Giữa ngôi nhà trống hoác không còn tài sản gì đáng giá, thuyền trưởng Mai Phụng Lưu, “sói biển” ở Lý Sơn, ngồi thẫn thờ vì nhớ biển. Đã 2 tháng rưỡi kể từ ngày được phía Trung Quốc thả về đến nay, thuyền trưởng Lưu và các bạn chài vẫn “án binh bất động” bởi tàu của ông đã bị cấn nợ.
Chủ tàu 19 tuổi
Dẫu ở Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) xưa nay vốn có truyền thống với nghề làm biển nhưng ít có ai như Mai Phụng Lưu. Ở tuổi 44 nhưng ông đã có thâm niên với sóng gió gần 30 năm. Cứ như trời phú, ngay từ thời ấu thơ, ông đã thích thú với tiếng gầm gào sục sôi của biển cả.
Ông kể: Một ngày đầu xuân cách đây 28 năm, ông được thuê làm thợ lặn khai thác hải sâm ở Trường Sa. Đó là ngày bắt đầu cuộc đời đi biển chuyên nghiệp của ông.
Được đi biển là ước muốn của tuổi thơ. Được vươn ra khơi xa là ước vọng của tuổi trẻ. Vì vậy sau những năm tháng đi Trường Sa, ông đã tích góp và mua được tàu ra làm ăn riêng.
Không còn tàu, thuyền trưởng Mai Phụng Lưu chỉ còn quẩn quanh thả lưới ven bờ. Ảnh: HẢI HÀ
Năm đó ông mới 19 tuổi. Có tàu, ông quyết định chuyển ngư trường vùng biển Trường Sa sang đánh bắt ở Hoàng Sa. Đây cũng là thời điểm ông làm ăn khấm khá nhất.
Ông Lưu cho rằng hải sâm dưới biển nhiều vô kể. Mỗi lần lặn xuống biển, vớt lên ít nhất là 30 con hải sâm, mỗi con bán ít cũng được 500.000 đồng nên ai cũng ham. Nhưng đây là nghề cũng rất nguy hiểm đến tính mạng. Với kinh nghiệm dạn dày, con thuyền của Mai Phụng Lưu lúc nào cũng đầy ăm ắp khi trở về.
Giấc mơ đi biển dần xa
Những tưởng chuyện làm ăn của thuyền trưởng Mai Phụng Lưu và các bạn chài suôn sẻ, nào ngờ ngoài thiên tai bão tố gây thiệt hại, liên tục từ năm 2005 đến nay, tàu của ông luôn bị “nhân tai”.
Ly tán để kiếm ăn
Không được ra khơi, nhớ biển, ông lại cầm tấm lưới ra thả ở gần bờ cho đỡ buồn và cũng để kiếm con cá ăn qua ngày. Còn con trai ông, Mai Văn Tâm và con rể Bùi Văn Hải “đi bạn” cho người ta. Một con trai khác là Mai Văn Hảo đành xa biển lên Tây Nguyên hái cà phê. Con gái út tên là Mai Thị Tu, đang học lớp 10, thấy nhà khổ quá đã vào TPHCM làm thuê một thời gian, nay đã về TP Quảng Ngãi phụ bán quán cơm.
|
Bà Phạm Thị Đợi, vợ ông, kể: Năm 2005, tàu của ông bị Trung Quốc bắt hai lần, mỗi lần bị phạt gần 140 triệu đồng, gia đình trắng tay. Không đi biển thì cả nhà sẽ đói nên bà lại vay mượn để tiếp tục ra khơi.
Chưa hết tai ách, tháng 4-2010, tàu của ông lại bị Trung Quốc bắt giam nửa tháng, thu toàn bộ phương tiện hành nghề rồi mới thả. Vừa mới vay mượn bạn bè sắm sửa máy móc, ngư cụ cho tàu của mình thì tháng 9-2010 vừa qua lại bị bắt. Nợ mới chồng lên nợ cũ. Trong nhà ông bây giờ chẳng còn tài sản gì giá trị để có thể bán để trả nợ.
Từ ngày 26-10-2010, sau khi bị Trung Quốc bắt và thả về đến cảng Dung Quất, thuyền trưởng Mai Phụng Lưu không về nhà ngay mà vội vàng gọi thợ máy sửa chữa ngay con tàu để sớm trở lại biển khơi. Thế nhưng tiền nợ đã lên đến trên 600 triệu đồng nên con tàu của ông đã bị các chủ nợ xiết để cấn nợ. Đó là chưa kể những khoản nợ trước đó nên giờ đây gia đình ông như đi vào đường cùng.
Nhớ biển nhưng ông Mai Phụng Lưu không dám “đi bạn” với thuyền khác. Ông nói: “Nhiều người nghĩ “vận mình xui xẻo, người ta kỵ lắm. Mình leo lên thuyền họ, lỡ có chuyện gì mấy bà vợ các chủ thuyền lại trách cứ gia đình mình. Thôi thì có sao đành chịu vậy, mong sao vay mượn được tiền lấy lại chiếc tàu ra khơi”.