Sửa đổi Bộ luật TTHS: Bổ sung nguyên tắc suy đoán vô tội?

Tăng cường tính tranh tụng nhằm bảo đảm tốt hơn tính khách quan khi giải quyết án. Trong ảnh: Đại diện VKS đang tranh tụng với luật sư tại một phiên tòa lưu động. Ảnh: HTD

Mở rộng thêm diện người bào chữa và các trường hợp bắt buộc phải có người bào chữa...

 

Như Pháp Luật TP.HCM phản ánh trong hai số trước, qua tổng kết năm năm thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự 2003, các cơ quan tố tụng, tư pháp ở địa phương và trung ương đã chỉ ra hàng loạt vướng mắc mà theo đánh giá ban đầu là sẽ “đụng” tới gần nửa bộ luật.

Trong buổi họp hôm 11-2 vừa qua, Ban soạn thảo Bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi đã thống nhất là cần tiếp tục thảo luận, lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan tố tụng, các nhà nghiên cứu, giới luật sư, luật gia... Dự kiến VKSND tối cao và các cơ quan tư pháp trung ương sẽ mở nhiều cuộc hội thảo, phân tích toàn diện, mổ xẻ kỹ lưỡng những ưu điểm, hạn chế của Bộ luật 2003. Ngoài ra, việc sửa đổi thế nào sẽ phải cân nhắc, tính toán kỹ để phù hợp với lộ trình cải cách các cơ quan tư pháp theo Nghị quyết 49...

Tăng tính tranh tụng

Tuy nhiên, qua tổng hợp ban đầu, tổ biên tập giúp việc cho ban soạn thảo đang đề xuất một số định hướng chính cho bộ luật mới.

Cụ thể, về cơ bản chúng ta vẫn theo mô hình tố tụng thẩm vấn hiện nay nhưng tăng cường hơn tính tranh tụng, bảo đảm tốt hơn tính khách quan khi giải quyết án. Như vậy, cần bổ sung thêm nguyên tắc suy đoán vô tội, áp dụng xuyên suốt từ giai đoạn điều tra, truy tố đến xét xử. Cạnh đó, để tạo tính mềm dẻo, linh hoạt trong hoạt động tố tụng, rút ngắn hơn nữa việc giải quyết án đơn giản, bên cạnh nguyên tắc xét xử tập thể, quyết định theo đa số, tổ biên tập đề nghị bổ sung chế độ xét xử một thẩm phán...

Về thẩm quyền của tòa, vẫn theo tinh thần Nghị quyết 49, tòa án là trung tâm của hệ thống tư pháp; hoạt động xét xử là trọng tâm của hoạt động tư pháp. Tuy nhiên, cần làm rõ và cụ thể hóa nội hàm của “trung tâm”, “trọng tâm”, nhất là trong mô hình bốn cấp mới của ngành tòa án. Đồng thời, cần nghiên cứu bỏ bớt những việc không phù hợp với chức năng xét xử của tòa như quyền khởi tố vụ án hình sự...

VKS toàn quyền quyết việc khởi tố?

Bộ luật 2003 giao khá nhiều quyền cho VKS trong việc ra yêu cầu cho cơ quan điều tra nhưng thiếu cơ chế thực thi. Vì vậy, sửa luật lần này cần bổ sung các quy định mới để buộc cơ quan điều tra chấp hành và ngược lại để trói trách nhiệm người ra yêu cầu trái luật. Trong trường hợp cơ quan điều tra không đáp ứng yêu cầu thì VKS có quyền trực tiếp điều tra vụ án đó.

Theo hướng đó, nhiều ý kiến cho rằng VKS cần có quyền hạn cao hơn, chủ động hơn trong việc thực hiện chức năng công tố như chịu trách nhiệm quyết định việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can, đình chỉ bị can, đình chỉ vụ án; áp dụng các biện pháp ngăn chặn; truy tố tội phạm. Hơn nữa, cũng cần quy định thêm thẩm quyền của VKS trong xác minh tin báo, tố giác tội phạm và mở rộng quyền khởi tố vụ án, khởi tố bị can cho cơ quan điều tra của VKS trong một số trường hợp cần thiết. Đây là giải pháp để tăng cường công tố trong hoạt động điều tra.

