Không yêu được thì nổ súng
Ngày 12/3, Công an thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh đã bắt được Trần Đức Ngạnh (SN 1986 ở Châu Khê, Từ Sơn, Bắc Ninh) để điều tra hành vi giết người. Người mà Ngạnh giơ súng bắn liền mấy phát là Dương Thị T. (SN 1994) ở Đồng Kỵ, Từ Sơn, Bắc Ninh vào tối 27/2 khiến cô gái bị thương nặng.
Theo lời khai ban đầu của Ngạnh, hắn yêu T. được một thời gian. Nhưng vốn bản tính cục cằn, lại là kẻ từng có tiền án về tội cố ý gây thương tích nên T. đã nói lời chia tay với Ngạnh. Mới đây, Ngạnh nghe nói T. có người yêu khác và sắp làm đám cưới nên vác súng tới để “nói chuyện”.
Tối 27/2, Ngạnh vác súng tới, bắn mấy nhát vào bố của T. nhưng súng không nổ. Khi thấy T. đi ra, hắn liền bắn liên tiếp, súng không nổ nữa, Ngạnh lại rút dao đâm nạn nhân. Định giết chết T. mới thôi nên Ngạnh ra tay liên tục. May mắn lúc đó, nhà mất điện, thấy ánh đèn xe máy lấp loáng, hắn mới lên taxi bỏ chạy.
Trốn ở Hà Nội nửa tháng, Ngạnh bị bắt. Rồi đây Ngạnh sẽ bị xử theo pháp luật nhưng đây sẽ là bài học cho những kẻ thích hành xử kiểu côn đồ.
Giận vợ, giết cháu rồi gói xác phi tang
Cái tên Lê Văn Phúc nổi tiếng ở Thủy Nguyên, Hải Phòng chẳng khác sát thủ Lê Văn Luyện. Chỉ nhắc tới tên hắn là ai cũng bức xúc, phẫn nộ. Không thể ngờ, Phúc sát hại con của anh trai vợ là cháu Cù Văn Duy (9 tuổi, là học sinh lớp 3) một cách dã man, gói xác vứt trên đồi vắng chỉ vì giận vợ mình.
Phúc rồi sẽ phải trả giá đắt cho hành vi dã man với một cáu bé vô tội. |
Lê Văn Phúc và Cù Thị Hạnh (Hạnh là cô ruột nạn nhân Duy) kết hôn từ năm 2010. Sang năm 2011, khi mới cưới được 9 tháng, vợ đang mang bầu thì Phúc phải đi tù vì chống người thi hành công vụ. Cú vấp đầu đời không khiến Phúc hướng thiện mà càng ngày hắn càng trở thành con người cục cằn, thô lỗ. Vợ hắn, người đã phải chịu vất vả sinh con, nuôi con một mình chờ hắn mãn hạn tù lại là người phải hứng chịu những đòn roi mà hắn học được khi ở trại giam.
Tới khi con Phúc lên 4 tuổi, vì không chịu nổi tính ghen tuông vô lý, cộng thêm việc giở “văn tù” ra đánh vợ, chị Hạnh đã xin ly hôn Phúc. Nhưng vì nghĩ thương con, phần vì Phúc có vẻ ăn năn, mong vợ tha thứ nên chị lại chấp nhận chung sống. Vợ chồng Hạnh – Phúc lại có thêm một cậu con trai. Những tưởng Phúc sẽ sớm hồi tâm chuyển ý sau lần rạn nứt tình cảm nhưng không ngờ, bản tính khó rời, Phúc vẫn tật nào, tính ấy.
Tới đầu năm 2012, chị Hạnh đã không thể chịu nổi tính ghen của Phúc. Vốn chẳng nghề nghiệp gì, Phúc chỉ loanh quanh ở nhà với con gà, con lợn. Vợ làm công nhân, Phúc cứ tưởng tượng ra chuyện vợ có bồ. Vin vào dó, Phúc thường xuyên đánh vợ. Có lần, Phúc nghi vợ có người theo đuổi. Đánh đập, tra khảo mãi không được, Phúc dọa “nếu mà tao biết sự thật mười mươi thì tao giết mày”. Thậm chí, hai vợ chồng mâu thuẫn, Phúc đánh ghê quá, Hạnh phải bỏ đi thì hắn ta nhắn tin dọa: “tao giết bố mày, mày về mà lo tang cho ông ấy”.
