Anh Tấn vốn là công nhân một xưởng may thêu ở Hóc Môn. Khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, khu trọ bị phong tỏa do phát hiện ca nhiễm, cùng lúc nhà máy không thể thực hiện "3 tại chỗ" buộc anh phải nghỉ việc suốt 3 tháng.
Anh Tấn trong căn bếp của gia đình ở quê Vĩnh Long. Ảnh: An Phương
"Cảm giác nhốt mình trong phòng trọ, liên tục đọc các thông tin người chết vì dịch khiến tôi rất ám ảnh", anh Tấn nhớ lại. Khi thành phố "mở cửa", anh quyết định chạy xe máy về quê ở huyện Long Hồ (Vĩnh Long) với ý định nghỉ ngơi một hai tuần rồi quay lại nhà máy. Sau đó nam công nhân từ bỏ kế hoạch trở lại TP HCM khi thấy dịch vẫn phức tạp, đi lại giữa các địa phương không thuận lợi.
Trong khi công ty liên tục gọi điện đề nghị quay trở lại thì anh Tấn chần chừ. Sau hai lần từ chối cuộc gọi của bộ phận nhân sự, "quay qua đã thấy hết năm", anh quyết định chờ ăn Tết ở quê rồi mới trở lại thành phố tìm việc. Sau 10 năm lên Sài Gòn "mần thuê", đây là thời gian thất nghiệp dài nhất anh trải qua. Tuy nhiên, nam công nhân không thấy lo lắng bởi nghĩ rằng việc ở thành phố đang nhiều. Công ty cũ cũng sẵn sàng nhận lại những lao động có tay nghề.
"Tôi vẫn còn một ít tiền để dành hồi đi làm, đủ để ăn Tết cùng mẹ. Rau cá ở quê đầy đủ lại không mất tiền trọ nên chưa cần vội", anh Tấn nói.
Với quy mô hơn 2.000 lao động, Công ty cổ phần Sài Gòn Food ở Khu công nghiệp Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh) "mất" khoảng 400 lao động khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, hầu hết về quê tránh dịch. Cuối năm, nhà máy cần nhân lực để làm đơn hàng Tết nên vận động người lao động trở lại với nhiều chính sách phúc lợi nhưng không ít người lại từ chối.
"Khoảng một nửa số công nhân nghỉ việc đồng ý quay lại nhưng hẹn qua Tết. Tâm lý nhiều người vẫn còn lo lắng, chờ dịch ổn định", đại diện doanh nghiệp thông tin. Để đáp ứng đơn hàng nhà máy phải xoay xở với lực lượng lao động hiện có, sắp xếp lại quy trình sản xuất để tăng sản lượng, tiết kiệm nhân lực.
Người lao động rời TP HCM về quê hồi cuối tháng 9 năm ngoái. Ảnh: Đình Văn
Theo khảo sát của chuyên trang Việc làm tốt về nhu cầu tìm việc cuối năm của người lao động, tâm lý chờ qua Tết mới bắt đầu trở lại thành phố, tìm công việc dài hạn khá phổ biến, góp phần làm "lệnh pha" cung – cầu thị trường lao động. Công bố của đơn vị này vào cuối năm 2021, trong khi các doanh nghiệp tăng tuyển mới lên đến hơn 160% so với trước thời điểm dịch bùng phát thì nhu cầu tìm việc của người lao động giảm chỉ còn 45%.
Tương tự, theo số liệu của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM (Falmi) quý 1 năm nay, thành phố cần ít nhất 45.000 lao động. Trong đó, 70% nhu cầu tuyển lao động phổ thông liên quan các ngành may mặc, giày da, cơ điện - điện tử, chế biến và các ngành thương mại với mức thu nhập bình quân mỗi tháng 7-15 triệu đồng. Tuy nhiên số người mong muốn tìm việc trong tháng đầu năm mới chỉ hơn 19.600 người.
Lý giải sự chênh lệch này, ông Đỗ Thanh Vân, Phó giám đốc Falmi, cho rằng lâu nay thành phố luôn có lực lượng lao động mới sẵn sàng bổ sung cho thị trường là sinh viên, học viên tốt nghiệp các bậc học và đào tạo nghề dưới 3 tháng. Tuy nhiên năm nay ảnh hưởng dịch, các trường dạy trực tuyến vô tình đẩy nhóm này về quê. Khi các địa phương nới giãn cách, đi lại dễ dàng thì Tết đã cận kề khiến họ do dự quay lại thành phố. Nhiều người sẽ chọn sang năm mới để bắt đầu.
Từ thực tế này ông Vân tin rằng qua Tết thị trường lao động sẽ ấm nóng trở lại, đặc biệt khi nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động được thực hiện. Đơn cử, thành phố đang áp dụng nhiều giải pháp như sử dụng mạng xã hội, sàn giao dịch việc làm trực tuyến để tiếp cận, giới thiệu việc làm đến người lao động.
Ngoài ra, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang phối hợp với các địa phương hỗ trợ phương tiện đi lại, xét nghiệm miễn phí, tiêm vaccine cho lao động ngoại tỉnh quay lại thành phố. Công nhân sẽ được giúp đỡ chi phí sinh hoạt tối thiểu, đi lại, y tế... trong thời gian làm quen công việc mới.
Công ty cổ phần kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn ở Khu công nghiệp Tân Tạo (quận Bình Tân) thiếu nhân công làm đơn hàng Tết. Ảnh: An Phương
Đồng quan điểm, bà Trần Minh Ngọc, Giám đốc chuyên trang Việc làm tốt cho rằng sau Tết Nhâm Dần, cung – cầu thị trường lao động sẽ cân bằng hơn. Hiện nay, nhóm lao động hồi hương đang có khuynh hướng trải nghiệm các công việc tự do, phi chính thức, tìm kiếm cơ hội việc làm tại quê nhà. Tuy nhiên, đây không phải là sự chuyển dịch dài hạn bởi lượng việc làm ở các tỉnh chưa thể đáp ứng được lượng lao động tăng đột biến này.
Bà Ngọc cũng đưa ra lời khuyên người lao động muốn có việc làm tốt nên tận dụng thời điểm cuối năm vì lúc này nhu cầu thị trường đang tăng rất cao, đa dạng ngành nghề, nhiều mức lương để lựa chọn. Ngược lại nếu chờ qua Tết, người tìm việc sẽ phải cạnh tranh với các ứng viên khác, khả năng được nhận vào làm giảm và mất thời gian để làm quen với công việc, môi trường mới.
Lê Tuyết