*
Xin ông nói thêm về việc mở rộng đối tượng Việt kiều được mua nhà so với quy định tại Nghị định 81/CP hiện nay?
- Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam: Theo quy định hiện tại, Việt kiều được mua nhà là những người về VN sinh sống và làm ăn. Trong đợt sửa đổi này, sẽ mở rộng thêm đối tượng so với quy định hiện hành. Cụ thể là mở rộng cho các trường hợp: người có quốc tịch VN (không phân biệt là nhà văn hóa, nhà khoa học hay người đầu tư...), nhà khoa học, nhà văn hóa (không cần điều kiện trở về làm việc thường xuyên tại VN như quy định hiện hành), người có kỹ năng đặc biệt mà VN có nhu cầu, người kết hôn với công dân VN ở trong nước và người được cấp giấy miễn thị thực vào VN.
Việt kiều còn quốc tịch VN – tức là công dân VN. Do vậy, cơ bản họ được hưởng quyền như công dân VN, song nhà, đất là loại tài sản đặc biệt nên có hạn chế như không được quyền thế chấp nhà ở các tổ chức tín dụng nước ngoài... Còn về số lượng nhà được mua thì như công dân VN.
*
Bộ Xây dựng có dự báo được số lượng kiều bào đủ điều kiện, khả năng tài chính và có nhu cầu mua nhà không?
- Hiện chưa thể thống kê chính xác số Việt kiều đủ các điều kiện để mua nhà theo quy định sửa đổi này. Theo tính toán, số lượng người Việt là du học sinh, người đi xuất khẩu lao động trước đây... đã sinh sống ở nước ngoài rất nhiều năm tương đối nhiều. Tuy nhiên, số lượng đủ điều kiện tài chính để mua nhà trong nước chỉ chiếm một phần nhỏ. Chính sách này có ý nghĩa lớn khi xóa bỏ dần các quy định hạn chế quyền của Việt kiều, đúng với chủ trương của Nhà nước “Việt kiều là bộ phận không thể tách rời của dân tộc”.
*
Chủ trương này sẽ có ảnh hưởng gì đến thị trường bất động sản trong nước?
- Chính sách này tất nhiên sẽ có tác động đến thị trường bất động sản trong nước, bởi hiện có trên 3 triệu kiều bào. Tuy nhiên, sẽ không gây tác động lớn bởi nguồn cung hiện đang rất dồi dào. Không lo việc giá bất động sản sẽ bị đẩy lên cao so với giá thực tế.
*
Liệu việc cho phép Việt kiều mua nhà ở như công dân trong nước có gây nên làn sóng đầu cơ nhà đất mới?
- Bất động sản hiện đang “đóng băng” nên việc đầu cơ vào lúc này sẽ khó xảy ra và thực tế nguồn cung đang rất thừa, nhiều dự án ế khách. Bản chất của đầu cơ là cung thấp hơn cầu, nhưng dự án bất động sản đang phát triển rất mạnh trên diện rộng nên không lo thiếu cầu.
*
Có ý kiến cho rằng chỉ nên cho phép mỗi Việt kiều chỉ được mua một căn hộ để ở và không cho phép đầu tư, kinh doanh?
- Việt kiều sẽ phân ra hai trường hợp là người có quốc tịch VN và người gốc VN. Theo Hiến pháp, người có quốc tịch VN thì không hạn chế quyền lợi; người gốc VN là người không có quốc tịch VN, chưa có quốc tịch VN hoặc đã không còn quốc tịch VN thì chỉ được mua một căn nhà hay một căn hộ chung cư giống như nước ngoài.
*
Liệu lần sửa đổi này có thay đổi tình trạng Việt kiều khó mua được nhà trong nước, thưa ông?
- Quy định mới chắc chắn sẽ khả thi bởi nó cởi mở hơn nhiều đối với việc mua nhà của bà con Việt kiều. Nếu luật sửa đổi được Quốc hội thông qua, sẽ có nghị định hướng dẫn thi hành chi tiết để các địa phương tạo điều kiện cho luật nhanh chóng đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả. Thủ tục sẽ đơn giản và cụ thể nhằm “thông” được bế tắc của chính sách hiện hành về Việt kiều mua nhà ở VN. Trong khoảng 3-4 năm qua, chỉ có khoảng 140 trường hợp Việt kiều mua nhà được ghi nhận.
VN đang chuẩn bị xây dựng chính sách đánh thuế bất động sản và cũng đang tiến hành xây dựng dự thảo Luật Sở hữu tài sản. Không có chuyện hạn chế quyền mua sắm và hạn chế tài sản được mua sắm mà sẽ dùng chính sách thuế để điều tiết. Người sở hữu càng nhiều bất động sản, mức thuế phải đóng càng cao. (Thứ trưởng Bộ Xây dựng -Nguyễn Trần Nam)
Theo Người Lao Động