Khi nghe tin cháu trai mất, chị Hạnh tất tưởi chạy về. Nhưng khi về tới nơi, biết tin kẻ gây án là chồng mình thì chị không thể khóc nổi. Nỗi đau như bóp nghẹt trong lòng. Chị Hạnh tâm sự rằng, đã quá quen với những lời dọa giết của Phúc. Thậm chí, ngày xảy ra vụ án, Phúc còn gọi, bắt chị về, nếu không hậu quả có thế nào thì đừng ân hận. Chị chẳng ngờ, Phúc là kẻ dã man tới mức giết hại một đứa cháu vô tội, bằng tuổi con trai Phúc. Chị Hạnh chẳng còn đau hơn được bởi nỗi đau mất con của anh chị mình lại bắt nguồn từ chính bản thân mình.
Lời khai ban đầu ở cơ quan điều tra, Phúc còn nói rằng, trước khi sát hại cháu, từng nghĩ tới chuyện giết chính con đẻ của mình. Có lẽ khó lòng tin nổi sự thật từ lời khai của kẻ sát nhân máu lạnh như Phúc. Nhưng một điều đã xảy ra là hắn giết một cháu bé hoàn toàn vô tội để thỏa mãn thú tính vì muốn trả thù vợ của mình.
Phúc không hề có tiền sử bệnh tâm thần nên không thể nói hắn là kẻ bệnh tật. Nhìn hành vi của hắn, có lẽ không ai có thể tin rằng một người bình thường lại hành động như vậy. Chỉ có thể lý giải về sự hận thù mù quáng, ích kỷ của hắn.
Chém em chồng cũ hơn chục nhát dao
Một người đàn bà đáng thương, đáng giận cũng xuất phát từ chữ “hận tình” mà gây án là Phùng Thị Tín (SN 1959 – trú tại Thôn Chu Mật – Thái Hòa – Ba Vì – Hà Nội).
Người phụ nữ này vừa kể lể, vừa khóc lóc khi nói về chuyện tình cảm vợ chồng trước đây của mình. |
Ngày 25/2, Tín đến nhà chồng cũ với con dao trong người. Với mong muốn tìm gặp anh này để rửa hận ôm trong lòng mấy chục năm, chị ta đã ra tay chém hơn chục nhát dao vào cô em chồng.
Nói Tín hận thù chồng cũng là chuyện khó tin. Tín lấy chồng là anh Xuyên, anh trai nạn nhân Đỗ Thị Khanh từ năm 1981. Khi đó, chồng làm lái xe trong quân đội, Tín thường phải sống xa chồng, ở nhà cùng gia đình chồng. Êm ấm được 1 – 2 năm đầu, mãi mà Tín chưa có con nên cuộc sống có phần nào bắt đầu thay đổi. Tới năm 1985, Tín bị gia đình chồng ruồng bỏ.
“Tôi đã từng lên tận đơn vị hỏi chồng, gọi chồng về để hỏi kỹ tại sao mẹ anh ấy, cả nhà anh ấy đuổi tôi đi. Tôi chẳng có lỗi lầm gì với nhà chồng cả” – Tín bức bối kể lại sau khi gây án.
Vào thập niên 80 của thế kỷ trước, người đàn bà đáng thương này không sinh được con sau 5 năm ở nhà chồng quả là việc “nghiêm trọng”. Sau khi bị nhà chồng đuổi đi, chồng không chịu ly hôn, Tín về quê và “xin” được cậu con trai. Năm 1991, khi con trai Tín lên 2 tuổi, cuộc sống quá khó khăn, cộng thêm việc thấy chồng đã có vợ, có con khác, Tín quay về tìm chồng đòi ly hôn, đòi bồi thường thời xuân sắc để lấy tiền nuôi con. Thế nhưng sự đòi hỏi chính đáng của Tín không được đáp lại. Người phụ nữ này đã chém trượt chồng, may không gây thương tích. Thế rồi ngậm đắng, nuốt cay suốt hơn 20 năm, Tín tiếp tục quay về tìm Xuyên – người chồng đã hơn 20 năm không cùng chung sống trả thù. Với Tín, chị ta trả thủ để có ngày được cùng Xuyên ra trước tòa mà nói rõ những ấm ức phải chịu đựng trong lòng bấy lâu.
Chỉ vì suy nghĩ lệch lạc, Tín gây án. Khi bị bắt, Tín nhất định không chịu nói con trai mình ở đâu, làm gì mà chỉ trả lời rằng bây giờ con lớn, tự lo được cho bản thân nên chị ta mới xách dao tìm chồng để giải quyết ân oán trước đây.
Gây án rồi sẽ phải trả giá theo quy định của pháp luật. Nhưng những vụ án vì hờn ghen này, đều là bài học cho mỗi người trong cách cư xử và điều chỉnh các mối quan hệ của mình. Đừng vì “giận cá mà chém thớt” gây hậu quả khôn lường.