Thêm quyền cho điều tra viên, kiểm sát viên

Tình hình tội phạm thời gian qua cho thấy có thể phải giao thêm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra cho một số cơ quan chuyên trách như thuế, quản lý thị trường. Đây cũng là vấn đề đặt ra trong quá trình xây dựng một số luật chuyên ngành như Luật Quản lý thuế. Vì vậy, lần sửa Bộ luật Tố tụng hình sự tới đây cần cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết 49: Cơ quan điều tra chuyên trách điều tra tất cả các vụ án hình sự; các cơ quan khác chỉ tiến hành một số hoạt động điều tra sơ bộ và một số biện pháp điều tra theo yêu cầu của cơ quan điều tra chuyên trách.

Một yêu cầu lớn của cải cách tư pháp là phải tăng quyền, trách nhiệm cho điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán - những người trực tiếp tiến hành tố tụng nhằm nâng cao tính độc lập và chịu trách nhiệm về các hành vi, quyết định tố tụng của họ. Theo tinh thần này, tổ biên tập đề xuất sửa luật theo hướng giảm tối đa quyền hạn tố tụng của người đứng đầu cơ quan tố tụng. Những người này chủ yếu chỉ kiểm tra, đôn đốc và can thiệp vào vụ án thông qua quyền rút, hủy bỏ quyết định của cấp dưới, ra một số quyết định tố tụng làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt từng giai đoạn tố tụng. Đồng thời phải phân định rõ hơn quyền quản lý hành chính với trách nhiệm, quyền hạn tố tụng của người đứng đầu cơ quan tố tụng để đảm bảo mọi hoạt động tố tụng được minh bạch, có giám sát.

Chú trọng hơn hoạt động bào chữa

Bộ luật 2003 ra đời cùng lúc với việc sửa đổi, ban hành nhiều quy định mới liên quan đến hoạt động luật sư. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy vẫn cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế đảm bảo để luật sư thực hiện tốt việc bảo vệ quyền lợi của thân chủ trong các giai đoạn tố tụng, đặc biệt là tranh tụng tại tòa. Vì vậy, bộ luật mới cần bổ sung thêm các cơ chế bảo đảm thực hiện quyền bào chữa của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Xác định cụ thể quyền, nghĩa vụ của người bào chữa và tạo điều kiện thuận lợi cho họ tham gia tố tụng.

Để khắc phục tình trạng còn tới 80% vụ án được xử mà không có luật sư, tới đây có thể phải mở rộng thêm diện người bào chữa, không chỉ gồm luật sư, người đại diện, bào chữa viên nhân dân mà cả những người khác được đương sự nhờ và được cơ quan tố tụng chấp thuận. Mặt khác, có thể mở rộng các trường hợp bắt buộc phải có người bào chữa trong các giai đoạn tố tụng. Chẳng hạn chỉ cần bị điều tra về tội có mức án cao nhất 15 năm tù thì đã phải có luật sư chứ không chỉ là tội đến tử hình như hiện nay.

Ngoài ra, trong bộ luật mới cũng cần được sửa đổi, bổ sung để làm rõ hơn khái niệm chứng cứ. Bổ sung một số nguyên tắc về thu thập chứng cứ; tôn trọng và tạo điều kiện thực hiện quyền đưa ra chứng cứ của bị can, bị cáo, đương sự và những người tham gia tố tụng khác như luật sư, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Mở rộng thêm nguồn chứng cứ, không chỉ các loại truyền thống như lời khai, biên bản các hoạt động tố tụng, đồ vật, tài liệu, kết luận giám định mà thêm những nguồn khác dạng như thông tin mã hóa, đáp ứng yêu cầu chứng minh tội phạm trong thời đại công nghệ thông tin...

Đưa thừa phát lại vào luật

Thừa phát lại là mô hình mới trong thi hành án, sẽ được thí điểm nay mai và có thể mở rộng trong tương lai. Vì vậy, sửa đổi bộ luật lần này cũng cần chủ động nghiên cứu, xác định nhiệm vụ, quyền hạn của thừa phát lại và mối quan hệ với các cơ quan tiến hành tố tụng trong một số hoạt động có thể “xã hội hóa” được như tống đạt quyết định tố tụng. Đồng thời, bộ luật mới cũng phải bổ sung, làm rõ mối quan hệ giữa cảnh sát tư pháp với các cơ quan tiến hành tố tụng trong canh gác, dẫn giải, áp giải, bảo vệ phiên tòa...

Nghĩa Nhân

( theo Phap Luật)


Giày Đại Phát solution
Số người online:
22549
Số người truy cập:
9134367