Nhiều ý kiến cho rằng tổ chức một cuộc vận động và yêu cầu một lời cam kết sẽ chẳng giải quyết được gì, nếu như không có những biện pháp giải quyết được gốc rễ của nạn phong bì bệnh viện.
Đưa phong bì, bác sỹ vẫn nhận
Ngày 9-10, đưa bố từ Thái Bình lên Bệnh viện K (Hà Nội) để khám bệnh, lại đến viện đúng ngày đầu tuần, chị Thoa cho biết phải đợi quá lâu mà vẫn chưa được vào khám.
Thấy vậy, chị đã nhét 100.000 đồng vào sổ khám bệnh để mong nhanh chóng được gọi vào. Và kết quả là chị đã được gọi vào trước những người khác!
Lúc vào phòng khám, thấy bác sĩ có vẻ căng thẳng, hỏi bệnh nhân bằng giọng điệu khá lạnh lùng, mệt mỏi, chị Thoa đã nhanh ý bảo bố nhét phong bì vào túi bác sỹ. Lúc này, thái độ của vị bác sĩ thay đổi khi quay sang hỏi han khá cụ thể về tình hình bệnh tật của ông cụ.
Chị Thoa cho biết đằng nào cũng phải mất tiền và "đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn".
Khi biết đây là 1 trong 5 bệnh viện cam kết “nói không với phong bì” từ đầu tháng 9, chị Thoa tỏ ra khá bất ngờ và thất vọng vì thực tế là bác sĩ vẫn không từ chối.
Tuy nhiên, chị cho biết mình cũng đã quá quen với việc đưa phong bì cho bác sỹ trong những lần đưa người thân đi khám trước đây.
Bệnh viện K ghi rõ quy định về vấn đề phong bì trong bệnh viện: "Nếu bệnh nhân đưa tiền cho cán bộ Y tế thì bệnh viện sẽ không phục vụ". Theo khảo sát của Công đoàn Bộ Y tế, bệnh viện K là bệnh viện bị "kêu" nhiều nhất.
Còn anh Nguyễn Văn Thắng (quận Đống Đa) đưa vợ vào bệnh viện Phụ Sản TW khám lại lần cuối để chuẩn bị sinh mổ.
Anh cho biết mỗi lần khám đều “phong bì” 200.000 đồng cho bác sĩ, riêng bác sĩ mổ đẻ thì đã chuẩn bị sẵn vài triệu để mong bác sĩ “chăm sóc” vợ con chu đáo.
Nghe anh Thắng kể, người nhà bệnh nhân (tên Hòa) ngồi cạnh cho biết tiền bồi dưỡng chưa dừng lại ở đây.
“Khi con chào đời xong, mỗi lần con đi tắm hoặc vợ được tiêm thì gia đình vẫn phải “xì” thêm ra để được làm nhẹ tay và được chăm sóc tận tình”, anh Hòa nói. Theo anh, “luật bất thành văn” là mỗi lần tắm bé ít nhất 50.000 đồng và tiêm cho vợ cũng vậy.
Với tâm lý phải có phong bì khi vào viện người nhà mình mới được chăm sóc chu đáo hoặc không phải chờ đợi, hầu hết bệnh nhân đều đưa thêm tiền cho nhân viên y tế ở tất cả các khâu: Từ khám, xét nghiệm đến lúc mổ, ra viện, và bằng nhiều cách khác nhau, chủ yếu là gặp đưa tại phòng riêng, kẹp trong sổ khám bệnh hoặc nhét vào túi áo blouse, vv…
Trong số hàng chục bệnh nhân và người nhà được hỏi thì có tới 90% cho biết họ đã chuẩn bị tiền phong bì từ khi ở nhà. Các bệnh nhân cho biết không có bác sĩ nào lên tiếng đòi hỏi, vòi vĩnh phong bì (một cách thẳng thắn) nhưng khi đưa phong bì thì không ai từ chối.
Người bệnh còn cho biết có không ít bác sỹ khi dù không đòi nhưng khi có phong bì thì họ vẫn nhận và thái độ khám có tận tình hơn.
Đặc biệt, có nhiều bác sĩ tỏ thái độ cáu gắt khó chịu khiến người bệnh không thể không nghĩ đến chuyện đưa phong bì để “xoa dịu” nhằm được khám chữa tận tình hơn, được trả lời cho mỗi câu hỏi về tình trạng bệnh tật của mình.
