Sáng nay Quốc hội xem xét thông qua Luật Đất đai sửa đổi

 Sau khi Quốc hội thống nhất chưa thông qua tại kỳ họp 6 cuối năm 2023, dự thảo luật Đất đai sửa đổi đã được tiếp thu, chỉnh lý, hiện có 16 chương, 260 điều, bỏ 5 điều, sửa đổi, bổ sung 250 điều so với dự thảo trình tại kỳ họp 6.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật đã thể chế hóa theo tinh thần Nghị quyết 18 của Trung ương; tuân thủ Hiến pháp; thống nhất với các Luật mới được sửa đổi, ban hành. Dự luật tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, tránh xung đột cho quá trình tổ chức thực hiện.

Về điều kiện nhận chuyển nhượng đất trồng lúa với người không làm nông nghiệp (Điều 45), một số ý kiến đề nghị quy định phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa khi cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa quá hạn mức.

Tiếp thu ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý quy định theo hướng này và đặt hạn mức đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc khu vực Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long là 3 ha; các khu vực khác là 2 ha. Cơ quan có thẩm quyền chịu trách nhiệm quản lý, phòng ngừa hủy hoại đất trồng lúa; kiểm soát chặt việc chuyển mục đích sử dụng đất; kiểm soát dữ liệu để đảm bảo việc nhận chuyển nhượng trong hạn mức.

Chung cư, cao ốc dọc theo xa lộ Hà Nội và tuyến Metro số 1, tháng 2/2023. Ảnh: Quỳnh Trần

Về thu hồi đất thực hiện dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp, một số đại biểu đề nghị khi thu hồi đất phải có chính sách bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư và người bị thu hồi đất. Một số ý kiến đề nghị bổ sung về thu hồi đất đối với dự án khu đô thị để tạo đồng bộ về kết cấu hạ tầng và diện mạo đô thị.

Tiếp thu nội dung này, dự thảo Luật quy định chỉ thu hồi đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở, thương mại, dịch vụ khi là "dự án
đầu tư xây dựng khu đô thị". Những dự án này có công năng phục vụ hỗn hợp, đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội với nhà ở theo quy định của pháp luật về xây dựng.

Đối với các loại đất thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất, có ý kiến đề nghị giữ như Luật Nhà ở năm 2014, cho phép không phân biệt loại đất khi làm dự án nhà ở thương mại. Khi chuyển mục đích từ loại đất hiện có sang thực hiện nhà ở thương mại, chủ đầu tư phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính cho Nhà nước, tránh việc thất thu do chênh lệch địa tô.

Dựa trên các ý kiến này, dự thảo quy định theo hướng chỉ được thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất đối với đất ở; trường hợp đang có quyền sử dụng đất, chỉ được thực hiện dự án nhà ở thương mại nếu đó là đất ở hoặc đất ở và đất khác (nông nghiệp, đất phi nông nghiệp).

Nội dung cấp Giấy chứng nhận sử dụng cho đất không có giấy tờ, không vi phạm pháp luật về đất đai, không thuộc trường hợp đất được giao không đúng thẩm quyền, một số ý kiến nhất trí chỉnh sửa quy định thời điểm xem xét công nhận đến trước ngày 1/7/2014 - kéo dài hơn 10 năm so với Luật hiện hành.

Thường vụ Quốc hội đồng ý nội dung này nhằm giải quyết căn cơ vấn đề và đề nghị Chính phủ có cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có giấy tờ, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đất đai.

Cũng tại phiên bế mạc, Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; Nghị quyết về việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn và Nghị quyết Kỳ họp bất thường.

Sơn Hà


Giày Đại Phát solution
Số người online:
6040
Số người truy cập:
8951025