“Không được thu thêm tiền của người bệnh”
Trao đổi với PV, ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban thực hiện chính sách BHYT (Bảo hiểm xã hội Việt Nam - BHXHVN) khẳng định việc tăng viện phí lần này có một (trong số các) mục tiêu là giảm bớt khó khăn cho các bệnh viện, làm sao để khi cung cấp dịch vụ y tế các bệnh viện vẫn thu lại được đủ chi phí đã bỏ ra.
Ở chiều ngược lại, việc tăng viện phí cũng cần đảm bảo quyền lợi cho người bệnh, không gây áp lực cho họ.
Khi đã tăng giá viện phí, các bệnh viện (ở tất cả các tuyến) không được thu thêm bất cứ một khoản nào của người bệnh (dưới bất kì hình thức nào)
Một trong những lý lẽ mà BHXHVN đưa ra để đấu tranh nhằm bảo vệ quyền lợi người bệnh khi tăng giá viện phí là phía BHXHVN đề nghị các bệnh viện (ở tất cả các tuyến) không được thu thêm bất cứ một khoản nào của người bệnh (dưới bất kì hình thức nào).
Lý giải điều này, ông Sơn nói: “Khung giá mới vẫn chỉ tính một phần viện phí (nghĩa là chỉ tính các yếu tố trực tiếp dùng để khám chữa bệnh như bông băng, găng tay, vật tư tiêu hao, vv …, chưa hề có khấu hao nhà cửa, máy móc, lương cán bộ y tế, …).
Tuy nhiên, một phần đó đã được tính đúng tính đủ. Vì thế, bệnh viện không có cơ sở nào để yêu cầu người bệnh phải nộp thêm tiền”.
Ông Sơn lấy ví dụ: Dịch vụ A có giá 10 đồng. Khi chưa tăng viện phí, BHYT trả 4 đồng, 6 đồng còn lại bệnh nhân phải trả.
“Nhưng nay thì khác. Vì đã điều chỉnh viện phí nên giá dịch vụ A là 10 đồng thì BHYT thanh toán đầy đủ cho bệnh viện (mức giá viện phí mới đã trả đủ những chi phí trực tiếp rồi). Vì thế, bệnh nhân chỉ việc thanh toán phần đồng chi trả (từ 5 đến 20%) mà thôi”, ông Sơn nói.
Ông Sơn cho biết, khi BHXHVN đưa ra quan điểm này, phía Bộ Y tế đã có sự đồng thuận cao.
Để đảm bảo quyền lợi cho người bệnh, khi giá viện phí mới được áp dụng, tất cả đều được công khai rõ ràng.
Ông Sơn cho biết, người bệnh cần tìm hiểu thông tin để biết về quyền lợi của mình. Nếu vẫn bị yêu cầu nộp thêm những khoản tiền khác (không phải khoản đồng chi trả 5 đến 20%) thì người bệnh cần thông báo với bộ phận giám định BHYT tại bệnh viện để giải quyết kịp thời.
“Nếu phát hiện bệnh viện cố tình vi phạm, bắt bệnh nhân nộp thêm tiền thì cơ quan BHYT có thể sẽ xem xét đến việc ngừng ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT với đơn vị đó”, ông Sơn nói.
Tách bạch các kỹ thuật để tránh lãng phí
Ông Sơn cho biết, dự thảo lần này có những điểm mới và đã khắc phục được những bất cập của dự thảo lần trước. Ngoài một số kỹ thuật mới chưa từng có trong danh mục được Quỹ BHYT chi trả, danh mục này cũng tách bạch rạch ròi những dịch vụ trước đây chỉ nói chung chung.
Đơn cử như siêu âm màu trước đây có mức giá thanh toán từ 80.000-150.000 đồng/lượt thì nay sẽ cụ thể giá thành đối với dịch vụ siêu âm mạch máu hay siêu âm tim.
Ông Sơn nói thêm: “Trước đây có những loại siêu âm là siêu âm 2D, in màu đen trắng là vẫn đảm bảo và chỉ tốn 20 ngàn đồng. Các bệnh viện tráng thêm 1 lớp màu nữa vào (không đáng bao nhiêu tiền) nhưng vẫn yêu cầu thanh toán ít nhất là 80.000 đồng/lượt.
Như vậy là bất hợp lý. Nếu điều chỉnh theo hướng này, có thể có những dịch vụ sẽ giảm giá, có cái sẽ tăng và tăng cao. Nhưng dù tăng hay dù giảm thì điều đầu tiên cần đảm bảo là tính hợp lý của nó”.
Các kỹ thuật được tách bạch cụ thể để tránh gây thất thoát cho quỹ BHYT
Bên cạnh việc tách bạch những dịch vụ mà trước đây chỉ nói chung chung, giá viện phí mới trong dự thảo lần này còn thu hẹp khoảng cách tối thiểu – tối đa của giá một dịch vụ, thậm chí còn áp dụng quy định chung 1 giá đối với các dịch vụ ở tất cả các tuyến.
Điều này vừa tránh lãng phí, vừa xóa bất công giữa các tuyến vừa góp phần giảm tải (khuyến khích tuyến dưới làm chứ không đẩy bệnh nhân lên tuyến trên để tránh lỗ như trước đây).
Tuy nhiên, với những vật tư đặc biệt một chút (do có những khác biệt ở từng nơi) thì khoảng cách giữa giá tối thiểu và tối đa là không quá 5% (trước đây, có những dịch vụ mà giá tối thiểu là 300 ngàn đồng, giá tối đa là 1.800.000 ngàn đồng! Dải viện phí này quá dài khiến tình trạng thất thoát quỹ dễ dàng xảy ra hơn).
Hiện nay, dự thảo (lần 2) về thông tư liên tịch điều chỉnh giá viện phí đã hoàn thành, chuẩn bị trình Chính phủ. Nếu không có gì thay đổi, thông tư này sẽ được áp dụng sớm trong năm 2012.