Các cửa hàng kinh doanh thực phẩm Hà Nội ở TP HCM đang rộn rã không khí Tết, sức mua tăng gấp đôi ngày thường. Theo chia sẻ của giới kinh doanh, mọi năm phải từ 25 âm lịch, nhu cầu tiêu dùng, sắm sửa hàng hóa gốc mới chộn rộn và kéo dài cho đến hôm 30. Tuy nhiên, năm nay, chưa đến ngày đưa ông Táo, mà sức mua đã gia tăng mạnh, vượt xa so với cùng thời điểm này năm ngoái, khiến nhiều người ngỡ ngàng và cập rập tăng cường thêm hàng hóa.
|
Lượng hàng hóa tại các cửa hàng thực phẩm Hà Nội cung ứng cho dịp Tết Tân Mão tăng 20-30% so với cùng kỳ. Ảnh: B.H. |
Anh Nguyễn Quang Hưng, quản lý cửa hàng đặc sản Hà Nội trên đường Trần Quốc Toản, quận 1, hồ hởi cho biết danh sách đặt hàng bánh chưng đã trên 10.000 chiếc, tăng cao gấp đôi cùng kỳ. Điều thú vị đối với người Hà Nội ăn Tết tại Sài Gòn năm nay là thị trường có thêm hương vị mới: bánh chưng cốm (bánh làm bằng cốm, nhân đậu xanh, hạt sen), bánh chưng gấc (nếp cái hoa vàng lại thoang thoảng mùi vị của gấc).
Theo anh Hưng, sau khi được giới thiệu, nếm thử, khá nhiều khách hàng đã đặt ngay loại bánh này bởi nó mang nhiều dư vị Hà Nội. Thực phẩm cho ngày Tết còn có thêm nhiều món lạ miệng, như: lưỡi heo, chân giò, ba chỉ, lỗ tai... Tất cả đều muối kim chi, để dùng kèm trong các bữa ăn sum họp gia đình.
Hiện tại, bán chạy nhất là nếp nương Sơn La, nếp cái hoa vàng, gạo tám xoan, gạo thơm bông lúa vàng, trà, miếng, măng, nấm, trái phật thủ và các loại nhang (hương trầm, Thái Bình, sao vàng, nhang đen). Đại diện cửa hàng thực phẩm Hà Nội Tiến Huệ trên đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, chia sẻ: "Thời điểm này, các loại thực phẩm khô, dự trữ được lâu hút hàng nhất, còn tầm 27 đến 30 âm lịch là sự lên ngôi của giò chả, bánh chưng, rau củ quả, trái cây gốc Bắc".
|
Đến thời điểm này, sức mua các loại thực phẩm gốc Bắc đã tăng mạnh. Ảnh: B.H. |
Tại nhiều cửa hàng kinh doanh thực phẩm đang tất bậc tăng cường thêm nhân viên bán hàng, giữ xe cho khách, mở cửa sớm cũng như kéo dài thời gian đóng cửa đến 23h giờ, thay vì chỉ 20h như thường lệ, chuẩn bị sẵn lượng hàng dồi dào... So với Tết năm ngoái, lượng cung ước vượt 20-30% và giá cả cũng đắt đỏ hơn 5-15%, tùy loại. Một phần nguyên nhân do giá cước vận chuyển (máy bay, tàu, ô tô) tăng lên so với năm ngoái. Tuy nhiên, sức mua không vì thế mà giảm sút, trái lại còn tăng cao hơn dự kiến của giới kinh doanh, mặc dù thời điểm hiện tại chưa phải là cao điểm của đợt mua sắm cuối năm.
Nếu đặt hàng trước 25 tháng chạp, khách sẽ được giá ưu đãi hơn, còn nếu để sang ngày này, giá một số loại sẽ điều chỉnh lên nữa. Anh Hưng cho biết một kg bánh chưng loại thường có giá dưới 50.000 đồng một kg, nhưng sau 25 Tết có thể phải bán lên 55.000-56.000 đồng, còn tùy thuộc vào sức mua gia tăng ở mức nào. Trong khi đó, bánh chưng cốm, bánh chưng gấc đắt hơn, hiện được chào bán 60.000-70.000 đồng mỗi kg. Riêng bánh chưng Hương Sơn có giá 72.000 đồng một kg, trong khi năm ngoái chỉ 58.000 đồng. Các loại miếng có giá khoảng 280.000-290.000 đồng, tăng 30.000 đồng so với năm trước.
Chị Trang, phụ trách bán hàng ở cửa hàng thực phẩm Hà Nội Kim Thanh trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận I chia sẻ: "Có nhiều khách hàng khó tính, từ những vật dụng, nguyên liệu nhỏ nhất cũng phải đúng loại, đúng hương vị và xuất xứ gốc Bắc mới chịu mua, nhất là tiêu dùng trong những ngày Tết". Chính vì vậy, với bánh chưng, chị Trang đều phân biệt cho khách hàng đâu là bánh có nguyên liệu gốc Bắc nhưng được sản xuất trong Nam, đâu là hàng nhập trực tiếp để khách hàng dễ dàng chọn lựa sản phẩm ưng ý nhất.
Bạch Hường