"Thôn ung thư" ngắc ngoải giữa lòng HN

 Đó là thôn Xuân Dục - một thôn ngoại thành Hà Nội thuộc xã Yên Thường (Gia Lâm). Nói ngoại thành tưởng xa xôi nhưng kỳ thực chỉ cách trung tâm Hà Nội khoảng 10 phút chạy xe máy.

Nhìn vẻ bề ngoài, thôn này vẫn bình thường như bao làng xóm khác ở ngoại thành Hà Nội, nếu không muốn nói rằng, kinh tế của người dân nơi đây rất khá. Thôn Xuân Dục từ xưa vốn sống bằng nghề làm ruộng, trồng hoa màu cung cấp đi các vùng. Nơi đây được coi như vành đai xanh của Thủ đô.

Vậy nhưng, thôn Xuân Dục ẩn chứa bên trong nó nhiều u uất. Đi sâu vào thôn mới thấy không khí ở đây ảm đạm khác thường. Người Xuân Dục gọi thôn của họ là thôn ung thư. Những năm gần đây, nhiều người ở đây đã lần lượt ra đi vì căn bệnh nan y này.


Ngõ ung thư

Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm đến nhà bà Nguyễn Thị G. Người đàn ông chúng tôi gặp ở đầu làng bảo: "Giờ này đến chắc không ai ở nhà đâu, bà ấy đang nằm viện. Hai thằng con chắc cũng lên đó chăm mẹ."

Quả vậy, nhà bà G. đóng cửa im lìm, cổng khép hờ hững. Có mấy người hàng xóm thấy chúng tôi vội ra đứng nhìn, chỉ trỏ. Họ bảo, chồng bà G. là ông A. đã chết vì bệnh ung thư cách đây mấy năm. Bà G. ở vậy nuôi 2 đứa con trai, nay chúng đều đã trưởng thành. Nhưng mới đây, bà G. cũng phát hiện bị ung thư gan. Hai thằng con đành đi đi về về, thay nhau chăm sóc mẹ. Tuổi của bà G. cũng đâu đã nhiều, chỉ khoảng 60.


Cả hai vợ chồng bà G. đều mắc ung thư, giờ đây ngôi nhà luôn đóng cửa im ỉm

Không gặp được bà G., chúng tôi đành quay ra, tìm đến nhà bà Nguyễn Thị Sang (48 tuổi), một góa phụ ở làng, cách đó 3-4 nhà.

Bà Sang kể, ông Ch., chồng bà chết cách đây khoảng 3 năm vì căn bệnh ung thư thực quản khi chưa đầy 50 tuổi. Bà ở vậy nuôi 4 đứa con. Đứa lớn mới đi lấy chồng. Hai đứa út vẫn còn ít tuổi, đang học tiểu học.

Theo bà Sang, chồng bà là người to cao, khỏe mạnh. Gia đình bà cũng như dân nơi đây vốn sinh nhai bằng nghề làm ruộng nhưng cũng xây dựng được cơ ngơi tương đối khá giả. Rồi một lần, ông Ch. thấy hơi đau trong người. Đi khám, gia đình mới hay tin dữ: ông Ch. đã mắc căn bệnh ung thư quái ác. Rồi chồng bà Sang ra đi chỉ ít tháng sau đó.

Nhìn sang mấy nhà phía sau, bà Sang lắc đầu: "Ở đây nhiều người đã chết vì ung thư rồi. Nhà không chết vợ thì cũng chết chồng."

Bà Sang cho hay, con ngõ nhà bà được người làng gọi là ngõ ung thư vì chỉ hơn chục gia đình mà đến 5-6 nhà có người chết vì ung thư.

 

Chị Nguyễn Thị Sang và con trai đang học lớp 3

Ông Ngô Đình Thụ, phó thôn Xuân Dục chia sẻ với PV: "Thôn này xưa nay vốn toàn làm nông nghiệp nên con người hầu hết đều khỏe mạnh, có đau ốm bệnh tật mấy đâu. Vậy mà 7-8 năm trở lại đây, bỗng nhiều người ra đi vì bệnh ung thư".

Ông Thụ nhẩm tính, cả thôn chỉ có vài trăm hộ dân mà trong vòng chưa đến chục năm, đã khoảng 50 người chết vì bệnh ung thư. Hiện hơn chục người trong làng cũng đang nằm chờ chết. Hầu hết họ trong độ tuổi lao động.

