Hội thảo “Phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học” được tổ chức ngày 21-12 tại Hà Nội đã nêu lên nhiều vấn đề nóng chưa có cách giải quyết.
Phát hiện, bắt giữ: 10%
Thống kê của Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C49), Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm (Bộ Công an) cho thấy các loài động vật hoang dã bị buôn bán bất hợp pháp gồm đủ các loại, từ rắn, kỳ đà, rùa, hổ, báo, gấu, sơn dương... Trong đó, thú rừng chiếm khoảng 20%, rắn 45%, rùa 30%, chim 3%, còn lại là các loài thú khác. Tuy thị trường buôn bán động vật hoang dã ồ ạt như thế nhưng cả năm 2010, chỉ có 55 vụ bị bắt giữ.
Theo hồ sơ của các cơ quan chức năng, động vật hoang dã đang là mặt hàng kinh doanh béo bở. Nhiều người trở nên giàu có từ việc buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp qua cửa khẩu Đồng Đăng (Lạng Sơn), Móng Cái (Quảng Ninh), Cầu Treo (Hà Tĩnh), Pờ I (Kon Tum), Lộc Ninh (từ Campuchia sang)... Cùng với nạn buôn bán thì việc tổ chức săn bắt cũng phát triển rầm rộ. Các đội săn cũng được tổ chức ngày càng chặt chẽ, chuyên nghiệp.
Một con gấu bị nuôi nhốt để rút mật
Theo thượng tá Lê Khả Hồng, Phó trưởng Phòng Phòng chống tội phạm môi trường trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản, đa dạng sinh học (C49), đối tượng buôn bán động vật hoang dã rất đa dạng, bao gồm cả người nước ngoài và người VN. Thậm chí có cả người trong cơ quan Nhà nước và trong ngành chuyên trách quản lý bảo tồn động vật hoang dã. “Chính vì vậy, số vụ buôn bán trái phép bị phát hiện, bắt giữ chỉ chiếm khoảng 10% trong tổng số vụ buôn bán trong thực tế” - thượng tá Hồng khẳng định.
Nhiều bất cập
Nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng
Theo GS-TS khoa học Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội Động vật VN, tại VN, các nhà khoa học đã điều tra, phân loại thống kê được khoảng 21.984 loài động vật hoang dã. Trong đó có 217 loài thuộc diện quý hiếm có tên trong Sách đỏ VN 2007; 129 loài có tên trong Sách đỏ Thế giới IUCN 2009.
Nghiên cứu của Hội Động vật VN cũng nêu lên xu hướng mở rộng thị trường tiêu dùng động vật hoang dã phục vụ cho khách hàng sang trọng. Không ít viên chức, nhà quản lý, chủ doanh nghiệp chỉ muốn nếm của ngon vật lạ đã khiến việc sử dụng động vật hoang dã phát triển quy mô trên toàn quốc. Hiện có khoảng 80 loài động vật quý hiếm đang được kinh doanh sử dụng trên thị trường nội địa và xuất khẩu. Phần lớn, các loài này có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng.
|
PC49 Công an tỉnh Nghệ An cho biết địa phương này được coi là địa bàn trung chuyển động vật hoang dã từ các tỉnh - TP phía Nam ra Hà Nội, Quảng Ninh, Lạng Sơn để vận chuyển sang Trung Quốc tiêu thụ.
Vì là hàng hóa có giá trị cao, nếu bị bắt giữ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị xử phạt hành chính nặng, có thể lên đến 500 triệu đồng (tùy giá trị hàng), bị tịch thu phương tiện vận chuyển nên đối tượng buôn bán động vật hoang dã thường rất liều lĩnh, manh động, sẵn sàng chống trả các lực lượng chức năng.
Đối với hoạt động nuôi nhốt trái phép cũng thế, khi bị kiểm tra, các đối tượng thường gây khó khăn, không hợp tác, huy động người cản trở quyết liệt.
Thạc sĩ Đặng Huy Phương, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, cho rằng đây là hoạt động kinh doanh mang lại lợi nhuận rất cao nên các đối tượng bất chấp các thủ đoạn để bảo vệ nguồn hàng.
“Người buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã sẵn sàng vì lợi nhuận cá nhân mà bỏ qua tác hại với môi trường sinh thái và đa dạng sinh học; sẵn sàng bỏ tiền tỉ ra để trang bị phương tiện buôn bán, thậm chí lo lót, mua chuộc người thừa hành công vụ...” - thạc sĩ Phương cho hay.
Dẫn chứng thêm về những bất cập trong việc ngăn chặn hoạt động buôn bán động vật hoang dã, đại diện PC49 Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết hành lang pháp lý về việc xử lý hành vi buôn bán động vật hoang dã không cụ thể, hướng dẫn thực hiện không rõ ràng.
Vị này dẫn chứng: Vào tháng 10-2009, PC49 Công an Quảng Ninh bắt quả tang trang trại hút mật gấu trái phép trên địa bàn nhưng không xử lý hình sự được do quy định hiện hành không đưa dịch mật gấu là sản phẩm của động vật hoang dã, quý hiếm.