'Thu hẹp phần việc của nhà nước để giảm người, tăng lương'

 Chuyên gia chính sách công Nguyễn Quang Đồng, Viện Chính sách và phát triển truyền thông (IPS), cho rằng tiền lương, thu nhập của người làm việc trong khu vực nhà nước còn nhiều bất cập. Do đó, các đô thị năng động như TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng với cơ hội việc làm, thu nhập và thăng tiến tốt ở khu vực tư sẽ thu hút cán bộ, công chức giỏi.

Nhân viên UBND TP Thủ Đức giải quyết thủ tục cho người dân, tháng 8/2022. Ảnh: Quỳnh Trần

Theo ông Đồng, giải pháp đặt ra là nhà nước cần nâng lương để giữ người giỏi, cán bộ làm được việc nhưng đối mặt thách thức ngân sách hạn hẹp. Vì vậy chính quyền cần xác lập nguyên tắc cái gì thị trường làm tốt sẽ để thị trường thực hiện, nhà nước không tham gia để giảm nhân sự. Hiện, nhiều phần việc của nhà nước có phần chồng chéo, thậm chí "ngáng chân" khu vực tư và các tổ chức xã hội.

"Khi nhà nước thu hẹp các phần việc của mình sẽ giảm được người ăn lương từ ngân sách. Khi đó thu nhập của những lao động còn lại ở khu vực công sẽ tăng lên", ông Đồng nói.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội, dẫn ví dụ ngành công chứng. Hiện, tư nhân đã tham gia vào lĩnh vực này và làm rất tốt cho nên xã, phường, phòng tư pháp nên dừng. Nhà nước chỉ tham gia khâu quản lý, giám sát. Việc này giúp giảm tải khối lượng công việc, nhân lực tại cơ sở.

Theo ông Lộc, nhà nước phải xác định rõ ba nhóm với mức độ tham gia khác nhau, gồm: Bắt buộc phải làm; điều tiết để đảm bảo công bằng; thúc đẩy để phát triển. Khi đó nhân lực của nhà nước chỉ còn tham gia trực tiếp vào những ngành thuộc an ninh quốc phòng, giữ vai trò điều tiết ở nhóm hạ tầng phúc lợi như y tế, giáo dục... Còn lại các ngành kinh tế sẽ do tư nhân đảm nhận, nhà nước chỉ góp phần hỗ trợ, thúc đẩy phát triển.

"Khi phạm vi công việc được tinh gọn lại thì đầu việc không còn bao nhiêu, nhân sự khu vực công giảm, lương sẽ cao lên, tự động hút được người tài", ông Lộc nói và dẫn chứng tại Singapore, tư nhân khó cạnh tranh người giỏi với nhà nước vì lương ở khu vực công rất cao. Đổi lại nhà nước phải làm những việc khó, đòi hỏi lao động trình độ, chuyên môn vững vàng.

 

triệu đồng Lương thấp nhất khu vực nhà nước và doanh nghiệpTừ 2015 đến 2022 Khu vực nhà nước Khu vực doanh nghiệp7.20157.20167.20177.20187.20197.20207.20217.202222.533.544.5VnExpress 7.2021 Khu vực nhà nước: 2.771

Với những bất cập chính sách tiền lương ở khu vực nhà nước, năm 2018 Trung ương ban hành Nghị quyết 27, dự tính thực hiện tháng 7/2021. Thiết kế cơ cấu lương mới gồm: Lương cơ bản (chiếm 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm 30% tổng quỹ lương); bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không gồm phụ cấp); xây dựng hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo...

Theo ông Mai Đức Chính, nguyên phó chủ tịch Tổng liên đoàn lao động, tinh thần Nghị quyết 27 là trả công xứng đáng theo năng lực, vị trí việc làm. Điều này góp phần thúc đẩy cán bộ làm việc, khuyến khích người trẻ có năng lực gắn bó. Nếu nghị quyết được triển khai tốt sẽ tránh tình trạng "sống lâu lên lão làng", ở nhà nước lâu lương cao, trong khi những người tài lại nhận thù lao quá ít, dễ bỏ việc. Tuy vậy Covid-19 kéo dài, nghị quyết nói trên liên tục phải lùi.

"Sau dịch giá cả tăng nhanh, lượng lớn cán bộ nghỉ việc vì lương không đủ sống, nhà nước cần đẩy nhanh thực hiện Nghị quyết 27 để nâng cao thu nhập lao động làm ở khu vực công", ông Chính nói.

