H. là cô nữ sinh trường ĐH Sư phạm. Ngay từ năm đầu tiên vào ở kí túc xá, bạn bè đã nhận ra vẻ “người lớn”, điệu đà và chải chuốt của H. Là sinh viên, lẽ ra H phải dành nhiều thời gian cho việc học hành, nghiên cứu nhưng không, cô say mê bận rộn với việc hẹn hò làm quen qua mạng hơn bất cứ thứ gì. Lâu thành “nghiện”, thời gian cho việc học trên giảng đường cũng dần bị chiếm dụng hoàn toàn.
Phòng ở 12 người không tiện, mà ai cũng ngại tiếp xúc với H. Mới đầu năm thứ hai, H chuyển ra ngoài “sống tự lập”. H không ngần ngại “tự do yêu đương” theo cách riêng của mình. Nghe hàng xóm rỉ tai nhau, người yêu H là dân lái xe tỉnh. Tuy không thường trú nhưng mỗi lần qua đêm tại Hà Nội là người yêu H lại đến và “trọ” miễn phí tại đây. Phòng 2 người đều có bạn trai, chung nhau một cái giường, chung cả lối sống.
Mỗi khi đụng hàng là đôi trên giường, đôi dưới sàn. Mỗi lần như thế, ai mà biết được chuyện gì xảy ra đằng sau cánh cửa?! Nhưng cứ khi nào H và bạn trai cãi nhau, đánh chửi nhau là cả xóm biết. Không biết “chiến sự” tiếp diễn như thế nào nhưng đến cuối năm thứ hai thì mọi chuyện kết thúc. H đột ngột xin lưu ban vì “bác sĩ bắt cưới”. Những tưởng cưới rồi, H sẽ có được hạnh phúc làm mẹ, làm vợ… nhưng rồi, cô không đủ sức giữ được sinh mệnh nhỏ bé ấy! Chồng mới cưới của cô vì thế mà cũng biền biệt theo những chuyến xe…
Còn với N.P.L và Đ.K.N lại khác. Từ hai miền quê khác nhau lên Hà Nội trọ học. Trọ cùng xóm được hai tháng, chàng và nàng bắt đầu bén duyên. Mẹ N thường xuyên lên thăm con gái nên hai người không thể tiết kiệm thuê chung phòng. Nhưng cứ tối đến là nàng mang gối cùng tập vở sang phòng chàng “học bài”. Căn phòng vẻn vẹn 12m2, kê được cái giường, tủ quần áo và bàn vi tính là “hết đất”. Bạn bè cùng xóm khuyên nhủ nhưng N thản nhiên: “Chỉ học bài thôi, mệt quá thì ngủ thiếp đi, có làm gì đâu mà phải lo lắng”.
Thế là cứ đêm đêm, N mang gối đi “ngủ nhờ”, đến sáng lại về phòng với cái đầu rối bù và đôi mắt thâm quầng thiếu ngủ. Ngày qua ngày, vòng tuần hoàn “đêm sang sáng về” được lặp đi lặp lại, thản nhiên và không ngần ngại!
May mắn hơn N và H, H.M và A.T – cả hai mới học hết cấp 3 được gia đình chấp thuận và hậu thuẫn nên cả 2 hồn nhiên đến với nhau không chút đắn đo và kết quả là M có bầu. Gia đình T giàu có và dễ dãi, mẹ T lấy lí do ôn thi đại học dưới Hà Nội nên hai đứa nhỏ vô tư sống với nhau trong căn nhà chung cư mẹ T mua cho dưới sự bảo hộ, chu cấp của mẹ T, những mong hai đứa yên tâm sinh cháu.
Nhưng thật không may, lần đầu mang thai, không biết sơ sẩy thế nào mà M không giữ được cháu. Mẹ T vì thế mà hờ hững, dần dần đuổi M ra khỏi nhà và cấm T không được giao du, tiếp xúc với M nữa. Mẹ T lấy lí do vì không cưới xin, giờ không giữ được con, chẳng có gì ràng buộc nhau, đường ai nấy đi cho T còn học hành, sự nghiệp!
T vốn là công tử, mẹ cắt trợ cấp là sợ xanh mặt, nên dù yêu, thương M thế nào, chàng cũng không đủ sức giữ M ở bên mình. Thế là M ngậm ngùi, đau đớn khăn gói ra đi. Không biết M sẽ đi về đâu khi ở quê, bố mẹ đã từ mặt cô. Bạn bè ai cũng biết chuyện M và T đã từng chung sống với nhau như vợ chồng.
Sống thử đã và đang trở thành “mốt thời thượng” của khá nhiều sinh viên hiện nay (Ảnh minh họa)
Sinh viên sống thử là “mốt thời thượng” hay là hệ lụy của lối sống buông thả? Hậu quả của nó, ai sẽ gánh chịu? Biết bao nữ sinh vào viện phá thai, biết bao bạn trẻ 18, 19 tuổi phải lên xe hoa. Sống phụ thuộc vào cha mẹ, chưa chăm lo được cho gia đình, nhiều cặp vợ chồng quá trẻ đã chịu “đứt gánh” đường ai nấy đi.
Một bạn nữ gay gắt trên một diễn đàn tuổi trẻ: "Tôi không ủng hộ sống thử trước hôn nhân vì đàn ông dễ thay lòng đổi dạ lắm. Họ đến với bạn khi bạn còn là một thiếu nữ ngời ngời nhan sắc và tuổi trẻ. Nhưng họ cũng bỏ bạn mà đi, nếu như họ đã “no xôi chán chè. Ông xã tôi còn phát ngôn rằng: “Đàn ông là người đi gieo giống”. Khi người phụ nữ đã chung sống với họ rồi, họ càng mau dễ chán, vì nghĩ rằng, cô này hóa ra cũng dễ dãi quá. Không cần lễ hỏi, lễ cưới gì, đi theo mình được thì cũng theo người khác được. Cuối cùng, thiệt thòi thuộc về phụ nữ. ..
Có nhiều cách để bạn trẻ hiểu nhau, yêu nhau, cùng tìm được tiếng nói chung. Không phải cứ sống thử mới là yêu nhau, mới là thật lòng! Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng có những cặp yêu và sống với nhau bằng tất cả trách nhiệm và tình yêu thương. Họ cùng nhau tốt nghiệp ra trường và làm đám cưới.
Vậy sinh viên có nên sống thử? Xin mượn ý kiến của cố nhà báo Trần Hòa Bình - giảng viên Học viện Báo chí và tuyên truyền thay cho lời kết :“80% các cặp yêu nhau đều có quan hệ tình dục trước hôn nhân nhưng trên thực tế chỉ có 10-15% là đi tới hôn nhân. Tình trạng này ngày càng phổ biến ở Việt Nam”. Con số - tự nó đã là câu trả lời.