Kết quả quan trắc biến dạng mặt đất khu vực TPHCM vừa được Trung tâm Địa tin học (thuộc ĐH Quốc gia TPHCM) thực hiện cho thấy mặt đất đang bị hạ thấp, trong đó có 12 quận đang lún nhanh với tốc độ trên 15 mm/năm với quy mô lớn, tập trung ở các quận ven và các huyện ngoại thành.
Nước rút, đất sụt
Theo Trung tâm Địa tin học, một trong những nguyên nhân gây ra hiện tượng lún mặt đất là nước ngầm bị “rút ruột” quá nhiều. Hiện tượng này xuất hiện năm 1996, đến năm 2000 lan rộng ra và năm 2010 thì lún với tốc độ nhanh.
Tại các quận ven như 6, 8, 11, Tân Phú và các quận, huyện phía Tây - Tây Bắc: 12, Củ Chi, Hóc Môn..., dù có địa chất rất tốt và mật độ xây dựng không cao nhưng lại lún rất nhanh trên diện rộng.
Tình trạng chung ở hai khu vực này đều là khai thác nước ngầm số lượng lớn với tầng nước ngầm được cấp phép khai thác nhiều nhất là Pleistocen, dẫn đến tình trạng hạ thấp mực nước, tạo ra các phễu nước, xuất hiện vùng không gian trống nên gây lún sụt mặt đất.
Theo PGS-TS Lê Văn Trung, Giám đốc Trung tâm Địa tin học - chủ nhiệm đề tài, thống kê dựa trên cấp phép khai thác của cơ quan chức năng cho thấy lượng nước ngầm khai thác của TPHCM hiện nay khoảng 580.000 m3/ngày.
Đường Bình Phú (quận 6-TPHCM) đang bị lún nhanh, khoảng 12 mm/năm. Đoạn từ đường số 26 đến đường số 30, tốc độ lún lên đến 40 mm/năm. Ảnh: THU SƯƠNG
Tuy nhiên, số liệu đăng ký và thực khai thác có thể khác nhau vì người xin phép có khai thác đúng như cấp phép hay không vẫn chưa ai giám sát, đặc biệt là tình trạng người dân khai thác không xin phép, khai báo.
“Vấn đề ở đây không phải là cấm khai thác vì nếu không khai thác lượng nước ngầm cũng sẽ thất thoát. Tuy nhiên, phải khai thác như thế nào, ở những vùng nào: có vùng khuyến khích khai thác nhưng cũng có vùng phải cấm hẳn khai thác nước ngầm.
Bên cạnh đó, khai thác phải song song với bổ cập nước, hiện nay chỉ mới có lượng nước bổ cập tự nhiên khoảng 200.000 m3/ngày, việc hạ thấp mực nước ngầm không chỉ gây ra biến dạng mặt đất mà còn gây ô nhiễm tầng chứa nước.
Tại nhiều khu vực, ô nhiễm đã thấm xuống tầng nước nông, vì vậy người dân có xu hướng khai thác xuống các tầng sâu hơn, nếu không được quản lý, kiểm soát chặt chẽ sẽ gây ra nhiều biến cố khôn lường”- ông Trung nhấn mạnh.
Nhiều chỉ tiêu không đạt chuẩn
Việc khai thác nước ngầm tràn lan không chỉ ảnh hưởng đến địa chất trong lòng đất, gây lún sụt mặt đất mà còn ẩn chứa nhiều nguy cơ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe bởi các tầng nước ngầm hiện nay có nhiều chỉ tiêu không đạt chuẩn.
Đây là một trong những kết quả của dự án khoa học công nghệ “Biên hội bản đồ địa chất, bản đồ địa chất thủy văn và bản đồ địa chất công trình TPHCM tỉ lệ 1/50.000” do Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Nam (Liên đoàn 8) thực hiện.
Trụ giếng khoan khai thác nước ngầm trong KCN Tân Tạo (quận Bình Tân) trồi lên cao 30 cm so với mặt đất.
Nguyên nhân ban đầu được các chuyên gia nhận định là do nước ngầm bị rút,
tạo ra các không gian rỗng làm mặt đất bị hạ thấp. (Ảnh do Trung tâm Địa tin học cung cấp)
Ông Bùi Trần Vượng, phó liên đoàn trưởng - chủ nhiệm dự án, cho biết các tầng nước ngầm dùng cho mục đích công nghiệp, tưới và vài mục đích khác tương đối đạt yêu cầu nhưng các tầng nước ngầm phục vụ cho mục đích sinh hoạt có nhiều chỉ tiêu không đạt chuẩn theo quy chuẩn 02: 2009/BYT của Bộ Y tế. Theo đó, có bốn tầng nước ngầm dùng cho sinh hoạt: Pleistocen trên, Pleistocen giữa - trên, Pleitoscen dưới và Miocen trên; các chỉ tiêu không đạt gồm: pH, amoni, sắt, clorua...
Theo ông Vượng, bộ quy chuẩn 02: 2009/BYT áp dụng với nước dùng cho mục đích sinh hoạt thông thường, vì thế nếu các chỉ tiêu có đạt quy chuẩn thì cũng không được sử dụng để ăn uống trực tiếp hoặc chế biến thực phẩm. Nước khai thác từ các tầng này cần phải khử kim loại cũng như xử lý đầy đủ các chỉ tiêu chưa phù hợp trước khi đưa vào sử dụng.
Cẩn trọng với nước ngầm
Theo Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Nam, bốn tầng nước ngầm ở TPHCM dùng cho sinh hoạt có nhiều chỉ tiêu không đạt chuẩn, gồm:
- Tầng Pleistocen trên có chỉ tiêu pH, amoni, sắt và clorua không đạt yêu cầu. Trong đó, chỉ tiêu amoni dao động từ 0,01 - 35 mg/l (cho phép: 3 mg/l) và có đến 60% số mẫu phân tích không đạt chuẩn.
- Tầng Pleistocen giữa- trên có chỉ tiêu amoni, sắt, pecmanganat và canxi cacbonat (CaCO3) vượt quá giới hạn cho phép. Trong đó, cao nhất là hàm lượng sắt dao động từ 0,1 - 196 mg/l (cho phép: 0,5 mg/l), CaCO3 dao động từ 0,05 - 465 mg/l (cho phép: 350 mg/l) .
- Tầng Pleistocen dưới có chỉ tiêu pH, sắt, clorua và florua vượt chuẩn cho phép. Trong đó, hàm lượng sắt dao động từ 0,01 - 398 mg/l, clorua dao động từ 0,12 - 8103 mg/l (cho phép: 300 mg/l).
- Tầng Pleistocen giữa có chỉ tiêu pH, amoni, sắt và clorua không đạt tiêu chuẩn, trong đó cao nhất là hàm lượng clorua dao động từ 0,71 - 16.076 mg/l.
|