Nguyên phó chủ tịch Tổng liên đoàn lao động cho hay muốn cải cách được tiền lương, nhà nước cần xây dựng vị trí việc làm để tinh giản biên chế. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều thách thức ở khâu này. Ông Chính ví dụ ngay nơi mình từng công tác, khi Nghị quyết 27 được ban hành, cơ quan yêu cầu các ban xây dựng lại vị trí việc làm, mô tả công việc cụ thể, trong đó một ban phải giảm từ 8 xuống 5 người. Thế nhưng sau 4-5 lần làm phương án, lãnh đạo ban cho rằng công việc vẫn đủ cho 8 người, không thể cắt giảm.

Theo ông Chính, cấp trên không muốn mất lòng nhân viên vì chi phí lương là ngân sách chứ không phải cơ quan hay từ túi của họ. Chưa kể hầu hết người làm việc đều hoàn thành nhiệm vụ từ tốt đến xuất sắc không có lý do cắt giảm. Pháp luật quy định công chức không hoàn thành nhiệm vụ hai năm sẽ bị điều chuyển hoặc thôi việc. Thế nhưng một người thành tích kém sẽ ảnh hưởng kết quả thi đua, xếp loại cuối năm của tập thể. Do đó, khi đánh giá cán bộ, cấp trên cũng du di cho qua những người yếu kém, năng lực hạn chế.

"Việc này dẫn đến tình trạng chung của nhiều cơ quan nhà nước là thiếu người giỏi việc nhưng lại thừa người sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về", ông Chính nói.

Người dân làm thủ tục tại Bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ hành chính khu vực 2, TP Thủ Đức, tháng 1/2021. Ảnh: Quỳnh Trần

Nguyên lãnh đạo Tổng liên đoàn cho rằng cần có tiêu chí rõ ràng để xây dựng vị trí việc làm và người đứng đầu tổ chức phải quyết tâm mới tinh giản được biên chế. Bên cạnh đó, quy định không nên bổ đầu giảm số lượng cán bộ theo tỷ lệ phần trăm (%). Việc bắt buộc phải "hai ra một vào" ở tất cả cơ quan là máy móc. Với cách làm này mặt được là đạt thành tích tinh giản biên chế nhưng không giúp tăng lương bền vững.

Theo chuyên gia Nguyễn Quang Đồng, bộ máy nhà nước hiện được tổ chức với ba khu vực chính gồm hành chính, sự nghiệp công và đoàn thể. Do đó việc quy định số lượng biên chế cần dựa trên chức năng, vai trò, đặc điểm từng khu vực, chứ không áp một chỉ tiêu chung với tất cả địa phương như hiện nay.

Ông Đồng dẫn chứng, ở TP HCM đang thiếu công chức làm các công việc giao dịch hành chính giữa nhà nước với người dân, doanh nghiệp. Trung bình 5 năm, thành phố tăng thêm một triệu người thì số lượng cán bộ phải tăng lên để phục vụ. "Tinh giản đổ đồng ở tất cả ngành, khối, địa phương là bất hợp lý, trong ngắn hạn có thể giúp giảm người hưởng quỹ lương ngân sách, song về lâu dài không bền vững", chuyên gia nói.

Tương tự, ông Mai Đức Chính cho rằng nếu tính cả người tạm trú, TP HCM phải đến 13 triệu người. Vì vậy biên chế các ngành y tế, giáo dục phải tính trên số dân mới hợp lý. Ngay trong tổ chức công đoàn, nhà nước có thể cho số lượng biên chế nhất định, Tổng liên đoàn sẽ chủ động điều tiết về các địa phương vừa đảm bảo số lượng theo yêu cầu mà vẫn phục vụ tốt nhất người lao động.

Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội đầu tháng 6 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ bố trí ngân sách tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức trong năm 2023. Trước đây, việc điều chỉnh tăng lương thực hiện hàng năm, nhưng ba năm qua tạm dừng do Covid-19.

Lần điều chỉnh lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức gần nhất là từ 1/7/2019, tăng từ 1,39 triệu đồng lên 1,49 triệu đồng. Theo đó, công chức trình độ đại học mới đi làm (hưởng lương bậc 1 với hệ số 2,34) sẽ nhận lương gần 3,5 triệu đồng. Mức lương quá thấp sẽ khó giữ người ở lại với khu vực nhà nước.

Lê Tuyết


Giày Đại Phát solution
Số người online:
7091
Số người truy cập:
8986544