Lần đầu tiên, thầy đi thi đại học cho riêng mình. Còn 12 lần liên tiếp gần đây, thầy đi “thi đại học” vì các học sinh (HS) thân yêu của mình. Thầy là người gắn bó sâu đậm nhất với chương trình “Chỗ trọ miễn phí” (CTMP) của chúng tôi suốt 12 năm qua. Mỗi kỳ thi đến, thầy đều có mặt trên chuyến xe chở các HS nghèo ở vùng Đồng Tháp Mười về Cần Thơ dự lễ khai mạc chương trình CTMP, rồi vào khu ký túc xá ở với các em HS, đợi cho đến khi các em thi xong, thầy trò mới cùng quay về.
Thầy Nguyễn Thành Nam dặn dò các học trò trước ngày thi
Mộc Hoá là một trong những huyện đồng bằng cách xa Cần Thơ nhất - khoảng 200 cây số. Thế nhưng, Mộc Hoá lại là huyện có số HS đến với chương trình CTMP năm nay đông nhất đồng bằng - khoảng 140 trên tổng số 4.500 em. HS Mộc Hoá đến với chương trình của chúng tôi luôn rất đông, một phần do huyện vùng Đồng Tháp Mười này có nhiều HS nghèo, nhưng phần khác quan trọng hơn, đó là có một người thầy đã dày công gắn kết một cách hiệu quả chương trình xã hội đầy ý nghĩa này với việc học, việc thi của những HS nghèo vùng sâu.
Mưa lạnh, nhưng ấm lòng
Lễ khai mạc chương trình CTMP bắt đầu lúc hơn 10h ngày 2-7. Khi chương trình buổi lễ mới qua hơn một nửa, bất ngờ trời Tây Đô lất phất mưa. Buổi lễ được tiếp tục bình thường. Những HS dự lễ được ngồi trong nhà tạm lắp ghép khô ráo. Còn những người tổ chức phải đi lại dưới mưa. Trong nội dung chương trình có phần phát quà cho HS các địa phương gắn bó với chương trình CTMP. Mười em HS của huyện Mộc Hoá được mời lên nhận quà. Các em còn chần chừ vì trời mưa, thế nhưng, khi nhìn thấy thầy Nguyễn Thành Nam đứng ngoài mưa thúc giục, các em đã đội ngũ chỉnh tề lên bục nhận quà. Thấy thầy Nam tiếp tục đứng dưới mưa để hướng dẫn các học trò lên nhận quà, một HS ngồi gần nhắc: “Thầy ơi, mưa ướt hết người thầy rồi”. Thầy Nam chỉ nhìn sang đứa học trò mỉm cười thay cho lời cảm ơn, rồi tiếp tục công việc.
Không riêng gì thầy trò thầy Nam, tất cả những người tổ chức buổi lễ đã chấp nhận đội mưa để buổi sáng “xuất quân” của các học trò nghèo được “đầu xuôi”... Bộ đồ veston màu đen của người dẫn chương trình long lanh những giọt nước mưa màu trắng. Thay mặt lãnh đạo Bộ GDĐT, ông Đỗ Hữu Tuyết – Phó Vụ trưởng, Phó Giám đốc cơ quan đại diện Bộ GDĐT tại TPHCM – cũng chấp nhận đội mưa phát quà. Ông Nguyễn Văn Hiền – Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Long An – cũng không ngại mưa lên phát biểu động viên các em HS. Một người đàn ông đứng cạnh tôi tên Huỳnh Công Đắc (ngụ xã Tuyên Thạnh, huyện Mộc Hoá), có con là Huỳnh Thị Thảo Trang trong đoàn HS đi thi, đã nói với tôi: “Trời mưa lạnh, nhưng thấy ấm lòng. Mà hễ làm việc gì gặp trời mưa là hên lắm, thế nào mấy đứa nhỏ cũng thi tốt!”.
Người dậy đi thi sớm nhất
Đoàn xe chở HS huyện Mộc Hoá do thầy Nguyễn Thành Nam dẫn dắt đến Cần Thơ rất sớm, vào lúc 8h30 sáng. Xe khởi hành tại Trường THPT Mộc Hoá lúc 4h30. Thầy Nam đã dậy lúc 2h sáng để điện thoại nhắc nhở các nhà xe, rồi gọi cho gia đình các em HS đi thi, nhất là những em ở các xã xa thị trấn. Trước đó gần 1 tháng, sau khi nhận được thông báo về chương trình CTMP, thầy Nam đã thông báo rộng rãi, rành mạch đến tất cả các HS trong trường có nộp đơn dự thi vào các trường đại học ở Cần Thơ. Chỉ trong thời gian ngắn, có trên 150 HS (trên tổng số hơn 500 HS khối 12 của trường) đăng ký đi theo chương trình CTMP. Thế nhưng, số lượng CTMP phân bổ cho từng tỉnh, từng huyện có giới hạn, nên thầy Nam phải thường xuyên liên lạc với công đoàn ngành GDĐT và LĐLĐ tỉnh Long An để xin chỉ tiêu. Ban đầu tỉnh Long An được phân bổ 300, rồi 350, cuối cùng là 460 suất - cao nhất so với các tỉnh đồng bằng. Huyện Mộc Hoá đã được phân bổ đến 140 suất.