Còn đối với điều dưỡng, nếu có phong bì thì thái độ chăm sóc cũng ân cần hơn (ngay cả điều dưỡng cũng "gợi ý" chuyện bồi dưỡng dưới nhiều hình thức).
Đưa không khéo còn bị mắng
Tuy việc đưa phong bì được coi là hiển nhiên trong bệnh viện nhưng cách đưa ra sao cũng là cả một nghệ thuật. Bởi nếu đưa không khéo, bệnh nhân còn bị ăn mắng.
Chị Duyên (quê Hải Dương) lên bệnh viện Phụ sản TW mổ cắt u xơ tử cung. Đây là lần đầu chị đến bệnh viện lớn như thế này và cứ lóng nga lóng ngóng.
Cứ tưởng ai vào viện cũng đều làm như mình nên chị cứ “thật thà” đưa phong bì cho bác sỹ. Nào ngờ bác sỹ rút trả phong bì và mắng chị sa sả giữa phòng khám đông người.
Nhưng kỳ lạ là đến người sau vào, họ không bị mắng dù vẫn đưa phong bì cho bác sỹ đó. Hỏi ra, chị Duyên mới biết muốn đưa cũng phải có cách để đưa, và phải chọn thời điểm, địa điểm để đưa hợp lý chứ không phải cứ bạ đâu là làm đấy.
Trong tình hình khám chữa bệnh hiện nay, bệnh nhân khó có thể tránh khỏi việc phải "tự nguyện" đưa phong bì cho bác sỹ (Ảnh chụp tại BV K)
Hiện nay, không phải tất cả mọi cán bộ y tế đều gật đầu nhận phong bì của người bệnh trước khi hoàn tất việc khám chữa bệnh hay phẫu thuật (nhất là các ca khó, độ rủi ro cao).
Bởi ngành y tế cho rằng việc nhận phong bì sau khi khám chữa bệnh xong không phải là “đút lót”, “hối lộ” mà đơn giản chỉ là hành động “cảm ơn”!
Vì thế, đã có những bác sỹ “từ chối” nhận lúc chưa mổ, nhưng đồng thời lại “gợi ý” là nếu mổ xong xuôi thì người nhà “đưa bao nhiêu cũng nhận hết”.
“Khi con dâu tôi lên bàn mổ đẻ, tôi đút vào túi bác sỹ đỡ đẻ một phong bì có 1,5 triệu nhưng vị bác sỹ nhất định không cầm.
Trong khi hai bên đang giằng co thì vị bác sỹ này nói với tôi rằng “làm chuyện này giữa chốn đông người sẽ mất hay” và “gợi ý” rằng nếu “mẹ tròn con vuông” thì đưa bao nhiêu cũng nhận”, bà Thủy, trú tại Cầu Giấy (Hà Nội) kể lại câu chuyện của mình khi đưa con dâu vào sinh con tại bệnh viện Phụ sản.
Bác sỹ gây khó khăn cho người bệnh để người bệnh phải đưa phong bì
Năm 2006-2008, trường ĐH Y Hà Nội thực hiện nghiên cứu cấp Bộ về “Thực trạng nhận thức và thực hành y đức của nhân viên y tế”. Đây là một trong số những nghiên cứu hiếm hoi về đề tài “nhạy cảm” này.
Phỏng vấn 704 bác sĩ tại các bệnh viện thì có đến 65,3% bác sĩ trả lời rằng “thỉnh thoảng” có biểu hiện vi phạm y đức. Trong số này, bác sĩ tại tuyến trung ương có tỉ lệ là 68,2%; tuyến tỉnh là 73,6%.
Số lượng bác sĩ có biểu hiện thường xuyên vi phạm y đức chiếm 5,7% (trong đó tuyến trung ương chiếm 7,0%, tuyến tỉnh 6,7% và tuyến huyện 3,0%).
Theo nghiên cứu này, những biểu hiện vi phạm y đức này chủ yếu là gây khó khăn cho bệnh nhân, gợi ý và nhận tiền của bệnh nhân (chiếm 40,5%).
Bên cạnh đó, có 39,9% bác sĩ kê đơn thuốc đắt tiền để hưởng phần trăm (%) hoa hồng của trình dược viên, móc ngoặc hoặc chuyển bệnh nhân về phòng khám tư.