Sau nhiều lần thuyết phục, cuối cùng tôi cũng được anh Nguyễn Văn Dịnh, thôn Thắng Yên, xã Thượng Vũ (Kim Thành, Hải Dương) đồng ý cho theo một chuyến săn cà ra trên sông Kinh Thầy.
Những người dân chài cho biết, cà ra hay cua sông, cua da như cách gọi ở một số địa phương khác, sống khá nhiều trên sông Kinh Thầy, nhất là đoạn sông từ cầu Bình xuôi xuống giáp ranh với Hải Phòng.
Hai vợ chồng anh Minh, chị Huyền gửi con lại cho bà nội trông, cắm chốt trên khúc sông qua xã An Bình (Nam Sách, Hải Dương) gần 2 tuần để bắt cà ra
Buổi sáng cuối tháng 3 trời mưa nhỏ, sương mù ken đặc kèm theo cái lạnh như cắt từ dưới sông hắt lên. Chúng tôi bắt tay chuẩn bị đồ nghề gồm bẫy sập, rọ bát quái và mồi nhử. Bẫy sập trông như quả chuông nhỏ được đan từ tre và dây kiện hàng với khung bằng thép hoặc cật tre. Bẫy có đường kính miệng khoảng 15cm, dài 20cm thu nhỏ dần lại ở đáy. Ở miệng bẫy có cửa sập buộc vào với một sợi dây cao su. Mồi là cá rô phi hoặc cá mè được chặt nhỏ bằng ngón tay út và móc vào một cái móc sắt nối với một cái cần gắn vào cửa bẫy. Chỉ cần cà ra ăn mồi, cần sẽ bung ra và cửa bẫy sẽ sập xuống, dây cao su có tác dụng ghì chặt cửa bẫy lại, không cho con mồi thoát ra ngoài. Mỗi chiếc bẫy lại được buộc 2 viên đá nhỏ có tác dụng giúp bẫy chìm nhanh và giữ thăng bằng khi nằm dưới đáy sông.
Anh Dịnh cho biết, hiện nay cánh thợ săn cà ra ít khi dùng tre để đan bẫy, vì tre ngâm dưới nước khoảng 1 năm sẽ bị mục, tuổi thọ của bẫy không cao. Dân chài đan bằng dây kiện hàng, mặc dù đắt gấp đôi so với bẫy cũ nhưng tuổi thọ có thể kéo dài từ 4 - 5 năm. Ngoài bẫy sập, dân chài còn sử dụng một dụng cụ khác để bắt cà ra là rọ bát quái. Nhưng hiện nay còn rất ít người sử dụng vì hiệu quả không cao.
Cà ra chính vụ phải vào tháng 10, tháng 11, lúc đó cà ra trưởng thành nặng trung bình từ 150 - 200 gram. Đó cũng là thời điểm cà ra to nhất và ngon nhất. Cà ra sinh sản vào khoảng tháng 11, khi đó chúng sẽ xuôi dòng ra vùng nước lợ để đẻ trứng. Trứng sau khi đẻ chìm xuống đáy sông, cà ra con theo thủy triều ngược lên các tuyến sông phía trên để sinh sống.
Sau khi chuẩn bị đầy đủ đồ nghề, chiếc thuyền sắt gắn máy công suất 8 mã lực ngược dòng Kinh Thầy, nhằm hướng cầu Bình xuất phát. Theo những người dân chài, dọc sông Kinh Thầy đâu cũng có cà ra, nhưng nhiều nhất vẫn là các nhánh sông thuộc địa phận huyện Kinh Môn, do sông nhiều thức ăn tự nhiên, đáy sông có nhiều hốc đá là nơi sinh sống và trú ngụ lý tưởng của cà ra và các loại thủy sản khác. Tuy nhiên, cánh thợ lại ít khi săn ở đây bởi lòng sông hẹp, đáy nhiều đá và tàu thuyền qua lại nhiều khiến việc đánh bắt gặp khó khăn. Dân chài thường tập trung săn ở đoạn sông từ xã Nhân Huệ (Chí Linh) đến sát bến phà Tuần Mây. Thỉnh thoảng họ cũng ngược lên tận cầu Phả Lại hoặc xuôi sông Kinh Môn xuống tận Hải Phòng.
Khi còn cách cầu Bình khoảng 1 cây số, anh Dịnh tắt máy và bắt đầu thả bẫy. Anh chọn địa điểm này vì lòng sông ở đây rộng, nước chảy không mạnh, rất thuận lợi cho việc thả bẫy.
Thông thường, mỗi lần thả hoặc thu bẫy, thuyền phải có 2 người. Nếu không có người giữ tay chèo, thuyền dễ bị các vùng nước xoáy hoặc sóng của tầu hàng đánh bạt.
