'Siêu thị cơm tù' ở Quảng Bình

Với những thủ đoạn dằn mặt nhà xe, phần lớn xe khách xuất phát từ bến Lam Hồng (Bình Dương) đều phải đưa khách vào ăn “cơm tù” ở quán Khánh Hòa II (Tuy Phong, Bình Thuận) và quán Khánh Hòa ở Quảng Bình.

Một ngày cuối tháng 6, chiếc xe khách từ Nghệ An đi TP HCM tấp vào quán cơm Khánh Hòa, nằm ở xã Thanh Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Xe vừa vào sân, 6 nhân viên mặt lạnh như tiền khóa đuôi xe, hai người khác đứng chắn ngay cửa xe đếm người.

Sau một chặng đường dài nắng nôi, khách lục tục bước xuống. Chờ người cuối cùng ra khỏi xe, hai người nhảy lên kiểm tra. Biết chắc không còn ai ở lại, nhà xe mới đóng cửa. Khoảng 60 hành khách, phần lớn là dân nghèo, chưa kịp vươn vai, duỗi chân đã bị lùa vào quán. Một vài người chưa kịp vào liền bị chửi: “Vào quán đi. Bọn bay đứng ở đây làm gì?”. Mọi người cun cút làm theo.


Những thanh niên làm nhiệm vụ "lùa khách" ở quán cơm Khánh Hòa. Ảnh: Pháp Luật TP HCM.

Một cụ già mặc áo lính định bước qua đường. Hai thanh niên một mặc áo đỏ, một áo vàng nhanh như chớp nhảy theo, chụp hai cánh tay cụ, gằn giọng: “Đi đâu? Mày ra đường tai nạn ai chịu trách nhiệm?”. Cụ già vừa vùng vẫy thoát khỏi hai gọng kìm vừa la to: “Tôi đi ra đường hóng mát là quyền của tôi!”. Ngay lập tức, hai tên này xô cụ ngã chỏng chơ dưới đất. Hai nhân viên nữ của quán chạy ra, nắm hai tay cụ già lôi xềnh xệch trở vào. Cụ vùng vẫy và la to: “Bớ làng! Hai cô này đánh tôi!”.

Hơn chục nhân viên trong quán nhào ra, vây tròn quanh cụ già. Cả trăm người khách trong quán không ai dám can ngăn. Cụ nhìn quanh thấy vậy đành ngoan ngoãn đứng dậy đi vào quán, không nói thêm lời nào.

Quán Khánh Hòa có mặt tiền hơn 100 m, bên cạnh quốc lộ 1A, nằm trong một cụm dân cư nhỏ gần ngã ba Cam Liên. Sức chứa của quán ước chừng 1.000 người. Bên trong quán chia làm hai khu. Khu nhà ăn rộng, bẩn thỉu dành cho hành khách. Khu nhà ăn nhỏ, sạch sẽ hơn dành cho nhà xe, hai bên liên thông với nhau.

Khách phải mua vé ăn, cơm giá 30 nghìn đồng, phở, bún 25 nghìn đồng. Sau đó, khách tự động lấy đĩa hoặc bát bằng nhựa ở chồng bát đặt trên quầy đi tới chỗ bán thức ăn. Cô gái phục vụ nhìn vé, thò tay bốc một ít bánh phở, rồi thò tay bốc thịt đã xắt mỏng bỏ vô bát, sau đó cầm cái xô nhỏ nước đục đục đổ vào bát. Sau khi nhận được phần thức ăn, một thanh niên là hành khách buột miệng nói nhỏ: “Cơm tù! Cơm tù!”.


Hành khách bị xua ngồi chen chúc ăn cho qua bữa. Ảnh: Pháp luật TP HCM.

Quán đông nghịt, tuy nhiên tất cả hành khách ở đây đều bị kiểm soát chặt chẽ. Hàng chục nhân viên cả nam lẫn nữ chia đều các khu vực, soi mói cử chỉ của từng người. Thấy một khách lưỡng lự trước bát phở nước lờ nhờ, sợi bánh đã bốc mùi, thịt cũng có mùi, một nhân viên nữ trạc tuổi 40 quát: “Ăn đi! Không ngon à?”. Khách vội lảng tránh, nói đi đường mệt chưa ăn vội và gọi thêm một chai bia. Chừng năm phút sau, nhân viên nữ đó lại xuất hiện với giọng lạnh lùng: “Ăn đi! Không hợp khẩu vị à?”. Cuối cùng, khách phải ngậm miếng thịt ôi vào miệng, chờ chúng đi để nhả ra.

20 phút sau, giả vờ đi toilet, một hành khách trốn ra sân. Vừa tới mép đường lộ, tên mặc áo đỏ cảnh giới hàng rào bên ngoài nhào tới quát: “Mày đi đâu?”. Nghe khách nói muốn sang bên kia đường mua bao thuốc lá, anh ta đe: “Thuốc trong quán có, mày muốn tao đập chết à?”. Hai nhân viên nữ lại chạy ra chửi: “Thằng kia, mày chê cơm, chê phở không ăn thì thôi, đừng có lộn xộn!”.

Không muốn dây dưa, những hành khách đã ăn cơm xong đứng gần đấy vội lảng tránh ra xa. Dường như tất cả hành khách đều đã ngầm hiểu luật ở quán cơm Khánh Hòa. Khi có chuyện xảy ra, mọi người ai nấy đều tỏ ra dửng dưng, coi như không biết y như trường hợp cụ già bị xô ngã và kéo đi.

Giờ cao điểm, hàng trăm người tự giác xuống xe, tự giác vào quán, lặng lẽ mua vé, xếp hàng, lặng lẽ ăn. Những bộ áo quần nhàu nát, những mái đầu ngồi trong nhà ăn lớn ghé sát vào nhau rì rầm.

Theo VnExpress


Giày Đại Phát solution
Số người online:
44737
Số người truy cập:
8563330