Thua kiện, ông Liên Khui Thìn đề nghị giám đốc thẩm

 Trong đơn dài 8 trang, ông Thìn, 69 tuổi, nêu nhiều căn cứ đề nghị Chánh án TAND Tối cao xem xét kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng huỷ bản án sơ thẩm của TAND TP HCM và bản án phúc thẩm của TAND Cấp cao tại TP HCM, để giải quyết lại vụ án.

Trước đó, hôm 24/6, TAND Cấp cao tại TP HCM xử phúc thẩm đã tuyên trái ngược bản án sơ thẩm, tức ông Liên Khui Thìn từ thắng (án sơ thẩm) thành thua kiện (án có hiệu lực) trong vụ án đòi lại nhiều tài sản và nhà đất tại Sài Gòn, Vũng Tàu.

Theo hồ sơ, năm 1996, ông Thìn và bà Nguyễn Thị Tuyết Mai cùng thành lập Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Tây Sơn kinh doanh đa ngành nghề, vốn điều lệ 3 tỷ đồng, mỗi bên góp 50%. Ông Thìn làm Chủ tịch Hội đồng thành viên còn bà Mai là Giám đốc.

Một năm sau, ông Thìn bị bắt trong đại án kinh tế Epco cùng ông Tăng Minh Phụng với cáo buộc chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của các ngân hàng. Hai người đều bị tuyên án tử hình về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản XHCN. Ông Thìn sau đó được Chủ tịch nước ân giảm từ tử hình xuống tù chung thân. Hơn 10 năm cải tạo tốt, thi hành án trên 500 tỷ đồng... ông tiếp tục được giảm án rồi được đặc xá năm 2009.

Ông Thìn cho rằng, trong thời gian mình chấp hành án, bà Mai đã chuyển toàn bộ vốn và tài sản của Công ty Tây Sơn cho chồng con là Phạm Minh Đạo, Phạm Nguyễn Minh Đức và em trai Đỗ Thế Minh mà không hỏi ý kiến của mình.

Năm 2018, ông Thìn kiện chồng con bà Mai ra TAND TP HCM, yêu cầu tòa tuyên hủy giao dịch gian dối, phục hồi quyền sở hữu 50% tài sản và vốn góp của mình trong Công ty Tây Sơn... Ngoài ra, ông Thìn cũng đề nghị tòa tuyên vô hiệu các giao dịch chuyển nhượng vốn góp giữa những người này, hủy các giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp từ lần một đến lần 8 của Công ty Tây Sơn.

Tuy nhiên, phía bị đơn không đồng ý với yêu cầu trên vì cho rằng đã làm đúng quy định của pháp luật, việc nhận chuyển nhượng phần vốn của bà Mai đã xin ý kiến các cơ quan chức năng và được đồng ý. Cụ thể, Công văn 123 ngày 22/8/2000 của TAND TP HCM trả lời về phần hùn vốn của ông Thìn, đã đề cập: "Liên Khui Thìn tuy có góp vốn điều lệ trong Công ty TNHH Tây Sơn là 1,5 tỷ đồng, nhưng sau đó lại lấy tài sản của chính Công ty Tây sơn để thế chấp nơi khác thì coi như không còn vốn điều lệ trong công ty nữa. Các thành viên còn lại có thể đăng ký theo Luật Doanh nghiệp để ổn định hoạt động".

Ông Liên Khui Thìn. Ảnh: Minh Kiều

Năm 2020, TAND TP HCM xử sơ thẩm đã chấp toàn bộ đơn khởi kiện của nguyên đơn. Bởi theo toà, việc bà Mai chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho ông Minh mà không hỏi ý kiến của ông Thìn; giảm vốn điều lệ, thay đổi thành viên công ty mà không có quyết định của Hội đồng thành viên là vi phạm quy định tại các Điều 29, 32, 35, 39 và 43 Luật Doanh nghiệp.

