Một tháng trước kỳ thi tuyển sinh, học trò ngoại tỉnh ùn ùn kéo về Hà Nội, các trung tâm luyện thi cũng ồ ạt mở lớp. Chất lượng giáo viên được quảng cáo "nổi tiếng" cũng dần lộ diện qua bài giảng...
Tại một trung tâm luyện thi đại học lâu năm ở khu Bách Khoa, vừa dúi vào tay khách tờ quảng cáo, anh "hướng dẫn viên" của trung tâm vừa nhanh nhảu giới thiệu: "Học cả khóa, 12.000 đồng một buổi Toán, Lý, Hóa, Sinh và 15.000 đồng một buổi Văn, Sử, Địa, Anh. Còn nếu học theo buổi thì cho anh xin 15.000 đồng".
Nằm trong con ngõ nhỏ, căn phòng rộng chừng 50 m2, bàn ghế kê sát nhau. Ngoài chiếc bảng, trên bục giảng còn treo chiếc máy chiếu lớn khiến cơ sở vật chất ở đây trông có vẻ khang trang hơn so với các 'lò" luyện khác.
15h30, nửa tiếng trước giờ khai giảng lớp luyện Hóa, số người có mặt trong lớp chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Nhưng chỉ 15 phút sau, dòng người ùn ùn kéo đến chen chúc nhau mua phiếu, ghi tên... Phòng học trở nên chật kín với khoảng 150 người.
Lên Hà Nội ôn thi từ sau Tết nhưng cảm thấy chưa chắc chắn nên Đông, cựu học sinh THPT Đào Duy Từ (Thanh Hoá) lại đăng ký thêm lớp luyện thi cấp tốc. Đúc kết kinh nghiệm từ nhiều "lò", Đông cho rằng, cách dạy thi trắc nghiệm chẳng khác với dạy thi tự luận là mấy.
Nghe quảng cáo, học sinh xếp hàng để vào lớp. Ảnh: Khánh Chi.
16h, một thanh niên trẻ măng, khuôn mặt khá điển trai, ăn mặc đúng mốt, phóng xe SH màu mận chín vào sân trung tâm. Chậm rãi bước lên bục giảng, thanh niên này tự giới thiệu tên Phát, giảng viên một trường đại học có tiếng ở Hà Nội.
Sau vài phút tìm hiểu lớp, thầy Phát nói như đinh đóng cột: "Vì thời gian có hạn nên tôi dạy kỹ vào phần nào mà tôi chắc chắn năm nay sẽ có trong đề thi, phần nào ít khả năng thì tôi sẽ phát tài liệu cho các em tham khảo. Xin nhắc lại, tôi chỉ dạy kỹ phần nào chắc chắn sẽ có trong đề thi".
Để tăng tính thuyết phục, thầy lại đưa ra một lời hứa hẹn đầy hấp dẫn: “Các kiến thức của phần hữu cơ thầy sẽ gấp rút viết trong một đêm để thành quyển bí kíp dày khoảng 10 trang A4. Các em chỉ cần đọc cuốn bí kíp đó là đủ, còn bây giờ chúng ta sẽ tập trung vào phần vô cơ.”
Ông thầy trạc 30 tuổi này bắt đầu bài giảng: "Bây giờ đề thi đại học không ra kiểu chất nọ cộng chất kia rồi ra cái lọ cái chai đâu...". Sau một hồi đọc lý thuyết để trò chép, thầy Phát quay xuống hỏi: "Thế nào, có hiểu gì không mấy cưng?".
Nhưng đáp lại lời thầy chỉ là sự im lặng, những ánh mắt nhìn ngơ ngác, ở góc nào đó một vài học sinh rúc rích cười. Cậu học sinh tên Đông chốc chốc lại quay xuống phía dưới nhăn nhó: "Thầy dạy kiểu gì mà như diễn tuồng vậy nhỉ?"
