Phó thủ tướng nhấn mạnh, sẽ tăng học phí đối với giáo dục nghề nghiệp để các trường có điều kiện cung cấp dịch vụ tốt hơn. Sinh viên có thể lấy tiền từ gia đình hoặc vay nhà nước để đi học. Năm học vừa rồi, Chính phủ cho 750.000 người vay tiền đi học và năm học này, dự kiến số người được vay sẽ là 900.000.
Bộ GD&ĐT dự kiến, học phí hệ ĐH, CĐ sẽ chia làm 2 loại. Học phí chương trình đại trà chia làm 7 nhóm ngành và theo trình độ đào tạo. Sinh viên nhóm ngành Y có thể phải đóng mức học phí cao nhất. Học phí chương trình chất lượng cao thu hút liên kết với các cơ sở đào tạo nước ngoài.
Thay vì được miễn phí như hiện nay, sinh viên ngành sư phạm sẽ được cho vay vốn để đóng học phí. Nếu người tốt nghiệp đi dạy ít nhất 5 năm sẽ được nhà nước xóa nợ phần chi trả cho học phí (cả gốc lẫn lãi).
Trước đó, tại Hội nghị ngân sách giáo dục, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, sắp tới, học phí ĐH có thể tăng và mức cao nhất là 400.000 đồng một tháng.
Năm học này, cả nước có gần 22 triệu học sinh ở tất cả các bậc học, trong đó đông nhất là học sinh phổ thông, với hơn 16 triệu, tiểu học gần 3,4 triệu em và ĐH, CĐ là hơn 1,6 triệu.
Hiện, các trường ĐH, CĐ và THCN công lập thực hiện mức thu học phí theo Quyết định 70 của Thủ tướng ban hành năm 1998. Theo đó, mức thu một năm với hệ đại học không quá 1,8 triệu đồng, hệ CĐ không quá 1,5 triệu đồng; hệ THCN không quá 1 triệu đồng; dạy nghề không quá 1,2 triệu đồng.
Còn bậc THPT, học sinh thành phố, thị xã đóng tối đa 35.000 đồng một tháng; học sinh nông thôn, đồng bằng 25.000 đồng và học sinh miền núi 15.000 đồng. Bậc THCS lần lượt là 20.000 đồng, 10.000 đồng và 8.000 đồng một tháng.
Theo VnExpress