Tâm sự của gã chồng dùng búa đập chết vợ

Trong cái rét thấu da, cắt thịt, Lương Thế Hà (SN 1977, trú tại xã Gia Thịnh, huyện Gia Viễn, Ninh Bình) ngồi lặng lẽ trong góc căn phòng nhỏ. Chốc chốc, anh ta lại đưa tay vuốt ngực. Hà bảo rằng, cơn đau bệnh tật xen lẫn nỗi đau đớn khôn nguôi trong lòng khiến anh ta nhiều đêm không thể chợp mắt.

Cơn mưa phùn lất phất rơi xuống khuôn viên trại giam Xuân Nguyên - Bộ Công an báo hiệu đợt gió mùa đông bắc lạnh giá hơn. Vậy mà, Lương Thế Hà vẫn mặc nguyên bộ quần áo tù mỏng manh lên gặp khách. Những cơn gió rít lên từng hồi, xuyên thấu da thịt khiến cho Hà càng thấy lạnh hơn. Anh ta co ro ngồi trong góc phòng. Hà bảo rằng đã lâu lắm rồi, gia đình chưa ai lên thăm. Bởi thế, dù thời tiết rất lạnh, nhưng anh ta vẫn không có một manh áo ấm... Nếu như cái ngày kinh hoàng ấy, anh ta biết bình tĩnh hơn, thì mọi thứ không mù mịt với Hà đến thế.

Hạnh phúc mỏng manh

Vùng quê Gia Viễn, Ninh Bình nơi Hà sinh ra vốn nghèo khó nhưng dù lam lũ, vất vả, cha mẹ Hà đã gắng để các con được ăn học bằng bạn bằng bè và thoát khỏi cuộc sống cơ cực, nghèo khó. Biết cha mẹ phải chắt chiu nuôi mình ăn học, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Hà đã cố học thật tốt. Sau khi tốt nghiệp Trường Công nhân cơ điện, năm 1998, Hà được một công ty thép có tiếng ở Hà Nội nhận vào làm việc với mức lương khá cao.

Hà được làm việc ở nơi phồn hoa với mức thu nhập ổn định khiến cho cha mẹ Hà cũng thấy vui lòng và hãnh diện với bà con chòm xóm. Rồi trong một lần về quê, Hà đã gặp cô gái Nguyễn Thị Thúy - người con gái nết na ở cùng xã và kém Hà 2 tuổi. Tuy không đẹp, nhưng nét duyên của Thúy đã hớp hồn Hà ngay từ lần gặp đầu tiên. Tình yêu của họ được nuôi dưỡng và họ nên duyên vợ chồng sau một năm tìm hiểu.

Từ khi có vợ, cứ tuần nào được nghỉ, Hà lại khăn gói về quê thăm vợ. Nhìn người vợ mơn mởn sức xuân lại phải sống xa chồng khiến cho Hà suy nghĩ. Nhưng vì công việc, anh ta đành nén nỗi nhớ thương vợ. Rồi hai năm sau ngày cưới, vợ Hà có tin vui. Nhưng ngặt nỗi, con gái của Hà khó nuôi, cứ khóc ngằn ngặt và bắt người thân bế ẵm suốt cả đêm. Nhìn vợ gầy đi trông thấy khiến cho lòng Hà xót xa.

Suy đi, tính lại, cuối cùng Hà quyết định chuyển công tác về quê để sống gần vợ, gần con, đỡ đần cuộc sống bộn bề, vất vả cho vợ. Vì thế, năm 2002, Hà chuyển công tác từ Hà Nội và về quê xin vào làm thợ hàn cho doanh nghiệp Xuân Trường. Dù mức lương không cao so với làm ở Hà Nội nhưng Hà vẫn thấy vui vì hàng ngày được nhìn thấy vợ con.

Và cứ thế, ngày ngày Hà đi làm, tối về lại quây quần bên mâm cơm gia đình với những người thân yêu của mình. Cuộc sống cứ thế trôi đi cho đến năm 2004, thấy trong người có những triệu chứng lạ, mắt vàng, ăn uống khó tiêu, khó thở, Hà đã đi khám bác sĩ. Sau rất nhiều khâu xét nghiệm, Hà cầm tờ kết quả trên tay và lặng người khi phát hiện mình mắc căn bệnh viêm gan cấp. Tuy nhiên, vì kinh tế không mấy dư giả nên anh ta đã không dành toàn tâm toàn lực vào việc chữa trị khiến bệnh tình ngày càng tăng nặng. Chính vì vậy, Hà đã nhiều lần ngất đi sau những lúc làm việc quá sức.

Tháng 3-2004, trong một lần đang làm công trình cho dự án của doanh nghiệp, Hà đã ngất xỉu và phải nghỉ việc ở đó. Ở nhà dưỡng bệnh được ít ngày, Hà định xin đi làm lại nhưng vị trí của anh ta lúc ấy trong doanh nghiệp đã có người khác thế chân. Vậy là Hà đã bị thất nghiệp. Lao động chính trong gia đình đã không có việc làm khiến cho vợ con Hà cũng phải sống trong cảnh thiếu thốn. Hà xoay sở đủ thứ nghề, mong có thể kiếm ra tiền đỡ đần vợ con nhưng càng cố gắng thì công việc của Hà càng gặp bế tắc.

