Xã Bình Hưng thuộc huyện Bình Chánh có trên dưới 50.000 dân, trong đó phần lớn là dân nhập cư nhưng cả xã không có một ngôi chợ do không có mặt bằng xây dựng chợ. 

Không có chợ người dân chiếm vỉa hè, lòng đường mua bán, chính quyền địa phương giải tỏa nơi này, họ lại chuyển sang nơi khác. Nhiều lần chính quyền xã Bình Hưng đề nghị huyện cho phép xã tận dụng các mặt bằng bỏ trống để xây dựng chợ nhưng đều bị từ chối, vì đất do Ban quản lý khu Nam TP quản lý!

Chợ Bình Phú nằm trên địa bàn phường 10, quận 6, TPHCM được xây dựng trên diện tích đất hơn 20.000m2 gồm các hạng mục: nhà lồng chợ, hơn 700 sạp hàng, bãi giữ xe, phòng làm việc ban quản lý… với kinh phí hơn 10 tỷ đồng. Khoảng tháng 10-2001, chợ chính thức khai trương với sự góp mặt của hơn 600 chủ sạp hàng với đủ chủng loại hàng hóa. Những ngày đầu mới hoạt động người mua kẻ bán tấp nập, nhộn nhịp. 

Nhưng chưa đầy 1 năm sau, tình hình kinh doanh của chợ bắt đầu tuột dốc thê thảm do không cạnh tranh nổi với siêu thị Metro chỉ cách đó vài trăm mét. Sau gần 8 năm đi vào hoạt động, hầu hết các tiểu thương đều đóng cửa sạp đi nơi khác tìm phương kế sinh sống, chỉ còn khoảng vài chục người bám sạp.

Trên đây chỉ là một vài chợ điển hình trong những ngôi chợ của TP đang trong tình trạng “dở sống, dở chết” vì thiếu bàn tay quy hoạch. Dù muốn hay không thì các cấp chính quyền cần nhanh chóng chuyển đổi công năng các chợ để tránh tình trạng lãng phí. 

Với một số lượng chợ không nhỏ tại TPHCM nhưng doanh thu tại các chợ hiện chỉ chiếm chưa đầy 20% trong tổng doanh thu bán lẻ của TP, cho thấy hiệu quả mang lại là chưa tương xứng. Đã đến lúc cần quy hoạch và sắp xếp lại các chợ cho hiệu quả hơn. Nhưng bắt đầu từ đâu và làm như thế nào để tránh tình trạng quy hoạch treo? Trách nhiệm này thuộc về các cơ quan chức năng.

Th.Hải - Đ.Nguyễn

Bài 2: Ô nhiễm và không an toàn

TPHCM hiện có hơn 200 chợ lớn, nhỏ. Đáng lưu ý, đa số chợ bán lẻ không đầu tư cho việc xử lý nước thải mà xả thẳng vào hệ thống thoát nước của TP, gây ô nhiễm nghiêm trọng.

  • Từ chợ đầu mối đến chợ nhỏ

Tháng 10-2008 vừa qua, Cảnh sát Môi trường Công an TPHCM đã phát hiện quả tang một chợ đầu mối lớn nhất của TPHCM vừa được xây dựng mới, đang xả hàng ngàn mét khối nước thải ra sông. Không ít người đã giật mình về tình hình ô nhiễm môi trường tại khu vực các chợ. Thực ra, đây không phải là chuyện mới, vì theo lãnh đạo phòng kinh tế của một quận thì vấn đề về môi trường tại các chợ từ trước đến nay luôn bị thả nổi, nó là “chuyện thường ngày ở chợ” mà!

Có mặt tại khu vực nhà lồng thực phẩm (khu bán cá) chợ Văn Thánh lúc 8 giờ ngày 20-3, chúng tôi chứng kiến dù chỉ có 7 hộ kinh doanh thôi nhưng mùi tanh tưởi bốc lên nồng nặc. Hàng đống bao ni-lông cộng với những phế phẩm từ cá và nước thải đổ lênh láng trên nền chợ. Chạy dọc 2 bên nhà lồng là 2 rãnh thoát nước lúc nào cũng đặc nghẹt các phế phẩm, tạo ra mùi hôi khủng khiếp. Do rãnh không có nắp đậy nên đã có không ít bà nội trợ bị lọt chân xuống rãnh.

Bên ngoài khu vực nhà lồng, cạnh hàng trứng và hàng ngâm chua là một đống rác to đùng. Một số hộ kinh doanh nội tạng gia súc, gia cầm sau khi sơ chế cũng đổ thẳng thứ dung dịch bầy nhầy vào đống rác vì khu vực này hoàn toàn không có cống rãnh.

