Sẽ xây dựng Quốc hội điện tử

Đây là những đề xuất quan trọng nhằm cải tiến cách thức tiến hành kỳ họp Quốc hội, được Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn trình bày chiều nay.

Ông Đàn cho hay, mỗi kỳ họp, khối lượng tài liệu cần in ấn, gửi đến 63 đoàn đại biểu tỉnh thành rất lớn. Như kỳ họp thứ hai, có hơn 190 loại với tổng số gần 120.000 bản tài liệu. Kỳ họp thứ ba có 2002 loại với hơn 124.000 bản.

"Tài liệu nhiều, thời gian cơ quan trình gửi quá gấp gáp (chỉ 2-3 ngày trước kỳ họp) nên Văn phòng Quốc hội phải huy động rất nhiều nhân lực mới bảo đảm việc in ấn, gửi. Nếu gửi bằng file điện tử sẽ giảm đáng kể số lượng cán bộ, chi phí in ấn, phát hành", ông Đàn nói.

Để hiện thực hóa chủ trương trên, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chỉ rõ cách thức triển khai: việc chuyển tài liệu trên đường truyền sẽ được mã hóa để đảm bảo bí mật; việc xác thực tài liệu phải được giải quyết theo quy định của pháp luật. Bản thân đại biểu phải được tập huấn về việc này.

Thay mặt cho Ủy ban trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Chánh văn phòng Nguyễn Văn Pha lên tiếng ủng hộ: "Quốc hội nên gương mẫu trong tin học hóa. Kỳ qua họp vừa qua, là đại biểu, tôi nhận được hơn 10 kg tài liệu, quá nhiều. Giá như đưa tất cả vào máy tính thì chỉ nặng... 2,4 kg".

Đồng tình với đề án tin học hóa Quốc hội, song nhiều ủy viên Thường vụ đề nghị cần làm từng bước. Trước mắt nên trang bị máy tính xách tay cho đại biểu chuyên trách.

Chấn vấn - đẩy mạnh tính tranh luận

Văn phòng Quốc hội đề nghị chỉ lựa chọn một số vấn đề tập trung chất vấn và trả lời theo hướng đối thoại, tranh luận sâu. Các vấn đề khác đại biểu quan tâm sẽ chất vấn bằng văn bản và trả lời cũng bằng văn bản. Theo hướng trên, chỉ một số người đứng đầu cơ quan có liên quan nhiều nhất đến vấn đề mới được lựa chọn đăng đàn.

Chủ nhiệm Trần Đình Đàn giải thích: "Thực hiện theo cách trên Quốc hội sẽ có điều kiện để xem xét chuyên sâu các vấn đề đặt ra, tập trung thời gian tranh luận, làm rõ các vấn đề bức xúc, nổi cộm mà cử tri quan tâm. Đại biểu cũng nâng cao trách nhiệm với những vấn đề lớn, quan trọng, đúng tầm xem xét của Quốc hội".

Hầu hết đại biểu ủng hộ việc tăng tính tranh luận trong phiên chất vấn, giảm tình trạng hỏi để biết như lâu nay. Tuy nhiên, về lựa chọn vấn đề, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng cần tính toán kỹ, tránh tình trạng vấn đề nêu ra mang ý chí chủ quan của một nhóm.

Theo VnExpress


Giày Đại Phát solution
Số người online:
77826
Số người truy cập:
8601917