Hồi 1h3’ sáng 25-8, trận động đất có cường độ 5,1 độ richter xảy ra trên Biển Đông tại vị trí có tọa độ 13,41 độ vĩ bắc, 112,22 độ kinh đông, cách bờ biển Phú Yên 300 km. Động đất tuy không gây thiệt hại gì trên mặt biển cũng như mặt đất nhưng khiến các nhà khoa học chú ý đến khả năng gia tăng hoạt động của hệ thống đứt gãy chạy dọc bờ biển Trung Bộ nước ta, còn gọi là đới đứt gãy kinh tuyến 109-110 độ đông.
Ngày 26-1- 2010, ghi nhận được một trận động đất mạnh 4,7 độ richter ở độ sâu 10km ngoài khơi biển Đông, cách bờ biển Bà Rịa - Vũng Tàu khoảng 128km. Ngày 23-6-2010, ngoài khơi vùng biển Phan Thiết cũng xảy ra trận động đất mạnh 4,7 độ richter, gây chấn động cấp 4 ở TP. Hồ Chí Minh.
Động đất ngoài khơi Phú Yên sáng sớm qua lại thêm dấu hiệu hoài nghi về hoạt động của vùng núi lửa trẻ ở nam Trung Bộ, theo GS.TS Nguyễn Đình Xuyên
Theo GS.TS Nguyễn Đình Xuyên, nguyên Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu, hệ thống đứt gãy kinh tuyến 109-110 là cái rốn của những trận động đất lớn nhỏ thời gian gần đây.
Dọc các đứt gãy này, nhất là ngoài khơi vùng biển các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, vẫn theo GS.TS Nguyễn Đình Xuyên, có nhiều ổ núi lửa từng hoạt động. Điển hình là đợt núi lửa phun trào ở Hòn Tro năm 1923 và gây động đất mạnh 6,1 độ richter ở TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.
Theo dân địa phương, sau động đất, có một đợt nước dâng cao hơn 2m tràn vào bờ biển các xã Bình Long, Hưng Long, quét sạch nhiều nhà cửa. Chuồng ngựa của Alexandre Yersin - bác sỹ và là nhà vi khuẩn học người Pháp, ở sâu trong bờ và độ cao trên 2m cũng bị sóng đánh đổ.
Có ý kiến cho đợt nước dâng ấy chính là sóng thần. GS.TS Nguyễn Đình Xuyên khuyến cáo, cần đề phòng những trận lớn hơn.
Cảnh giác 35 năm tới
Đới đứt gãy 109-110 độ đông nằm không xa địa điểm dự kiến xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam ở tỉnh Ninh Thuận. Cụ thể, Nhà máy Ninh Thuận 1 định đặt tại xã Phước Dinh (huyện Thuận Nam) và Nhà máy Ninh Thuận 2 đặt tại xã Vĩnh Hải (huyện Ninh Hải). Khoảng cách đới đứt gãy trên đến hai địa điểm ấy lần lượt là 100 km và 80 km.
Theo TS Vũ Văn Chinh, Viện Địa chất, đến nay các ý kiến về tác động của đới đứt gãy 109-110 độ đông vẫn chưa thống nhất. Hầu như tất cả đều thừa nhận đới đứt gãy này đang hoạt động. Nhưng một nhóm cho rằng mức độ hoạt động sẽ không đáng kể, trong khi nhóm khác lại cảnh báo không nên xem nhẹ, thậm chí, có thể phải tính đến khả năng gây sóng thần do động đất từ đới này.
GS.TS Nguyễn Đình Xuyên, cho rằng dấu hiệu gia tăng động đất ở đới đứt gãy 109-110 độ đông không nên được xem xét tách rời với hoạt động của các đới đứt gãy khác trên Biển Đông, nhất là với các đới đứt gãy có thể là vùng nguồn gây động đất kèm sóng thần, như đới đứt gãy nam Hải Nam (Trung Quốc) và đới hút chìm Manila (Philippines). Nhà khoa học đặc biệt quan ngại đến đới hút chìm Manila.
Theo thống kê, chu kỳ lặp lại động đất lớn (trên 8 độ richter) ở hút chìm Manila là 475 năm và cực lớn (trên 9 độ richter) là 950 năm. Đới chìm Manila này nằm ở độ sâu 5.400m trong khi độ sâu trung bình của Biển Đông là 1.500m. Suốt 440 năm qua, người ta chưa ghi nhận được trận động đất lớn nào ở đới Manila.
Áp suất tích lũy trong từng ấy năm liệu có phải đang đến điểm tới hạn để có thể gây ra một trận động đất lớn theo chu kỳ trong vòng 35 năm tới? Câu hỏi thú vị nhưng cũng đáng sợ này đang gây sự chú ý lớn của nhiều trung tâm nghiên cứu động đất hàng đầu quốc tế.
Nếu xảy ra động đất lớn chu kỳ 475 năm ở đới Manila, theo tính toán của Viện Vật lý Địa cầu, nhiều vùng biển Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. Các bãi biển Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) tới Phan Rang (Ninh Thuận) và Phan Thiết (Bình Thuận) có thể bị sóng thần cao 2m tấn công.
Vùng ven biển từ Quảng Ngãi tới Tuy Hòa (Phú Yên), sóng thần có thể cao hơn, 3-4m. Rõ nhất là vùng biển Tam Kỳ (tỉnh Quảng Ngãi), TP Đà Nẵng, có thể chịu sóng thần nặng nhất, lên đến 4-5 m.