Rùng mình "chợ thú độc" vùng biên

Ẩn sau cái nghề khiến không ít người rùng mình kia là nhiều nỗi niềm, ưu tư của người trong cuộc...

Đến chợ biên giới Tịnh Biên, trong khi các bà chìm trong vải vóc, các món hàng gia dụng, cá mắm các loại thì giới mày râu dồn tầm ngắm vào các loài côn trùng được đồn thổi có tính năng tráng dương bổ thận được bày la liệt, lổn ngổn trong hàng chục chiếc thau nhựa.

Như đã thành thông lệ khi đến tham quan huyện biên giới Tịnh Biên (tỉnh An Giang), sau hành trình hành hương lên núi Cấm (Thiên Cấm Sơn), trên đường về, du khách thường dừng chân tại chợ biên giới Tịnh Biên để thỏa thú mua sắm. Hôm nay cuối tuần nên khách đến chợ tham quan, mua sắm đông nghẹt. Điều này đồng nghĩa với việc khu vực côn trùng tăng lực ở vòng ngoài tấp nập bóng dáng các ông mê sung sức, khoái cường dương đang mải mê lựa bọ cạp, nhện hùm… đặng ngâm rượu "luyện công".

Rùng mình "chợ thú độc" vùng biên, Tin tức trong ngày, noc doc, thu doc, con trung, cho vung bien, bo cap

Bọ cạp, rết… và những hũ rượu tăng lực được bày bán tràn lan ở chợ Tịnh Biên

Thấy nhóm 5 người đàn ông vừa bước xuống chiếc xe du lịch 7 chỗ có biển số TP HCM dán chặt ánh mắt vào mấy hũ rượu bên trong ngâm nào là chim bìm bịp, tắc kè, rắn hổ, con bửa củi cùng các thảo dược như dâm dương hoắc, kỷ tử, bạch chỉ, chị Hà, tuổi ngoài 40, chủ quầy côn trùng, bỏ nhỏ với khách rằng những hũ rượu mà chị bày bán có tác dụng "giúp chim le le trở thành đại bàng dũng mãnh", giúp cả những người hiếm muộn "thỏa khát vọng về đường con cái".

Vào sâu trong chợ côn trùng, khách liên tục được các tiểu thương chào hàng những con vật gớm ghiếc khác mà người yếu tim không dám rớ vào. "Nhện hùm đi em" - một chị xấp xỉ tuổi 40 tên Loan, vừa nói vừa dùng tay lôi từ chiếc bình nhựa bên trong có con nhện đen đúa đầy lông lá sở hữu khuôn mặt như ác quỷ mà theo lời chị bửa củi chỉ là em út. "Gọi là nhện hùm vì không chỉ hung dữ, giống này còn có khuôn mặt oai hùng như chúa sơn lâm" - chị Loan, chép miệng ra chiều bí mật: "Nó bổ bởi chuyên ăn thịt các loài có dược tính như tắc kè bay, bọ cạp, rắn rít. Một khi bị vướng vào chiếc lưới do nhện hùm giăng, các con vật trên khó có đường sống vì càng giãy giụa càng bị lưới nhện quấn chặt. Gặp con mồi to khỏe, nhện hùm âm thầm xông tới cắn một phát rồi truyền nọc độc. Chỉ trong tích tắc con vật sẽ xụi lơ".

Tiếp tục rảo bước, chúng tôi mục kích nhiều pha chào mời mua côn trùng tăng lực của nhiều bóng hồng khác. Còn chưa hết ấn tượng trước những thau bọ cạp hàng trăm con và những con nhện hùm mà theo bật mí của người bán, ai vô phước bị loài này cắn thì bị đau nhức đến tận xương tủy, chúng tôi tiếp tục bất ngờ trước những con rết to đùng mà dân địa phương gọi là "ngô công". Để con rết trên lòng bàn tay, bà chị tên Lan bỏ nhỏ đây cũng là giống độc không kém nhện hùm: "Con rết bình thường bé xíu mà khi bị cắn, người khỏe mạnh còn sốt li bì thì huống chi con to cỡ ngón tay cái, dài đến cả gang tay. Giống này đem ngâm rượu uống bổ thấu trời. Cũng rượu ngâm nó mà đem thoa lên khu vực bị trật gân bong khớp thì vô cùng hiệu nghiệm".