Ngán ngẩm, thầy đứng từ trên bục giảng, phi viên phấn đang viết dở xuống cuối lớp rồi phủi tay phán: "Lý thuyết chán quả hả, vậy làm bài tập nhé." Mỗi học sinh được phát một tờ giấy photo với 15 bài toán do thầy biên soạn. "Chỉ cần bạn hiểu được bài tập mẫu do Phát sắp làm sau đây, bạn sẽ giải được 50 dạng bài khác nhau về kim loại và axit", thầy nói.
Mới nghe đến đó, hơn 150 học sinh đồng loạt ồ lên thán phục rồi thi nhau cắm cúi chép. Sau khi giải bài toán theo cách thông thường, thầy Phát kết luận: “Đây là cách giải của 99% giáo viên và học sinh hiện nay. Nhưng cách đó không cao, cách đó là của những người... lìu tìu. Còn những thiên tài thì sẽ làm theo cách của Phát.”
Nói rồi, thầy vừa khua chân múa tay, vừa dài giọng như đang hát cải lương: "Đặt số mol của NO và N2O lần lượt là W, C.” Cả lớp cười ồ lên. Thầy quay mặt lại ngơ ngác: "Có gì mà cười? Ngày xưa đi học cô giáo tôi toàn đặt là X, Y, Z nhưng tôi cứ WC, SH với @ mà đặt. Cô thắc mắc thì tôi chỉ bảo: "Thế em hỏi cô, không có WC, cô đi giải bằng cách nào?” Nghe đến đây, lũ học trò ôm bụng cười ngặt nghẽo.
Căn phòng rộng chừng 80m2 nằm phía dưới khán đài Sân vận động Bách Khoa phải chứa tới gần 200 học sinh. Một số em đã ngủ gục khi nghe thầy giảng. Ảnh: Khánh Chi.
Cứ như vậy, bài toán được giải qua những câu bông đùa nhạy cảm của thầy Phát. Dừng hẳn bài giảng, thầy rút từ trong túi ra chiếc điện thoại di động đời mới, tay vừa liên tục bấm, mồm thầy vừa luyến thoắng, giọng trầm bổng nhịp nhàng: "Các người nên nhớ rằng mỗi câu nói của ta đều rất có chiều sâu. Nó xuyên cả quá khứ, hiện tại và hướng tới tương lai. Do vậy, các người phải cực kỳ giỏi mới hiếu được hết ý nghĩa sâu xa của nó".
Từ đó cho tới cuối buổi, thầy Phát thao thao bất tuyệt giới thiệu về bản thân với những khả năng siêu phàm. Lũ học trò kinh ngạc há hốc mồm ra nghe.
18h, buổi học vừa kết thúc, thầy dặn: "Chủ nhật tới thầy sẽ tranh thủ dạy thêm cho các con một buổi tổng ôn. Buổi học này không có trong lịch, là thầy thấy cần thiết thì dạy thôi. Ngày hôm đó thầy sẽ phát hành đĩa và cuốn bí kíp mà thầy đã nói. Các con nhớ nhé, Chủ nhật tới tại đây".
Kết thúc buổi học, Ngọc Lĩnh (THPT Nguyễn Trãi - Hà Tây) cười: "Thầy dạy hay mà lại vui tính nữa. Giờ học nào mà cũng được cười thoải mái như vậy thì đỡ nhàm chán".
Tuy nhiên, cũng có những ý kiến không đồng tình. Lấy tay ẩn lại cặp kính cận bị trễ xuống, cậu học sinh tên Bằng khẽ lẩm bẩm: "Cách giải này có gì mới đâu mà thầy cứ khoe". Theo Bằng, ở trường, giáo viên cũng hướng dẫn giải bài theo cách của thầy Phát. Tuy nhiên, cách giải này không được khuyến khích vì trong khi tính dễ bị nhầm lẫn. "Cách thày giảng cũng vui đấy nhưng có lẽ không phù hợp với môi trường sư phạm", cậu bạn của Bằng bình luận.
Thấy đám học sinh lục tục chen chúc nhau ra về làm nghẽn cả lối ra, thầy Phát thốt lên vẻ sốt ruột: "Kìa, các người nhanh lên, ta còn phải chạy sô nữa."
Theo VnExpress