Ông Nguyễn Văn Ban, thường gọi Ba Ban, quê Bến Tre, đến vùng Bảy Núi lập nghiệp cách nay 40 năm, kể: “Hồi đó ở Bảy Núi đầy thú rừng. Chỉ cần lên núi Cấm thôi thì mang, mễn, hươu, nai, chồn, sóc... đi đâu cũng gặp. Có lần cả đàn heo rừng mấy chục con về bên sân nhà tôi uống nước”. Thế nhưng giờ đây, thú rừng Bảy Núi ngày càng khan hiếm. Ở đây có rất nhiều nhóm “thợ săn” sắm đủ loại đồ nghề để truy sát thú hoang.
Một chuyến đi săn
Sau nhiều ngày lân la, tôi quen được nhóm thợ săn của Ba Th. Địa bàn hoạt động của nhóm này là những cánh rừng thâm u trên núi Cấm, nơi con người ít khi đặt chân đến. Theo Th., những nơi hoang vu như vậy mới còn nhiều thú, nhất là heo rừng. Cánh thợ săn ở Bảy Núi rất nể Ba Th. bởi anh ta có tài thiện xạ và có “duyên” hạ heo rừng.
Biết Ba Th. chuẩn bị tổ chức chuyến đi săn trên Vồ Đá Vàng vì hôm trước anh ta đi thăm rẫy và phát hiện dấu đàn heo rừng ở đó, tôi xin tham gia. Sau nhiều lần nghe tôi nài nỉ, Ba Th. đồng ý. Nhóm 4 người bắt đầu lên đường với lỉnh kỉnh đồ nghề, trong đó có khoảng 10 bẫy răng cưa, leo ngược những bậc thang lên đỉnh núi.
Sau khoảng 1 giờ cuốc bộ băng qua mấy ngọn đồi và những cánh rừng chưa có lối mòn, chúng tôi đến nơi. Lần theo dấu vết, Ba Th. quả quyết đàn heo rừng vẫn mỗi ngày ra vào khu vực này để uống nước. Anh ta tìm nơi đặt bẫy, phòng khi bắn hụt thì lũ heo rừng bỏ chạy sẽ dính bẫy ngay. Thế là khoảng 10 chiếc bẫy răng cưa bén ngót được đặt thành hàng ngang để đón lõng đường rút lui của đàn heo.
Con mèo rừng bị nhóm thợ săn truy sát
Xong, tất cả vào vị trí mai phục. Chừng nửa giờ sau đã nghe tiếng “eng éc” từ trong rừng vọng ra. Một con heo rừng với cặp nanh nhọn hoắc xuất hiện, theo sau là 4 con nữa. Chúng vô tư uống nước. Khoảng cách giữa đám thợ săn và đàn heo còn khá xa, chừng 250 m. Án binh chờ hồi lâu mà đàn heo rừng không tiến gần thêm nữa, Ba Th. nóng ruột, bóp cò. Phát đạn chỉ làm bị thương một con, cả đàn heo hốt hoảng tháo chạy vào rừng mất hút, không con nào dính bẫy. Ba Th. tức tối giục mọi người tháo bẫy, về.
Trên đường xuống núi, nhóm thợ săn phát hiện một con mèo rừng lớn, liền rượt đuổi. Bị bao vây, con mèo phóng lên ngọn cây cao ẩn náu. Nhưng chỉ sau 2 phát súng của nhóm thợ săn, con mèo bị trúng đạn rơi “ịch” từ trên cây xuống đất.
Vào quán nhậu
Cánh thợ săn Bảy Núi thường truyền tai nhau về Tư Đ., một thợ săn có tiếng, từng bắn hạ hàng chục con heo rừng và cơ man cheo, mang, mễn, chồn, sóc, nhím... Toàn bộ thú rừng săn được đều được nhóm Tư Đ. tuồn vào các quán nhậu, nhà hàng, xa thì ở TPHCM, gần thì loanh quanh khu vực Bảy Núi.