Toà cũng cho rằng Công văn 123 không phải là bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật của toà án. Nội dung công văn giải thích vấn đề không thuộc phạm vi xét xử của vụ án hình sự đã được tuyên xử bởi bản án hình sự sơ thẩm năm 1999 của TAND TP HCM mà chính công văn này đã đề cập.

Phía bị đơn kháng cáo bản án này. Hồi tháng 6, TAND Cấp cao tại TP HCM xử phúc thẩm đã tuyên bác yêu cầu khởi kiện của ông Liên Khui Thìn, chấp nhận kháng cáo của bị đơn Phạm Minh Đạo, Phạm Nguyễn Minh Đức (không đồng ý trả 50% tài sản góp vốn của nguyên đơn tại Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Tây Sơn).

Trái ngược với cấp sơ thẩm, toà phúc thẩm cho rằng Công văn 123 của TAND TP HCM đã nói rất rõ phần xử lý vốn góp của ông Thìn trong vốn điều lệ của Công ty Tây Sơn không còn. Việc tòa sơ thẩm cho rằng "khi bà Mai chuyển phần vốn góp của mình cho thành viên khác phải có ý kiến của ông Thìn" là không có cơ sở, bởi thời điểm này ông Thìn đang chờ chấp hành án tử hình.

Trong đơn đề nghị giám đốc thẩm, ông Thìn cho rằng cần thiết hủy các giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp từ lần thứ nhất đến lần thứ 8 của Công ty Tây Sơn. Tuy nhiên, cả hai cấp tòa lại không đưa công ty này vào vụ án là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Ngoài ra, bản án phúc thẩm đã bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông, chấp nhận kháng cáo của bị đơn Phạm Minh Đạo, nhưng chỉ căn cứ vào Công văn số 123 là "không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án, cũng như các quy định pháp luật điều chỉnh có liên quan".

Theo ông Thìn, toà phúc thẩm nhận định "căn cứ vào Công văn số 123, bà Mai chuyển phần vốn góp của mình cho thành viên khác thì không cần phải có có ý kiến của ông Thìn, bởi thời điểm này ông đang chấp hành án" là không chính xác vì công văn này không phải là bản án hay quyết định có hiệu lực pháp luật của tòa án.

Ngoài ra, công văn giải thích cũng không thuộc phạm vi xét xử của bản án hình sự năm 1999 của TAND TP HCM. "Nội dung Công văn số 123 cho rằng tôi đã 'lấy tài sản của công ty để thế chấp nơi khác thì coi như không còn vốn điều lệ trong công ty nữa' là không phù hợp", ông Thìn nêu trong đơn. Bởi phần vốn góp điều lệ ban đầu 1,5 tỷ đồng không đồng nghĩa với phần giá trị ông Thìn có trong công ty là bao nhiêu đó, mà phải căn cứ vào tổng giá trị tài sản hiện có của công ty và tỷ lệ phần trăm vốn góp của ông là 50% để xác định.

Việc chuyển nhượng vốn góp, thay đổi thành viên và các vấn đề khác có liên quan đến doanh nghiệp phải tuân thủ các trình tự, thủ tục theo quy định của luật chuyên ngành điều chỉnh. Cụ thể là Luật doanh nghiệp năm 1999 và các văn bản pháp luật khác có liên quan, chứ không thể chỉ căn cứ vào Công văn số 123 mà vi phạm các quy định pháp luật...

"Giao dịch chuyển nhượng vốn góp giữa bà Mai và người thân có nội dung và mục đích trái pháp luật, vì vậy đây là giao dịch dân sự vô hiệu được quy định tại Điều 131 và Điều 136 của Bộ luật Dân sự năm 1995 nên phải tuyên vô hiệu, hủy bỏ giấy chứng nhận đăng ký thay đổi lần thứ nhất ngày 5/9/2000", đơn của ông Thìn nêu.

Ngân Nga


Giày Đại Phát solution
Số người online:
65272
Số người truy cập:
8591600