Xuống tay sát hại vợ

Đúng lúc ấy, người anh trai bên vợ Hà đã gọi hai vợ chồng ra Móng Cái, Quảng Ninh để xin cho cả hai vợ chồng làm công nhân ở đó. Mừng rơi nước mắt vì sắp kiếm được việc, nhưng lúc đó, trong người hai vợ chồng Hà chẳng có đồng nào. Họ đành chạy vạy, vay mượn bạn bè để lấy tiền đi làm và những người bạn của vợ chồng Hà cũng thương hoàn cảnh của Hà mà sẵn lòng cho vay. Hai vợ chồng Hà khăn gói ra Móng Cái, Quảng Ninh với vài trăm nghìn đồng. Khi đến nơi, họ được người anh trai sắp xếp cho ở nhờ căn hộ tập thể trong một khu công nghiệp với tiện nghi vừa đủ để cho cặp vợ chồng này sinh hoạt.

Tuy nhiên, chờ đến ngày 26-12-2004, đã mấy ngày trôi qua mà hai vợ chồng Hà vẫn cứ ngồi nhà ăn không, chẳng có việc làm khiến cho Hà tức tối. Khi hỏi anh trai của vợ thì Hà vẫn nhận được câu trả lời cố chờ đợi thêm ít ngày, làm cho Hà thêm hậm hực. Và anh ta đã mang tất cả những tức tối ấy chút lên đầu vợ. Hà bắt chị Thúy phải cùng mình bỏ về quê.

Thấy chồng giận, chị Thúy cũng nhỏ nhẹ khuyên răn rằng đã mất công, bỏ tiền đi ra đến đây rồi thì cố ở lại làm đến Tết rồi hãy về. Tuy nhiên, trong cơn bực tức, Hà khăng khăng phải về. Chị Thúy thì cố níu giữ chồng ở lại khiến cho giữa hai vợ chồng xảy ra mâu thuẫn. Trong cơn bực tức, Hà lớn tiếng chửi vợ và xúc phạm gia đình nhà vợ, làm chị Thúy đau đớn. Cố dằn lòng để vượt qua, nhưng không hiểu sao nước mắt người vợ cứ tuôn trào. Không thể chịu nổi, chị Thúy đã thốt lên rằng: “Nếu không chịu được thì anh giết em đi…”.

Tưởng rằng như thế Hà sẽ bình tĩnh để suy xét mọi thứ, nào ngờ, trong cơn điên loạn, Hà với ngay chiếc búa dưới gầm giường, đập liên tiếp vào đầu, vào gáy vợ khiến chị Thúy nằm gục ngay tại chỗ. Được mọi người đưa đi cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng, chị Thúy đã tử vong. Còn về phần Hà, sau khi gây án, anh ta đã bỏ đi lang thang. Đến 20h cùng ngày, Hà đã đến công an đầu thú.

Ân hận nhưng mọi thứ đã quá muộn đối với người đàn ông trẻ tuổi. Cũng từ đó, Hà phải chấp nhận đau thương đến tột độ. Ngày tháng trôi đi, Hà bảo rằng khi ngồi trong nhà tạm giam, anh ta mới thấy thấm thía tất cả và lúc ấy mới thấy mọi thứ quý giá với mình đến nhường nào. Đã không ít đêm, trong giấc ngủ chập chờn, Hà mơ thấy vợ về nhưng không tha thứ cho tội lỗi của anh ta và đòi Hà phải trả giá bằng mạng sống.

Sau khi gây án, Hà nghĩ mình phải nhận mức án tử hình, nhưng qua cả hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, cuối cùng, Hà chỉ phải nhận mức án chung thân về hành vi giết người. Được tha tội chết nhưng Hà không thấy thanh thản mà thậm chí còn mang nỗi lòng nặng trĩu. Bởi Hà biết rằng con đường phía trước đối với anh ta thật gian nan. Lúc ấy, cơn dằn vặt như thấu vào tâm can Hà khiến nhiều đêm anh ta không thể chợp mắt. Những hình ảnh vợ quây quần bên con, chăm bẵm cho chồng cứ hiện về... Ấy vậy mà chỉ trong tích tắc, vì không kìm nén được cơn giận, Hà đã đạp đổ mọi thứ, tước đi mạng sống của vợ, chôn vùi hạnh phúc của mình sau cánh cửa trại giam, đẩy con gái bơ vơ không cha, không mẹ.

Sau khi lĩnh án, đến tháng 11-2005, Hà được chuyển về trại giam Xuân Nguyên thụ án. Công việc lao động ở trại không quá nặng nhọc nhưng hàng đêm, những cơn đau bệnh gan hoành hành khiến anh ta không thể chợp mắt. Những cơn đau bệnh tật xen lẫn với nỗi đau lòng cứ giày vò, cắn xé người đàn ông tội lỗi. Thời gian đầu tiên, cứ 3 tháng một lần, gia đình lại cử người lên thăm Hà. Những lúc như thế, lòng Hà thấy ấm lại phần nào.

Hơn 6 năm thụ án ở trại giam, đứa con gái - khúc ruột nối tình cảm giữa vợ và Hà - đã gần chục tuổi, cũng đã có lần lên thăm cha. Nhưng lúc ấy, nó vẫn chưa hiểu lý do vì sao cha phải ngồi tù. Bởi trong ký ức non trẻ, nó vẫn nghĩ rằng mẹ nó chết vì bị tai nạn giao thông chứ không phải do cha cướp mạng sống.

“Nghe tiếng con bi bô, hỏi những câu ngây thơ như cha làm sao ở đây lâu thế, sao cha không về với con,... khiến lòng em như có dao cứa. Em rất sợ một ngày nào đó, nó sẽ biết sự thật rằng chính em là người đã cướp đi mạng sống của mẹ nó, cướp đi hạnh phúc của đời nó thì chắc hẳn con bé sẽ chẳng bao giờ tha lỗi cho em…” - người đàn ông 35 tuổi nói trong nước mắt.


Giày Đại Phát solution
Số người online:
6966
Số người truy cập:
9249161