Tối 29/6, Duyên - trường THPT Nguyễn Khuyến, TP HCM - gọi điện hối nhóm bạn thân đến nhà thầy ôn bài lần cuối, như đã hẹn trước. Dù trường đã luyện và làm công tác tư tưởng nhiều tháng nay nhưng học sinh vẫn không yên tâm. "Tụi em vẫn muốn thầy nói lại một số vấn đề. Ai cũng hiểu đây là kỳ thi đại học chứ không phải tốt nghiệp phổ thông. Coi vậy mà anh chị những năm trước sướng hơn tụi em khi muốn vào đại học chỉ luyện 4 môn, còn giờ em học hết 7 môn mà chưa chắc đã đậu", Duyên nói.
Cha con Kim Chi tỏ ra lo lắng trước giờ G. Ảnh: Nguyễn Duy |
Còn thí sinh Trần Thị Kim Chi cho biết vừa từ Bà Rịa – Vũng Tàu lên TP HCM dự thi THPT quốc gia. Cha mẹ vì lo lắng nên đều xin nghỉ việc để đưa cô lên đây. Năm trước, Chi thi đại học được 16 điểm, rớt nguyện vọng một. Với số điểm này cô có thể xét tuyển nguyện vọng 2 vào nhiều trường đại học khác nhưng lại về quê ôn tập để năm nay thi tiếp. Do vậy lần này Chi thi 3 môn để xét tuyển vào ngành Sư phạm tiểu học, trường Đại học Sư phạm TP HCM.
Chi Bảo, nếu biết năm nay có nhiều sự thay đổi như vậy đã chọn vào trường khác từ năm ngoái. Chỉ còn một ngày nữa là bước vào kỳ thi nên nữ sinh hoang mang rất nhiều bởi những năm trước đề thi tuyển sinh có mẫu, cô dựa vào đó để ôn, kiến thức cũng giới hạn. "Còn năm nay em không biết đường nào mà lần. Đề thi thử THPT em cũng làm rồi nhưng thấy khó quá. Năm nay mà thi rớt nữa thì em không biết phải ăn nói với gia đình làm sao", Chi nói.
Gần một năm qua Chi học ôn ở một trung tâm luyện thi tại Bà Rịa – Vũng Tàu. Ngoài kiến thức lớp 12, cô phải lục lại sách lớp 10, 11 để ôn lại kiến thức. "Các thầy cô ở trung tâm luyện thi nói là phải học hết chứ năm nay Bộ thay đổi cách ra đề", Chi cho hay.
Ba năm học tại trường THPT Nguyễn Trãi ở Đồng Nai, Lương Thị Thiên Mỹ là học sinh tiên tiến nhưng bước vào kỳ thi này cô rất lo lắng. Ngoài xét tốt nghiệp, Mỹ còn dự định xét tuyển vào ngành Ngôn ngữ Anh của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP HCM). "Ngày 28/6 em mới dám nghỉ học ở trung tâm luyện thi Biên Hòa. Đêm qua, em không chợp mắt được vì nghĩ đến việc lên Sài Gòn dự thi. Kỳ thi này mà rớt, em sẽ rớt cả tốt nghiệp THPT lẫn con đường vào đại học", Mỹ thở dài.
Nữ sinh Lê Thị Dung quê ở Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận, đăng ký dự thi tới 7 môn trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay. Dung cho biết, năm ngoái em thi rớt đại học nên năm nay phải cố gắng đậu vào một trường nào đó để học. "Trong 8 môn thi năm nay, em chỉ bỏ môn Toán. 7 môn còn lại, điểm môn nào cao thì em lấy đi xét tuyển. Kỳ thi năm nay nhiều thay đổi quá, em không biết nó sẽ như thế nào nên chọn hết 7 môn cho chắc ăn", Dung chia sẻ.
Vào Sài Gòn dự thi, ngoài quần áo Dung còn mang theo một ba lô sách vở để ôn luyện thêm. Đến môn thi nào thì cô ôn lại bài môn đó. Ở nhà, Dung dành 2 tiếng mỗi ngày để học kiến thức của một môn.