Giá trung bình của mỗi con bọ cạp tại chợ biên giới Tịnh Biên là 5.000 đồng, nhện hùm 10.000 đồng/con, ngô công 20.000 đồng/con, bửa củi và mối chúa giá dao động từ 3.000-4.000 đồng/con. Hôm nay khách đông nên rổ bọ cạp gần 200 con cùng hơn chục con nhện hùm và ngần ấy ngô công được chị Hà bán sạch. Các chị Lan, Loan, Khánh… cũng bán được ngần ấy côn trùng tăng lực. "Bình thường mỗi ngày lời khoảng 100.000 đồng. Những lúc đông khách như hôm nay thì lời gấp 3, gấp 4 lần, có khi hơn. Tính bình quân mỗi tháng chị em thu nhập từ 3-5 triệu đồng". Nói đến đây, chị Lan, chép miệng: "Để có được thu nhập tương đối khá trong bối cảnh miền quê đất đai khô hạn và ngày một cằn cỗi, chị em làm nghề buôn côn trùng như tôi chịu không ít bầm trầy, đau đớn mà chỉ người trong cuộc mới thấu”.

Theo tâm tình của các tiểu thương, nguồn côn trùng mà họ bày bán cho khách được mua lại từ các thợ săn côn trùng chuyên nghiệp trên khắp vùng Bảy Núi. "Thợ săn côn trùng ở Tịnh Biên đông lắm! Họ săn bất kể ngày đêm. Ngày thì vạch lá, bươi trong các hốc cây, gốc cây hoai mục tìm bọ cạp và bửa củi. Đêm đến soi đèn rọi ngô công, nhện hùm. Người có sức khỏe thì tìm các ổ mối đập tìm mối chúa… Sau khi săn xong họ mang xuống chợ bỏ cho mối quen. Chợ cũng có nhiều chị em chuyên sống bằng nghề buôn côn trùng khép kín, chồng con đi săn xong về giao cho họ bán" - chị Nga, có thâm niên bán côn trùng gần 10 năm, cho biết!

Chúng tôi rời chợ biên giới Tịnh Biên giữa lúc nhiều đoàn xe chở khách du lịch đổ về chợ và hình ảnh nhiều vị khách hân hoan với những hũ rượu bọ cạp, mối chúa, nhện hùm… Cùng đó là nỗi niềm trăn trở của nhiều tiểu thương côn trùng không biết cái nghề "buôn thú độc" của mình mai này sẽ ra sao khi núi rừng ngày càng cạn kiệt côn trùng tăng lực do bị hàng binh đoàn thợ săn ngày lại ngày ruồng bố, săn bắt bừa bãi!

Lương y Nguyễn Thiện Chung - Chủ tịch Hội Đông y huyện Tịnh Biên

Nhiều khách đến chợ Tịnh Biên mua đủ loài côn trùng ngâm rượu, đặc biệt là bửa củi, nhện hùm được người bán quảng cáo có tác dụng tăng lực, chữa bệnh này bệnh kia nhưng thực chất không phải vậy. Đó chẳng qua chỉ là lời đồn thổi vô căn cứ của người bán để làm giá và tiêu thụ "sản phẩm". Trong nhiều trường hợp, tăng lực đâu không thấy, có khi đang "trâu" lành trở thành "trâu què" bởi rượu ngâm côn trùng có nguồn gốc không rõ ràng, và côn trùng khi ngâm thường là côn trùng bị chết, không đảm bảo vệ sinh…


Giày Đại Phát solution
Số người online:
13857
Số người truy cập:
9283304