Quy định 'tháng liền kề' làm lệch nguyên tắc bảo hiểm thất nghiệp

 Ông Nguyễn Đăng Tiến, nguyên Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP HCM, cho hay khái niệm "tháng liền kề" trước khi mất việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp mới được nhận trợ cấp lần đầu xuất hiện tại Thông tư 04 do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành ngày 1/3/2013. Văn bản này hướng dẫn thực hiện Nghị định 127 của Chính phủ về bảo hiểm thất nghiệp.

Từ thời điểm Thông tư 04 ra đời, các hồ sơ đề nghị nhận trợ cấp thất nghiệp nhưng chủ doanh nghiệp nợ, chậm đóng bảo hiểm đều bị Trung tâm dịch vụ việc làm (thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) từ chối. Ngay cả lao động nghỉ thai sản, ốm đau từ 14 ngày trở lên, nghỉ không hưởng lương cũng không được giải quyết.

"Quan điểm của tôi và Bảo hiểm xã hội TP HCM thời điểm đó không đồng tình với quy định này, đã nhiều lần đề nghị sửa đổi", ông Tiến nói. Sau đó, các quy định về bảo hiểm thất nghiệp được quy định tại Luật Việc làm (năm 2013). Tuy nhiên, các nghị định hướng dẫn vẫn thực hiện quy định "tháng liền kề".

Ông Nguyễn Đăng Tiến, nguyên Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP HCM. Ảnh: Hoa Tiêu

Mới đây, Nghị định 61 sửa đổi đã chấp nhận các trường hợp ốm đau, thai sản, nghỉ không hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tuy nhiên, người lao động làm việc ở các đơn vị để nợ bảo hiểm vẫn bị từ chối.

"Để nợ bảo hiểm là lỗi của doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhưng cuối cùng người lao động phải gánh. Đó là không công bằng", ông Tiến nói và cho rằng các quỹ bảo hiểm xã hội, thất nghiệp, y tế phải đảm bảo quyền lợi cho người đóng dù doanh nghiệp để nợ. Bởi thực tế hàng tháng, người lao động đều bị trích lương đóng vào quỹ nhưng do doanh nghiệp chiếm dụng, chế tài không đủ mạnh, cơ quan quản lý chưa làm hết trách nhiệm mới để nợ.

Theo ông Tiến, nguồn kinh phí hỗ trợ cho người lao động có thể được bù đắp từ các khoản đầu tư sinh lợi của các quỹ bảo hiểm xã hội, thất nghiệp, y tế. Sau đó, Bảo hiểm xã hội, ngành lao động vận dụng các quy định pháp luật để đòi số tiền mà doanh nghiệp nợ.

Quỹ bảo hiểm thất nghiệp có hai chức năng chính là chi trả trợ cấp mất việc và tìm việc mới cho người lao động. Nguồn kết dư của quỹ được hình thành dựa trên sự đóng góp của ba bên gồm người lao động, doanh nghiệp và nhà nước. Tuy nhiên, quy định "tháng liền kề" khiến quỹ không chi trả, dừng hỗ trợ người lao động mất việc dù họ đóng góp vào quỹ. Điều này đã "vi phạm nguyên tắc cơ bản của bảo hiểm thất nghiệp".

Ngoài ra, về lý thuyết nếu người lao động không đảm bảo điều kiện "tháng liền kề", khoản trợ cấp thất nghiệp không bị mất đi, thời gian tham gia sẽ được cộng dồn vào quá trình đóng tiếp theo. Tuy nhiên một khi họ đã bị mất việc, đi đăng ký để được nhận trợ cấp tức đang rất cần số tiền đó nhưng lại không được chi trả, như vậy bảo hiểm thất nghiệp chưa làm tròn vai.

Chưa kể mức hưởng tối đa hiện nay không quá 12 tháng thì quy định cộng dồn không có ý nghĩa với những người tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ năm thứ 13 trở đi. "Điều này cũng khiến lao động cảm thấy không hài lòng, giảm lòng tin vào chính sách", ông Tiến nói.

Người lao động làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm dịch vụ việc làm TP HCM. Ảnh: Lam Sơn

Ông Lê Đình Quảng, Phó ban Quan hệ lao động (Tổng liên đoàn lao động Việt Nam), cho rằng hiện nay chỉ cần doanh nghiệp để nợ bảo hiểm xã hội thì tất cả quyền lợi của người lao động đều bị ngưng, trong đó có khoản hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến tháng 6, tổng số nợ bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp trên cả nước hơn 24.500 tỷ đồng. Trong đó hơn 3.500 tỷ đồng là nợ "khó đòi", tức thuộc các doanh nghiệp đã bị phá sản, giải thể, không có khả năng trả nợ. Hơn 206.000 lao động bị ảnh hưởng quyền lợi, tức không được chi trả trợ cấp thai sản, thất nghiệp, ốm đau...

Ông Quảng cho rằng đối với bảo hiểm thất nghiệp, nghị định hướng dẫn thi hành chưa thực sự phù hợp với thực tiễn. Cụ thể ở đây quy định "tháng liền kề" đã hạn chế quyền được tiếp cận các chính sách hỗ trợ từ quỹ. "Tuy nhiên nghị định có trái với Luật Việc làm hay không phải đánh giá kỹ", ông Quảng nói. Tổ chức công đoàn đang nghiên cứu để cho ý kiến sửa đổi Luật Việc làm, những điều khoản không phù hợp sẽ đề nghị đưa vào xem xét.

Ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Việc làm (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), nói rằng Luật Việc làm ra đời từ năm 2013, thị trường lao động thời điểm đó và hiện tại có nhiều thay đổi. Do đó, một số điều khoản của luật không còn phù hợp. Đơn vị đang nghiên cứu, tập hợp các đề xuất, kiến nghị để đưa vào thảo luận các điều khoản sửa đổi.

"Sau 10 năm chắc chắn sẽ có những quy định không còn phù hợp", ông Bình nói. Đối với quỹ bảo hiểm thất nghiệp không chỉ bù đắp thu nhập khi người lao động mất việc mà còn giúp họ tiếp tục tham gia thị trường lao động thông qua các hoạt động xúc tiến và tạo việc làm.

tỷ đồng Quỹ bảo hiểm thất nghiệp kết dư2018201920202021020k40k60k80k100kVnExpress

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đến cuối năm 2021, quỹ bảo hiểm thất nghiệp kết dư hơn 61.400 tỷ đồng. Số tiền này cao hơn hai lần tổng chi các chế độ bảo hiểm thất nghiệp và chi phí quản lý. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội giải thích lý do kết dư quỹ bảo hiểm thất nghiệp lớn vì số người tham gia tăng nhanh qua từng năm và mức lương làm căn cứ đóng được điều chỉnh tăng.

Lê Tuyết


Giày Đại Phát solution
Số người online:
4209
Số người truy cập:
8980787