Mấy người trong thôn đi cùng chúng tôi cũng cho biết: "Không phải chỉ ở thôn này. Nhiều thôn xung quanh cũng có rất nhiều người chết vì ung thư".

Trong thôn có cụ Đàm Văn Đích (hơn 80 tuổi) vẫn khá khỏe mạnh nhưng gia đình cụ đã có 3 người con, cháu, rể chết vì ung thư từ năm ngoái đến năm nay. Cả 3 người đều sống ở các thôn xung quanh.

Căn bệnh ung thư xuất hiện những năm gần đây khiến nhiều người ở thôn Xuân Dục thấy không khỏi bất an.

Nguồn nước bẩn quá!

Lý giải nguyên nhân vài năm gần đây, thôn Xuân Dục có nhiều người chết vì ung thư, ông Thụ cho rằng: "Chỉ vì nguồn nước nơi đây quá bẩn!"

Theo ông Thụ, cả xã Yên Thường từ xưa đến nay vẫn sinh hoạt bằng nước giếng đào, giếng khoan từ dưới đất lên. Trước đây nguồn nước trong lành, nhưng hơn chục năm nay, bỗng nước bị bẩn nghiêm trọng. Khắp thôn trên, xóm dưới ở xã hầu như nhà ai cũng phải sắm bình lọc nước ôzôn.

Nói rồi, ông Thụ lấy ra hai bát nước lã để trước mặt chúng tôi, 1 bát đựng nước giếng khoan từ dưới đất lên, bát còn lại là nước đã qua xử lý bằng máy lọc ôzôn. Rồi ông Thụ rót nước chè vào hai bát. Kết quả: bát nước mới lấy từ giếng lên bỗng ngả màu xám xịt như nước cống, trong khi bát kia chỉ hơi đổi màu.


Bát nước chè rót vào nước lã chưa lọc ở thôn Xuân Dục

Ông Nguyễn Hồng Sơn (65 tuổi, ở thôn Yên Khê, xã Yên Thường) dẫn chúng tôi về nhà ông và giới thiệu về hệ thống lọc nước trong nhà. Ông cho biết, xã Yên Thường cách trung tâm Hà Nội chỉ khoảng chục cây số nhưng chưa có nước máy. Ở quanh đây, nhà nào cũng phải khoan giếng sâu hàng chục mét rồi dùng máy bơm hút lên. Nhưng dù nước sâu hay cạn đều bị nhiễm bẩn. Nhiều người trong vùng lo sợ đã phải mang mẫu nước đi kiểm định. Kết quả đều cho thấy chất độc hại trong nước ngày càng nghiêm trọng.


Khắp thôn trên, xóm dưới ở xã hầu như nhà ai cũng phải sắm bình lọc nước ôzôn

Sau nhà ông Sơn là một hệ thống bể nhiều tầng để lọc nước từ dưới đất đưa lên. Chỉ lọc một thời gian, xung quanh thành bể nhà ông Sơn đã đóng một lớp vàng khè như gỉ sắt. Chưa hết, ông Sơn còn chỉ vào chiếc bình lọc R.O: "Hầu như nhà nào cũng phải bỏ hơn 3 triệu mua cái máy này. Phải lọc qua đây thì nước mới sử dụng được".

Ông Sơn còn khoe chiếc máy sục ôzôn mà vợ ông mua cách đây không lâu. Ông bảo: “Mua miếng thịt lợn về, muốn rửa để nấu, phải cho vào nước rồi sục bằng máy này. Chứ nếu chỉ rửa bằng nước bình thường, khi nấu chín, thịt bốc mùi như bị thối, không chịu nổi”.


 Hệ thống bể lọc của nhà ông Sơn

Ông Thụ thở dài: “Nhiều người chết vì ung thư quá rồi nên ai cũng sợ. Nước ở vùng này bây giờ độc quá, không thể dùng nổi. Mua máy lọc về cũng chỉ hạn chế độ độc hại phần nào thôi. Chúng tôi đã già, sớm muộn cũng về với tổ tiên. Điều đáng lo là lớp trẻ. Nếu cứ tiếp tục dùng nước độc thế này, e còn nhiều người trẻ ra đi nữa!”.

Cứ vậy, người ở thôn Xuân Dục cũng như các vùng xung quanh vẫn đang hằng ngày sống chung với nguồn nước ô nhiễm mà chưa biết khi nào nguồn nước sạch mới về đến nơi đây.

Theo 24h


Giày Đại Phát solution
Số người online:
35733
Số người truy cập:
9210673