Thủ tướng: 'Để mất di sản là bắn súng vào quá khứ'

 Tại hội nghị về “bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam vì sự phát triển bền vững” sáng 27/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ ngành, địa phương quán triệt tinh thần "cái gì cũng có thể xây được, sản xuất được nhưng di sản thì không thể tạo ra được". 

Ông chia sẻ câu chuyện năm 2017 trong buổi tiếp một tỷ phú, hoàng thân của Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, vị khách này đã nói với Thủ tướng rằng “chúng tôi có thể tạo ra bãi biển hay quả núi mới, thậm chí tạo ra người máy nhưng chúng tôi ghen tị vì Việt Nam may mắn có quá nhiều di sản thiên nhiên và văn hoá, vật thể và phi vật thể”.

"Chúng ta tuyệt đối không phá huỷ, làm hỏng hay hy sinh di sản vì bất kỳ lý do gì để phục vụ phát triển. Để mất di sản, dù là một phần, chính là bắn súng vào quá khứ, đánh mất bản sắc dân tộc”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Lãnh đạo Chính phủ nói, di sản về bản chất là thuộc về quá khứ và dễ bị ngủ yên. Vì vậy, các cấp, các ngành phải luôn “sáng tạo, năng động” để di sản có giá trị trong cuộc sống của thế hệ hiện tại.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: VGP. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: VGP. 

Ông bày tỏ ấn tượng về lượng khách du lịch quốc tế, trong nước tới tham quan các khu di sản ở Việt Nam tăng mạnh trong những năm gần đây. Cụ thể, năm 2017, riêng 8 khu di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam đã đón trên 16 triệu lượt khách (trong đó có 7 triệu lượt khách quốc tế), với doanh thu từ vé tham quan và phí dịch vụ trực tiếp khoảng trên 2.500 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng cần thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập trong công tác này. Đơn cử, ông nêu câu hỏi: "Tại sao ruộng bậc thang Mù Cang Chải (Yên Bái) là danh thắng quốc gia, là hình ảnh gắn với vẻ đẹp Việt Nam nhưng người dân làm nên tác phẩm kỳ vĩ này lại nghèo?".

Theo ông, việc tu bổ, tôn tạo, nâng cấp nhiều di sản theo kiểu “hiện đại hóa”, “hào nhoáng” đã làm mất đi nét chân thực, tính độc đáo vốn có của di sản. Chính sách hỗ trợ nghệ nhân triển khai còn chậm. Nguồn lực tài chính dành cho công tác này luôn hạn chế, trong khi chưa phát huy được tốt nhất nguồn lực trong xã hội, vai trò của nhân dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản...

Từ các phân tích trên, Thủ tướng nhấn mạnh một số nguyên tắc và phương hướng cơ bản bảo tồn di sản và và phát triển bền vững, trong đó có việc "hãy trả lại cho cộng đồng cái gì thuộc về cộng đồng". Di sản cần được bảo tồn phát huy từ gia đình, bản làng, trường học và xã hội. Nhà nước hỗ trợ nhưng không bao cấp hay làm thay.

Trên cơ sở kết quả hội nghị, Thủ tướng yêu cầu Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch chủ trì soạn thảo, trình Thủ tướng ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản vì sự phát triển bền vững.

Trước đó, GS. TSKH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng di sản quốc gia, cho rằng, các di sản thế giới ở Việt Nam năm qua có số du khách tăng từ 13 đến 20%; doanh thu tăng trung bình từ 14 đến 28%. Trong đó một số di sản như Phong Nha - Kẻ Bàng tăng 53%, vịnh Hạ Long tăng 61%. "Nhà nước sẽ không bị lỗ nếu quyết liệt đầu tư cho di sản", ông nhấn mạnh.

Theo ông Tiêu, các quy định hiện nay làm khó công tác đầu tư cho di sản, như Luật đầu tư công và các nghị định liên quan yêu cầu dự án trong khu di tích quốc gia đặc biệt phải theo quy trình thủ tục đầu tư nhóm A. Nghĩa là cần có 10 thủ tục ở địa phương và trung ương, trong khi số vốn đầu tư cho di tích không lớn, chỉ vài trăm triệu đến vài tỷ mỗi năm.

"Nhiều địa phương chỉ riêng đi giải quyết thủ tục đã hết thời gian, nên đưa các dự án tu bổ di sản ra khỏi danh mục đầu tư nhóm A và giao địa phương thẩm định, phê duyệt sau khi được Bộ Văn hóa chấp thuận", ông Tiêu nói.

Theo thống kê của Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch, di sản cả nước được kiểm kê rất đồ sộ với gần 40.000 di tích, gồm gần 10.000 di tích cấp tỉnh, thành, 3.463 di tích quốc gia, 95 di tích quốc gia đặc biệt; 61.669 di sản văn hóa phi vật thể (trong đó 249 di sản được đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia); 161 bảo tàng, 142 bảo vật quốc gia và trên 3 triệu tài liệu, hiện vật.

Nổi bật trong số đó là 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 12 di sản văn hóa phi vật thể và 7 di sản tư liệu được UNESCO công nhận.

Đoàn Loan


Giày Đại Phát solution
Số người online:
8947
Số người truy cập:
9044318