Hôm nay Quốc hội bước vào hai ngày thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế xã hội năm 2018, kế hoạch 2019 và đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch 5 năm 2016 - 2020.
Theo báo cáo của Chính phủ, trong 12 chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự kiến có 4 chỉ tiêu đạt và 8 chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra, ước cả năm GDP vượt chỉ tiêu 6,7%. Các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được đảm bảo, quy mô kinh tế hơn 5,5 triệu tỷ đồng (khoảng 240,5 tỷ USD). GDP bình quân đầu người đạt 2.540 USD vào cuối năm nay, tăng gấp 1,21 lần so với 2015.
Một số chỉ tiêu kinh tế xã hội qua các năm (click vào màn hình xem bản đầy đủ). |
Thẩm tra báo cáo này, Uỷ ban Kinh tế lưu ý, Chính phủ cần phân tích rõ động lực tăng trưởng và đánh giá đầy đủ các yếu tố tác động đến tăng GDP do diễn biến tăng trưởng 3 quý vừa qua có sự khác biệt với kịch bản hàng năm. Đây cũng là chủ đề được đại biểu quan tâm tại phiên thảo luận ở tổ cách đây vài ngày.
Một lo lắng khác cũng được cơ quan thẩm tra của Quốc hội nêu, là nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia đang có xu hướng tăng và tiến sát trần cho phép của Quốc hội.
Báo cáo Chính phủ nêu, tỷ lệ nợ công trên GDP có xu hướng giảm dần các năm gần đây, như năm 2017 là 62,6% GDP; năm 2018 là 61,4% GDP và dự kiến năm 2019 khoảng 61,3% GDP. Tuy nhiên, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho biết, nợ công (nợ Chính phủ, nợ Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương) giảm, nhưng nợ Chính phủ lại tăng, hiện chiếm 52,8% GDP trong khi trần là 54% GDP. Điều này đồng nghĩa khoản tiền trả nợ gốc hàng năm của Chính phủ tăng lên.
Ông Ngân tính toán, năm 2016 tiền trả nợ gốc là 150.700 tỷ đồng; năm 2017 trên 157.000 tỷ và dự kiến 2019 khoảng 201.210 tỷ đồng. Nếu cộng với con số bội chi ngân sách khoảng 204.000 tỷ, thì mỗi năm Chính phủ phải bù đắp khoảng 350.000 tỷ đồng, đẩy nợ Chính phủ tăng về số tuyệt đối.
"Nếu GDP không đạt kế hoạch, nợ tiếp tục tăng thì nợ công sẽ vượt trần, nhưng điều lo lắng là nợ chi trả của Chính phủ", ông Ngân nhấn mạnh.
Bên cạnh đó tổng thu ngân sách Nhà nước vượt dự toán, gần 1,4 triệu tỷ đồng, nhưng lại hụt thu tại 3 khu vực kinh tế quan trọng là doanh nghiệp Nhà nước, FDI và tư nhân.
Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng, hơn 130.000 doanh nghiệp tính đến cuối tháng 9/2018, song số phá sản cũng tăng nhanh tương ứng, hơn 50% so với cùng kỳ 2017. Vì thế, Uỷ ban Kinh tế trong quá trình thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ phân tích rõ để có cái nhìn tổng quát hơn về thực trạng doanh nghiệp.
Phiên thảo luận sẽ phát thanh, truyền hình trực tiếp.