Tôi rảo quanh các quán nhậu ở Bảy Núi, hầu như quán nào cũng có bán “đặc sản” thịt rừng. Các chủ quán thường rất cảnh giác. Thấy khách quen, khách sộp thì chào hàng “tới bến”, còn nếu thấy khách có vẻ khả nghi thì giấu nhẹm, khi khách hỏi đến thịt rừng thì khăng khăng: “Dạ, không có thịt rừng đâu. Ai mà dám bán, bị phạt nặng lắm!”.
Cặp khổng tước 16 triệu đồng
Những ngày qua, giới mua bán thú cảnh ở chợ biên giới Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên - An Giang đang rao bán một cặp công (còn gọi là khổng tước) còn tơ với giá 16 triệu đồng. Cặp công này gồm 1 con trống và 1 con mái, đã đầy đủ lông, màu sắc sặc sỡ, có thể sinh sản. Một nguồn tin cho hay cặp công này được bắt tại Campuchia, đưa sang VN bán.
|
Hôm về Bảy Núi mới đây cùng mấy người bạn từ TPHCM, sau khi tham quan, viếng cảnh, chúng tôi ghé một quán ăn bề thế nằm ngoài rìa chân núi. Không chút ngần ngại, cô tiếp viên giới thiệu ngay rằng quán có thịt heo rừng, chồn, sóc... Chúng tôi tỏ vẻ nghi ngờ: “Heo rừng nuôi hay heo rừng “gốc”?, cô tiếp viên khẳng định đó là “thịt rừng trăm phần trăm”.
Chủ quán xởi lởi tiếp thị thêm: “Chồn mướp giá 250.000 đồng/kg hơi (chồn sống), mỗi con khoảng 3-4 kg, làm được nhiều món rất ngon. Tại quán, tụi em sẽ nấu cho một ít, phần thịt tươi còn lại nếu mấy anh mua luôn thì em bớt chút đỉnh để làm quen”.
Ra chợ trời
Gần đây, trên các tuyến đường ở TP Long Xuyên - An Giang và Ô Môn - TP Cần Thơ xuất hiện nhiều người công khai bày bán động vật hoang dã để làm thú nuôi, thú kiểng.
Từ các loài chim sáo, chìa vôi, két... đến nhím, sóc, chồn..., khách muốn loài nào cũng có. Tôi ghé một điểm bán thú rừng trên đường Trần Hưng Đạo, đoạn qua phường Mỹ Bình, TP Long Xuyên. Thấy có khách, bà chủ oang oang giới thiệu: “Đây là sóc lửa, sóc bạch, nhen (một loài thú giống chuột, đuôi dài như đuôi sóc), chồn mướp... Tất cả đều được bắt trên núi. Mua đi, dễ nuôi lắm, bảo đảm trong nhà sẽ không còn con chuột nào dám mò vô”.
Sóc rừng được bày bán công khai ở TP Long Xuyên để làm thú cảnh
Lúc sau, nhiều người sà vào xem thú. Khi người bán hét giá thì ai cũng tá hỏa: Cặp nhen 150.000 đồng, sóc 200.000 đồng/con bằng cườm tay; chồn mướp 1,2 triệu đồng/con cỡ 3 kg. Nghe khách chê mắc, người bán nói: “Tụi tôi phải trốn chui trốn nhủi mới thoát được mấy ông kiểm lâm, đưa “hàng” về tới dưới này, tốn mấy đợt tiền vận chuyển. Mấy con không bị thương mới bán làm thú nuôi, chứ đa số bị thương nặng đã vào quán nhậu hết rồi”.
Hôm sau, tôi bắt gặp một chiếc xe máy chở chiếc kệ gỗ to kềnh phía sau chứa đầy sóc, chồn bày bán trên đường Nguyễn Trãi, đoạn trước cửa Trường Tiểu học Châu Văn Liêm - TP Long Xuyên. Hoạt động mua bán thú rừng ở đây diễn ra công khai, suốt cả ngày.