Hôm nay, tôi được giao nhiệm vụ giữ chèo để thuyền trôi xuôi theo dòng nước. Vừa thả bẫy, anh Dịnh vừa giảng giải: "Thả bẫy phải thật khéo để khi chìm xuống đáy sông, bẫy phải nằm cân bằng, không bị lật úp hoặc xoắn vào nhau, như thế cà ra sẽ không tìm được đường vào và khi kéo bẫy sẽ rất nặng, có thể đứt dây nối bất kỳ lúc nào. Chọn địa điểm thả bẫy cũng hết sức quan trọng. Người có nghề chỉ cần nhìn dòng nước là có thể biết nơi đó có cà ra hay không. Đồng thời, đáy sông nơi đó phải bằng phẳng, không có hố hoặc vực sâu, tránh việc bẫy bị mắc lại dưới đáy sông, khi thu bẫy gặp khó khăn".
Sau khi thả xong 2 dây bẫy, chúng tôi xuôi dòng về bến phà Tuần Mây để thu bẫy mà anh Dịnh đã thả từ mấy hôm trước.
Việc thu bẫy cũng không hề đơn giản như tôi nghĩ. Bẫy bị ngâm dưới nước lâu, khi kéo lên rất nặng. Vừa thu bẫy, anh Dịnh vừa kiểm tra và thay mồi. Công việc này mất rất nhiều thời gian và công sức. Thỉnh thoảng, bẫy bị mắc kẹt dưới đáy sông. Để gỡ bẫy, anh sử dụng một cái móc 4 cạnh bằng sắt được nối vào một sợi dây dài.
Dưới sự điều khiển một cách khéo léo của đôi bàn tay cộng với kinh nghiệm của dân sông nước, chỉ vài phút là chiếc bẫy đã được giải thoát một cách dễ dàng. Công việc của chúng tôi thường xuyên bị ngắt quãng do phải tránh tàu hàng đi qua. Sóng của những con tàu lớn khiến chiếc thuyền nhỏ bé của chúng tôi cứ dềnh lên, dập xuống. Anh Dịnh cho biết, thuyền của dân chài va vào tầu hàng như cơm bữa. Nhiều người bị tầu đâm, thuyền lật, bao nhiêu cà ra săn được lại rơi hết xuống sông.
Thành quả sau 1 ngày mệt nhọc chỉ là 1,5 kg cà ra loại nhỏ
Càng ngày việc săn cà ra ngày càng khó khăn. Sau gần 2 giờ đồng hồ, 400 chiếc bẫy được kéo lên, nhưng chỉ thu được khoảng 1,5 kg cà ra.
Mùa này, cà ra vừa ít lại vừa nhỏ, phải 30 - 35 con mới được 1 kg. Mỗi ngày, với 2 dây bẫy anh Dịnh cũng chỉ thu được từ 2 - 2,5 kg, bán buôn cho thương lái được 70 nghìn đồng/kg. Sau khi trừ tiền xăng và các chi phí khác, số tiền thu được chẳng đáng là bao.
Người săn cà ra thì ngày càng đông, chỉ riêng thôn Thắng Yên đã có hàng chục gia đình ăn, ngủ trên sông. Khúc sông từ cầu Bình xuống Phà Mây rồi xuôi xuống Hải Phòng bị họ quần thảo suốt ngày.
Anh Dịnh cho biết: “Cách đây vài năm, mỗi lần thu bẫy cũng được vài kg. Dạo này, không hiểu vì lý do gì mà cả một dây bẫy cũng chỉ bắt được khoảng 1 kg là cùng. Kể cả vào vụ chính tháng 9, tháng 10 lượng cà ra bắt được cũng không nhiều. Trên những đoạn sông gần, cà ra ngày càng hiếm, nhiều lần chúng tôi phải xuống tận Hải Phòng hoặc sang Bắc Ninh, Bắc Giang để bắt. Tuy nhiên, không phải ai cũng đi xa như thế được, bởi thời gian thường kéo dài cả tháng trời và chi phí cũng khá lớn”.
Cà ra là món ăn ngon, nên thương lái đặt mua ngày càng nhiều. Dân chài đổ xô đi bắt kể cả khi chúng vẫn còn rất nhỏ. Nước sông ngày càng ô nhiễm cũng khiến lượng cà ra ít dần đi. Bên cạnh đó, nhiều dân chài đã dùng mìn hoặc kích điện để bắt cá, tôm khiến các loài thuỷ sản, trong đó có cà ra bị tiêu diệt. Cà ra không kịp lớn, không kịp sinh sản trước nhu cầu ngày càng cao của con người. Còn người dân chài chỉ vì miếng cơm manh áo đã góp phần khiến nguồn cà ra ngày càng cạn kiệt...