 

Hình ảnh thường thấy tại các chợ. (Ảnh chụp tại chợ Nguyễn Văn Trỗi, quận 3). Ảnh: C.T.V.

Tại chợ Bà Chiểu – một trong những chợ có quy mô lớn của TPHCM, tình hình vệ sinh cũng không khá hơn do cơ sở vật chất tại chợ đang trong tình trạng xuống cấp trầm trọng. Do hệ thống các tuyến đường xung quanh chợ được nâng cấp nên sàn chợ bị thấp hơn mặt đường 30 phân.

Nhà lồng chợ chật hẹp với gần 1.500 sạp kinh doanh tập trung ở 8 ngành hàng thực phẩm như tươi sống, chế biến, chạp phô, rau củ quả, trái cây… trong khi đó nền chợ luôn bị đọng nước và sình lầy nên có nguy cơ rất cao về an toàn vệ sinh thực phẩm. 

Trên đây chỉ là một số trường hợp của đại đa số các ngôi chợ trên địa bàn TP. Ô nhiễm không chỉ do rác bẩn và không có hệ thống xử lý nước thải, nhiều chợ như Tân Định, Phú Nhuận, Bà Chiểu… đang phải đối mặt với tình trạng ngập nước do trời mưa to và triều cường.

  • Chưa có chợ an toàn

Cùng với vấn đề ô nhiễm thì danh sách các chợ bị cháy trên địa bàn cả nước ngày càng dài do chưa được đầu tư đúng mức về hệ thống phòng cháy chữa cháy (PCCC). Riêng tại TPHCM, tình hình này cũng không khá hơn, mặc dù ban quản lý các chợ đã có nhiều nỗ lực trong việc đầu tư cho công tác PCCC. Dẫn đầu trong số này là các chợ An Đông, Bến Thành, Bình Tây.

Chợ An Đông từ nhiều năm qua cũng đã trang bị hệ thống báo cháy tự động. Cứ 200 sạp thì có một bình CO2 . Tại mỗi cửa ra vào đều bố trí những họng nước chữa cháy. Trên sân thượng có hồ nước 200m²… Giống như chợ Bến Thành, Ban quản lý chợ An Đông cũng đưa vào nội quy bất cứ sạp nào quên cúp điện hoặc bị phát hiện có đốt nhang thì phải nghỉ bán ngày hôm sau.

Tuy đã được đầu tư đáng kể về phương tiện và con người cho công tác PCCC nhưng về cơ bản thì TPHCM vẫn chưa có chợ an toàn. Hầu hết các chợ đều đã bị quá tải về số quầy sạp. Nói cách khác, số hộ kinh doanh hiện hữu đã vượt khá xa so với thiết kế ban đầu. Vì quá chật nên tiểu thương đã chiếm dụng lối đi làm nơi trưng bày hàng hóa. Một khi vụ cháy xảy ra thì việc ứng cứu cũng khó có thể đáp ứng vì không có lối vào phù hợp. Chợ Bến Thành với thiết kế ban đầu chỉ khoảng 1.515 sạp nhưng đến nay số sạp đã tăng lên đến 2.400 sạp…

Mặt khác do nhiều chợ đang trong diện chờ quy hoạch nên đã áp dụng biện pháp cơi nới ở một số ngành hàng che mưa, che nắng. Đây là miếng mồi ngon cho “bà hỏa” viếng thăm bất cứ lúc nào. Theo số liệu mà chúng tôi có được, hiện TP có khoảng 200 chợ lớn nhỏ, thì mới chỉ có hơn 20 chợ trang bị hệ thống báo cháy, hơn 100 chợ thành lập đội PCCC và cũng từng ấy chợ được kiểm tra thường xuyên hệ thống điện…

Trở lại với vấn đề ô nhiễm tại các chợ, hầu hết các ban quản lý thừa nhận, đây là vấn đề khá phổ biến. Do vậy, các cơ quan chức năng cần đánh giá sớm chất lượng nước thải từ các chợ (kể cả chợ đầu mối và chợ nhỏ lẻ). Trong trường hợp phát hiện ô nhiễm cần có hướng xử lý sớm để không ảnh hưởng đến môi trường. 

Đối với công tác PCCC tại các chợ, ngoài việc đầu tư trang thiết bị và con người cho PCCC, các sở, ngành và đặc biệt là vai trò của ban quản lý các chợ cần tuyên truyền mạnh hơn đối với tiểu thương và người dân trong việc ý thức giữ gìn vệ sinh cũng như nâng cao nhận thức về PCCC nhằm hạn chế tối đa mức thiệt hại do cháy gây ra. 

THÚY HẢI


Giày Đại Phát solution
Số người online:
136829
Số người truy cập:
7441140