Tế nhị trước mặt con trẻ

Xác định từ tuổi nào “con người sinh vật” trở thành “người xã hội”, nghĩa là biết quan tâm và phán xét những gì diễn ra xung quanh là không hoàn toàn đơn giản vì còn tùy thuộc vào sự phát triển tâm lý của từng trẻ.

Cha mẹ thể hiện tình yêu thương với nhau sẽ giúp trẻ biết thể hiện giống như vậy khi tới tuổi kết bạn. Ảnh: Xuân Thảo
 
Biết khám phá cơ thể khi 1-3 tuổi
 
Trong năm đầu tiên của cuộc đời, trẻ ở giai đoạn tự kỷ trung tâm, chỉ quan tâm đến việc thỏa mãn nhu cầu thể chất, đặc biệt là cắn, mút. Phân tâm học gọi đây là giai đoạn miệng của sự phát triển tâm sinh dục. Ở giai đoạn này, sự phát triển tâm lý xã hội của trẻ chỉ hướng về việc gắn bó với người chăm sóc, chưa chịu tác động gì về hình ảnh cơ thể cha mẹ. Trẻ bắt đầu khám phá cơ thể khi bắt đầu biết di chuyển có ý thức, biết sử dụng bô (giai đoạn 1-3 tuổi) và tỏ ra rất thích thú với việc nghịch ngợm bộ phận sinh dục nhưng chỉ là biểu hiện của sự tự khám phá.
 
Đến khoảng 3 tuổi, trẻ mới có ý thức xã hội, mới bắt đầu biết nên và không nên làm gì. Cũng có  những trẻ 2 tuổi đã có năng lực quan sát và phán xét nhưng không bộc lộ mà ẩn náu trong tâm trí nhưng sẽ ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách sau này.  Các chuyên gia tâm lý học nhận thấy ngay ở những trẻ 18 tháng tuổi và ít hơn nữa thì những trải nghiệm đã có thể được lưu giữ trong bộ nhớ và sau này tái hiện trong hành vi. Tâm lý học gọi là khả năng bắt chước hành vi của người lớn và tái hiện những hành vi đó kể cả sau một thời gian dài.  
 
Giai đoạn giữa và cuối tuổi thơ (8 tuổi đến dậy thì), trẻ tăng tính tò mò và có những biểu hiện của tình dục, gia tăng ý thức về bản thân nên không thích bị nhìn thấy trần truồng nhưng quan tâm nhiều hơn đến cơ thể mình và bạn cùng giới và cả khác giới.
 
Từ 2 tuổi: Tăng tính tò mò
 
Như vậy là từ 2 tuổi, nhiều trẻ đã phát triển ý thức xã hội, có ý thức về bản thân, tăng tính tò mò (hoặc có biểu hiện của sự phát triển tính dục sớm). Khi trẻ ở giai đoạn này, cha mẹ phải  tránh phơi bày cơ thể một cách dễ dãi trước mặt trẻ (nhất là cha trước con gái hoặc mẹ trước con trai) để trẻ học cách sống biết tôn trọng sự riêng tư, sự tế nhị và tôn trọng với chính cơ thể mình. Những phẩm chất này càng đòi hỏi nhiều hơn ở trẻ gái.
 
Nhiều trẻ được làm quen dần với hình ảnh cơ thể cha mẹ trong khung cảnh lành mạnh (chỉ nhằm thư giãn, không tạo sự kích động). Việc này không gây ra ảnh hưởng gì có hại vì sự phát triển toàn diện của mỗi cá thể còn phụ thuộc vào nhiều tác động khác, không thể cường điệu tác động duy nhất.   
 
Phơi bày cơ thể trong cảnh quan hệ tình dục giữa vợ chồng là chuyện không nên để xảy ra trước mặt con cái, dù là ở lứa tuổi nhỏ. Những trẻ lớn có thể hiểu được nhưng với trẻ nhỏ có thể sẽ phản ứng, thậm chí có thể lo lắng và sợ hãi rằng cha mẹ đang làm đau lẫn nhau. Nếu lỡ để trẻ nhìn thấy và để làm yên lòng trẻ thì nên giải thích bằng những lời để trẻ hiểu được, không nên tỏ ra giận dữ, chỉ trích hay trừng phạt sẽ ảnh hưởng đến tâm sinh lý của trẻ.

Không thận trọng thái quá

 
Nhiều bậc cha mẹ thận trọng một cách thái quá đến mức hoàn toàn không muốn biểu lộ bất cứ một dạng bày tỏ tình yêu nào, thậm chí không bao giờ dám hôn nhau trước mặt con cái. Điều chắc chắn là trẻ sẽ tiếp nhận những bài học về vai trò giới và cách ứng xử giữa nam nữ từ mô hình cha mẹ. Trẻ phát triển nhận thức và biết thể hiện tình yêu, sự trìu mến như thế nào chủ yếu cũng là do sự quan sát cách đối xử với nhau từ cha mẹ. Cha mẹ ôm hôn nhau trước mặt con cái để thể hiện tình yêu hay nói với nhau những lời yêu thương sẽ giúp trẻ biết thể hiện giống như vậy khi tới tuổi kết bạn, có người yêu hay đã có cuộc sống gia đình.
Bác sĩ Đào Xuân Dũng(chuyên gia tình dục học)


Giày Đại Phát solution
Số người online:
1659
Số người truy cập:
9033909