Xưa nay, nhắc đến sinh tố D thì bệnh còi xương được điểm danh hàng đầu. Nhưng nếu tưởng chỉ hữu ích cho xương thì thật không đúng vì kết quả của nhiều công trình nghiên cứu gần đây cho thấy sinh tố D không chỉ quan trọng cho tiến trình hấp thu, phân phối và giữ chặt chất vôi trong mô xương còn ảnh hưởng rõ ràng trên khả năng phân hóa của tế bào trong chiều hướng ngăn chặn hiện tượng ngẫu biến thành tế bào ung thư. Bằng chứng là bệnh nhân được điều trị với sinh tố D sau đợt xạ trị ít bị di căn nếu so sánh với nhóm bệnh nhân không có sinh tố D trong phác đồ điều trị hậu ung thư. Các nhà nghiên cứu cũng đã chứng minh là sinh tố D giảm thiểu tỉ lệ nhiễm ung thư da do tia tử ngoại và độc chất trong môi trường ô nhiễm.
Cơ thể cần sinh tố D nhưng lưu ý là sinh tố này có rất ít trong sữa nên các bà mẹ trẻ cần lưu ý bổ sung loại sinh tố này cho trẻ sơ sinh. Bên cạnh đó, đối tượng dễ thiếu sinh tố D là người ăn chay trường. Đối tượng dù ăn uống đầy đủ nhưng vẫn thiếu sinh tố D là người nghiện thuốc lá, người cao tuổi.
Nói chung, cơ thể không dễ thiếu sinh tố D nếu chúng ta thường ăn cá biển, thịt, trứng, nấm và nhất là đừng thiếu ánh nắng mặt trời. Nhưng đừng vì thế mà lầm tưởng càng phơi nắng càng có nhiều sinh tố D vì chỉ cần 15 phút dưới ánh nắng thì cơ thể đã thừa sức để hưng phấn quy trình sản xuất sinh tố D kéo dài trong 24 giờ. Người làm việc thường xuyên dưới trời nắng gắt vì thế phải được bảo vệ đúng mức với y phục bảo hộ lao động.
Sinh tố D được dự trữ khá lâu trong cơ thể nên nếu tích lũy có thể dẫn đến triệu chứng ngộ độc như biếng ăn, nôn mửa, nhức đầu, viêm thận... Đáng lo hơn nhiều là sỏi thận do chất vôi bị huy động ngược chiều từ xương vào đường tiết niệu.
Vì thế đừng lạm dụng thuốc có sinh tố D, cũng đừng phơi nắng theo kiểu của trời cho miễn phí dại gì không dùng. Đừng quên thuốc nào cũng có thể thành thuốc độc nếu sai liều lượng. Với ánh nắng cũng thế.
Bác sĩ Lương Lễ Hoàng(Trung tâm Điều trị ôxy cao áp TPHCM)