Sự cố vỡ đập thủy điện Lào diễn ra như thế nào?

 Chính quyền tỉnh Attapeu, Lào chiều qua cho biết ít nhất hai người được xác nhận là đã thiệt mạng và nhiều dân làng vẫn mất tích, hàng nghìn người mất nhà cửa sau vụ vỡ đập phụ của dự án thủy điện Xe Pian - Xe Namnoy, tờ Vientiane Times của Lào dẫn lời một quan chức cấp cao của tỉnh.

Đập phụ bị vỡ là một phần của một mạng lưới gồm ba đập chính và 5 đập phụ trong dự án đập thủy điện XePian - Xe Namnoy do các nhà thầu Thái Lan, Hàn Quốc và Lào phụ trách. Dự án đã hoàn thiện 90% và dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2019.

Chủ thầu Hàn Quốc SK Engineering & Construction cho biết vết nứt đầu tiên được phát hiện trên đập vào ngày 22/7. Đến 21h cùng ngày, con đập bị hư hại một phần, nhà thầu phát cảnh báo với chính quyền và dân làng gần đập bắt đầu được sơ tán. Một đội kỹ sư được cử đến gia cố vết nứt trên đập nhưng gặp nhiều khó khăn vì mưa lớn.

3h sáng ngày 23/7, một trong ba đập chính là Xe-Namnoy bắt đầu xả nước nhằm giảm mực nước trong đập phụ. Đến 12h, chính quyền địa phương ra lệnh cho người dân ở hạ lưu lập tức sơ tán sau khi nhận thấy đập có thể bị vỡ. Đến 20h cùng ngày, đập phụ bị vỡ, nhấn chìm các ngôi làng cùng hàng nghìn ngôi nhà.

Tài khoản Facebook của Vientiane Times cho hay 7 ngôi làng với 1.300 hộ và hơn 6.000 người vẫn đang bị ngập trong nước lũ sau vụ vỡ đập. Ông Soulichanh Phonkeo, giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Attapeu cho biết nhiều nạn nhân bị nước lũ cuốn đi, nhưng một số người đã bám được vào các ngọn cây và thoát đến nơi an toàn. "Chúng tôi đang cần một lượng lớn thuyền để cứu họ khỏi khu vực nguy hiểm", ông nói.

Trong khi đó, BBC cho hay đã có ít nhất 20 người thiệt mạng, 100 người mất tích sau thảm họa vỡ đập, nhưng thông tin chưa được kiểm chứng.

Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Duy Quận, Tham tán phụ trách lãnh sự, Đại sứ quán Việt Nam tại Lào, hôm nay cho biết có 15 hộ gia đình người Việt ở khu vực bị ảnh hưởng và hiện họ đều an toàn. 

Theo ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HĐQT tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, có 24 công nhân của công ty làm việc trên nông trường ở tỉnh Attapeu bị cô lập khi đập thủy điện vỡ. Sáng nay công ty này dự kiến điều trực thăng đến giải cứu họ. 

Lực lượng cứu hộ Lào đã sử dụng trực thăng và thuyền để sơ tán những người dân còn bị mắc kẹt, kêu gọi các cơ quan chính quyền và cộng đồng viện trợ khẩn cấp quần áo, lương thực, nước uống và thuốc men cho người dân vùng bị ảnh hưởng.

Bộ Quốc phòng Việt Nam cũng đã thông báo Quân khu 5, Quân đoàn 3, Quân chủng Phòng không - Không quân và Binh đoàn 18 sẵn sàng lực lượng, phương tiện giúp nước bạn theo lệnh của của Bộ khi được yêu cầu.

Lực lượng cứu hộ vận chuyển lương thực lên trực thăng để đưa đến tỉnh Attapeu hôm 24/7. Ảnh: BBC.

Lực lượng cứu hộ vận chuyển lương thực lên trực thăng để đưa đến tỉnh Attapeu hôm 24/7. Ảnh: BBC.

Những cảnh quay về thảm họa cho thấy người sống sót tụ tập trên mái những ngôi nhà bị ngập nước hoặc ôm theo con cái và đồ đạc lội qua vùng bị ngập. Trong một video của ABC Laos, một người phụ nữ vừa khóc vừa cầu khấn khi cô được sơ tán trên một chiếc thuyền, nói với nhân viên cứu hộ rằng mẹ cô vẫn đang mắc kẹt trên cây.

Dự án thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy trị giá 1,02 tỷ USD, dự kiến đi vào hoạt động trong năm nay, 90% sản lượng điện từ công trình sẽ được xuất khẩu sang Thái Lan, phần còn lại hòa vào lưới điện địa phương.

Với tham vọng trở thành "máy phát điện của Đông Nam Á", Lào đã tích cực xây dựng đập thủy điện trên nhiều con sông để bán điện cho các nước láng giềng. Các công ty năng lượng từ Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc và Hàn Quốc thường đầu tư vào những dự án thủy điện của Lào.

Vị trí ba con đập chính (khoanh đỏ) của thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy. Đồ họa: PNPC.

Vị trí ba con đập chính (khoanh đỏ) của thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy. Đồ họa: PNPC.

Huyền Lê


Giày Đại Phát solution
Số người online:
46053
Số người truy cập:
7338063