Trong tháng 9, những VPCC tư này sẽ bắt đầu khai trương và hoạt động trên nguyên tắc “tự chủ về tài chính” theo nguồn thu từ đóng góp của công chứng viên, phí, thù lao công chứng… Ngoài ra, các văn phòng này sẽ có con dấu và tài khoản riêng cho việc kinh doanh của mình.
Hiện hầu hết các VPCC tư đã xong công tác chuẩn bị ban đầu để sẵn sàng cho ngày khai trương. Bà Nguyễn Thị Tạc (trưởng VPCC Nguyễn Thị Tạc, quận Gò Vấp) cho biết, chỉ chờ nhận quyết định là sẽ công bố bảng hiệu và đi vào hoạt động. Dự kiến, ngày 10/9, văn phòng này sẽ khai trương.
Tương tự, luật sư Trần Quốc Phòng (trưởng VPCC Gia Định, quận 1) cũng khẳng định sự sẵn sàng “nhập cuộc” của mình. Theo ông Phòng, việc đào tạo nhân sự làm việc một cách “chuyên nghiệp” được nơi đây đưa lên hàng đầu. “Có thể qui mô của chúng tôi không bằng với các phòng công chứng của nhà nước, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng phục vụ khách hàng một cách hoàn hảo nhất”, ông Phòng vui vẻ cho biết.
Một văn phòng công chứng tư tại Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Hưng.
Đối với lo ngại của người dân về đảm bảo độ an toàn cao của công chứng tư, luật sư Phòng cho biết đó là điều có thật nhưng "hơi xa". Bởi theo ông, sự ra đời của các VPCC tư chính là sự "san sẻ" một phần quyền lực của nhà nước cho các công chứng viên. Vai trò của họ được ví như một "thẩm phán phòng ngừa". Chính vì vậy, việc thẩm định kỹ càng các văn bản trước khi công chứng là công việc tối quan trọng của các văn phòng này.
"Nếu VPCC tư chứng thực không chính xác gây thiệt hại rủi ro cho khách hàng thì họ sẽ phải bồi thường bằng tài sản của mình hoặc khách hàng có thể kiện công chứng viên, VPCC ra tòa", ông Phòng nói.
Tuy nhiên, theo một vị luật sư, khoản tiền ký quỹ của mỗi phòng công chứng tư chỉ là 100 triệu đồng. Trong khi đó, trên thực tế, nhiều giao dịch trị giá hàng tỷ đồng. Nếu có thiệt hại, số tiền trên không đủ bồi thường, khách hàng chỉ còn cách kiện ra tòa nhưng có được bồi thường hay không vẫn còn chưa biết.
Ngoài ra, dù đã có nhiều tháng chuẩn bị, các VPCC tư vẫn còn bộn bề nhiều "trăn trở". Trước hết, đó là sự thu hút khách hàng đến với các công chứng tư thay vì quen với việc giao dịch tại các phòng công chứng nhà nước, vì họ thường tin tưởng các cơ quan công quyền thì không bao giờ làm bậy. "Các giao dịch có giá trị lớn như mua bán nhà đất, ngân hàng... đều chạy cả vào VPCC nhà nước thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nguồn thu của các VPCC tư", một công chứng viên nhận định.
Ngoài ra, theo các văn phòng công chứng tư, điều họ quan tâm nhất là họ chưa có những thông tin ngăn chặn của các cơ quan có thẩm quyền gửi về, như tại các phòng công chứng nhà nước. Nghĩa là nếu một tài sản nào đó đã được ngăn chặn thì chỉ có bộ máy của Phòng công chứng nhà nước được thông báo, còn các VPCC tư thì "bó tay". Do vậy, vấn đề đảm bảo sự an toàn pháp lý cho các văn phòng vẫn chưa được giải quyết triệt để.
"Mặc dù theo luật, người yêu cầu công chứng phải chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của tài sản. Nhưng sẽ hạn chế được rủi ro rất lớn nếu các VPCC tư được sử dụng hệ thống trên. Chúng tôi biết trách nhiệm của công chứng viên là phải đi xác minh tài sản trước khi thực hiện công chứng. Nhưng nếu một ngày có khoảng 5 hồ sơ thì làm sao chúng tôi xác minh nổi", một chuyên viên pháp lý của VPCC tư bộc bạch.
Tuy nhiên, theo bà Ung Thị Xuân Hương (phát ngôn của Sở Tư pháp TP HCM), chương trình về thông tin ngăn chặn chỉ được các cơ quan thẩm quyền gửi cho phòng công chứng nhà nước, chương trình này được Bộ tư pháp quản lý. Do vậy, văn phòng nào muốn kết nối thì phải liên hệ với Bộ để xem xét giải quyết.
"Hiện tại các VPCC tư vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi công chứng của mình. Nếu công chứng viên hoặc văn phòng làm trái luật thì sẽ bị xử lý, gây thiệt hại cho người dân thì phải bồi thường theo quy định", bà Hương nói.
Cũng theo bà Hương, do không có sự phân biệt giữa phòng công chứng nhà nước và VPCC tư nên các cơ quan công quyền cũng phải đối xử "bình đẳng" với các VPCC tư này. Theo đó, khi một văn bản chứng thực cần trích lục tại các cơ quan chức năng thì cơ quan này có nghĩa vụ cung cấp thông tin cho công chứng viên tư. Nếu nơi nào có hành vi phạm quyền, lợi ích hợp pháp của họ sẽ bị xử lý theo pháp luật.
Ngoài ra, bà Hương cũng cho biết thêm, để việc quản lý các VPCC tư được tốt, ngay sau khi các văn phòng này hoạt động, các cơ quan có thẩm quyền sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của họ để kịp thời phát hiện và xử lý sai phạm.
Theo VnExpress