Tương tự, là học sinh giỏi của trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh (tỉnh Bình Phước) nhưng Lê Văn Hoàng rất lo khi bước vào kỳ thi THPT quốc gia. Những năm trước, thí sinh thi đậu tốt nghiệp THPT rồi mới về TP HCM thi tuyển sinh vào đại học, cao đẳng. Nếu rớt đại học, họ còn có bằng tốt nghiệp để đi học nghề hoặc trung cấp. Còn năm nay rớt kỳ thi này thì không biết đi đâu. "Dẫu sao, đậu tốt nghiệp THPT rồi đi thi tâm lý sẽ thoải mái hơn. Gộp 2 kỳ thi lại, tính rủi ro sẽ tăng lên gấp đôi. Học tài thi phận mà, có ai nói trước được gì đâu", Hoàng bày tỏ lo lắng.
Thi THPT quốc gia năm nay là kỳ thi đầu tiên tích hợp 2 mục đích, vừa xét tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Các em sinh năm 1997 được cho là "chuột bạch" để thử nghiệm. Do đó, không chỉ thí sinh mà phụ huynh cũng rất bất an.
Ông Trần Khắc Úy, ba của Kim Chi cho biết, con gái đi thi nhưng cả gia đình đều lo lắng. Sáng nay hai vợ chồng đón xe đưa Chi lên Sài Gòn. Sau khi lo chỗ ăn, ở và dẫn Chi đến điểm thi coi phòng thi thì tối nay ông sẽ đón xe về Bà Rịa – Vũng Tàu. "Nếu có thay đổi thì cũng phải có lộ trình để học sinh thích nghi. Bộ Giáo dục làm gấp quá, sao học sinh theo kịp", ông Úy nói.
Vừa từ huyện đảo Phú Quý về TP HCM dự thi, các học sinh được trường Đại học Tôn Đức Thắng bố trí cho ở ký túc xá ngay trong trường và phân công sinh viên tình nguyện hỗ trợ các em ôn bài. Ảnh:Nguyễn Duy |
Trước đó, trong buổi làm việc giữa Bộ trưởng Giáo dục Phạm Vũ Luận với các lãnh đạo Sở Giáo dục, trường đại học chủ trì cụm thi các tỉnh thành phía Nam, ông Trần Trọng Khiếm - Giám đốc Sở Giáo dục Cần Thơ - cho biết, phụ huynh và học sinh có rất nhiều băn khoăn về đề thi năm nay. "Bộ cố gắng làm sao mục tiêu xét tốt nghiệp được cao, đừng có gì bất thường để đảm bảo thành quả của ngành giáo dục trong những năm qua. Còn mục tiêu vào đại học, cao đẳng có thể phân hóa hơn”, ông Khiếm đề nghị.
Còn ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở Giáo dục TP HCM - cho hay bộ phận chuyên môn của Sở rất băn khoăn về độ khó của đề thi minh họa đã được Bộ công bố. Phải tính toán thế nào để đề thi THPT quốc gia phù hợp với năng lực học sinh, vừa để đảm bảo cho việc xét tốt nghiệp vừa xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.
Là một giáo viên phổ thông rồi cán bộ trước khi làm Giám đốc Sở Giáo dục tỉnh Quảng Nam, ông Hà Thanh Quốc nói rằng rất lo lắng về kỳ thi. Công tác tổ chức không khó vì các trường đại học và Sở Giáo dục đã làm nhiều năm, cái khó là kết quả thi sẽ cao hay thấp. "Khâu ra đề thi phải làm sao bảo đảm được tính phân hóa trong phạm vi cả nước, từ con em dân tộc thiểu số đến học sinh đồng bằng đều làm được. Đây là lần thi đầu tiên nên yếu tố an toàn rất quan trọng. Vừa rồi Bộ có ra đề thi minh họa, nếu đề thi THPT quốc gia ra như thế này thì khả năng tốt nghiệp là không cao", ông Quốc nói.
Nói về đề thi THPT quốc gia năm nay, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, đề thi có khoảng 60% câu hỏi nằm trong phạm vi kiến thức, kỹ năng cơ bản để xét công nhận tốt nghiệp, 40% câu hỏi mang tính phân hóa cao để lựa chọn những thí sinh có năng lực vào đại học, cao đẳng.
"Năm 2014 thí sinh thi tốt nghiệp có bài thi đạt điểm tối đa là 10 thì năm nay các em được 6 điểm, chỉ cần đạt 3/10 điểm là đạt yêu cầu cơ bản ở mức trung bình. Các câu hỏi sẽ được sắp xếp theo trình tự từ dễ đến khó để tránh tâm lý căng thẳng cho thí sinh khi mở đầu đã gặp câu hỏi khó", ông Trinh nói.
Theo VnExpress