Ông Đỗ Hữu Tuyết (ảnh, phải) - Phó Vụ trưởng, Phó Giám đốc cơ quan đại diện Bộ GDĐT tại TPHCM - trao quà cho thí sinh về nhận chỗ trọ miễn phí
Cái khó nhất của các địa phương khi đưa HS đi thi theo chương trình CTMP là tìm nguồn kinh phí để thuê xe. Chuyện này thì thầy Nam không phải lo, vì Hội Khuyến học địa phương rất ủng hộ chương trình này, họ luôn sẵn sàng cùng thầy tạo nguồn kinh phí để lo cho các em. Rồi những cựu HS nhà trường - những người đã từng được thầy Nam đưa đi Cần Thơ thi đại học theo chương trình CTMP, giờ đã ra trường và thành đạt, trở lại góp sức với thầy lo cho thế hệ đàn em. Nhờ vậy, các HS nghèo đã được đi thi bằng xe chất lượng cao, nhiều em còn được cha hoặc mẹ theo chăm sóc. Không chỉ đứng ra trực tiếp quán xuyến chuyến đi, thầy Nam còn phân công 3 giáo viên khác theo để giúp các HS ôn tập, chuẩn bị thi cử.
Duyên nợ với Đại học Cần Thơ
Lần đầu tiên cậu học trò nghèo Nguyễn Thành Nam từ vùng Đồng Tháp Mười bỡ ngỡ đặt chân đến Cần Thơ thi đại học là vào năm 1979. Nhà nghèo, đến nơi xa lạ, Nam phải ngủ dưới mái hiên chùa để thi đại học. Nửa đêm trời mưa, bị tạt ướt, người “hàn sĩ” phải tìm đến ngôi chùa khác để ngủ. Rồi Nam hằng ngày đi bộ mấy cây số từ chùa đến điểm thi... Bị ám ảnh bởi sự vất vả của học trò nghèo đi thi đại học, nên năm học 2000 – 2001, khi chương trình CTMP được phân bổ về tới huyện Mộc Hoá, thầy Nam (khi đó là chủ tịch CĐCS nhà trường) đã tham mưu cho ban giám hiệu tổ chức đưa các HS nghèo tham gia chương trình. Từ đó cho tới nay, suốt 12 năm liên tục, năm nào thầy Nam cũng đích thân dắt các HS nghèo đi Cần Thơ thi đại học.
Có một lần như thế, trong số những HS đi thi ở Cần Thơ, có cô học trò Nguyễn Thị Ngọc Dung là con gái của thầy Nam. “Con hơn cha nhà có phước”, cô gái vùng quê nghèo Mộc Hoá học khoa Kinh tế Đại học Cần Thơ, sau khi tốt nghiệp được giữ lại trường, hiện đang đi đào tạo sau đại học tại Bỉ. Giống như Ngọc Dung, có rất nhiều học trò khác của thầy Nam từng theo những chuyến xe nghĩa tình đi Cần Thơ thi đại học, giờ là giảng viên của trường hoặc thành đạt ở nhiều nơi. Buổi tối 2.7, biết thầy Nam có mặt ở Cần Thơ, một học trò cũ đã tìm đến thăm thầy. Anh tên là Trần Trung Tính - tiến sĩ, Phó trưởng khoa Kỹ thuật điện, Đại học Cần Thơ, là người từng đi qua “con đò giáo dục” của thầy Nam. Tiến sĩ Tính rất cảm kích tấm lòng của người thầy luôn tận tụy lo cho HS nghèo, cũng như chương trình CTMP. Anh nói: “Tôi chưa từng biết một chương trình xã hội từ thiện nào kéo dài, hiệu quả, thiết thực như chương trình CTMP 13 năm qua, nó đã góp phần đưa nhiều HS nghèo vào Đại học Cần Thơ, để rồi ra trường các em phục vụ trên chính quê mình”.
Cùng có mặt trong buổi thăm thầy cũ với tiến sĩ Tính là một học trò cũ khác của thầy Nam, bạn học của tiến sĩ Tính, đó là dược sĩ Trần Thanh Phong - công tác ở Phòng khám Đa khoa khu vực Bình Phong Thạnh (huyện Mộc Hoá). Dược sĩ Phong đưa con là Trần Hoài Bảo (Trường THPT tư thục Hà Long – TP.Tân An) đi Cần Thơ thi đại học cũng theo chương trình CTMP. Dược sĩ Phong cho biết, anh có người bạn ở Cần Thơ gợi ý cha con anh về nhà người ấy ở trong thời gian đi thi, nhưng anh từ chối, hai cha con vào ở ký túc xá theo chương trình CTMP. Theo dược sĩ Phong, các HS được ở bên nhau trước ngày thi sẽ thấy thoải mái và tự tin hơn, rồi từ chỗ ở đến nơi thi cũng rất gần. Anh cho biết, nhờ người này nói với người khác, lớp HS trước kể lại lớp sau, mà người dân nghèo ở quê anh khi có con học lớp 12, ai cũng biết về chương trình CTMP, có những HS chọn thi đại học ở Cần Thơ một phần do chương trình tác động.
Sáng 2-7, trong cảnh tấp nập làm thủ tục nhận CTMP, tôi thấy thầy Nam bắt tay thật vui một cụ già, sau đó tôi mới biết là ông Nguyễn Văn Nhiều - 80 tuổi, nguyên trung tá quân đội, hiện là Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Thủ Thừa (Long An) và cũng gắn bó nhiều năm với chương trình CTMP. Năm nay, ông Nhiều cũng đưa một đoàn HS nghèo đi thi. Thầy Nam và ông Nhiều tay bắt mặt mừng. Không là “Ngưu Lang – Chức Nữ”, nhưng hai người đàn ông hết lòng vì sự nghiệp giáo dục này cứ mỗi năm gặp nhau đúng 1 lần trên đất Tây Đô nhờ “chiếc cầu” của chương trình CTMP.