Hai tử tù Lê Minh Đức và Sồng A Dê lần lượt bị dựng dậy vào lúc 4g sáng ngày 18-11-2005. Sau mấy ngày chuyển mùa, nắng hanh hao, sáng nay, từng trận gió mùa tràn về thành phố. Lác đác những giọt mưa lạnh buốt càng làm cho cái rét như ngấm vào da thịt. Đã có mặt ở nhiều lần thi hành án tử hình, nhưng hôm nay, tôi vẫn có một cảm giác rất đặc biệt. Bởi biết rằng, chỉ một lúc nữa thôi, những con người tội lỗi sẽ trút hơi thở cuối cùng bằng những phát đạn để rồi sau đó trở về với đất, vĩnh viễn khép lại một kiếp người.
Tử tù Lê Minh Đức và bức thư để lại.
Lê Minh Đức, SN 1984, trú tại cụm 11, thôn Vĩnh Ninh, xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, Hà Nội bị dẫn giải vào phòng làm việc của Hội đồng thi hành án từ lúc trời còn tối mịt. Đêm quá yên tĩnh, có thể nghe rõ tiếng xích va vào nhau và nện xuống nền xi măng những âm thanh lộc cộc, rợn người. Y hầu như không nói gì, cắm mặt xuống từng bước đi. Y có dáng người thấp bé, nước da xanh mét và gương mặt lạnh.
Điều khiến tôi có cảm giác về sự bình thản của y trong buổi sáng hôm đó chính là khoảnh khắc y thường nhìn thẳng vào máy ảnh của tôi, không chớp, vô cảm. Và trong cái nhìn lạnh lẽo ấy, tôi chợt nhận thấy trong đôi mắt ấy vằn lên những tia đỏ. Y còn quá trẻ nhưng tội ác do y gây ra thì vô cùng nghiêm trọng, chính y quá biết điều này khi đã bị cùm chân trong xà lim. Và từng ngày, từng ngày, y đón đợi cái chết đến với mình một cách bình thản, không hò hét điên loạn hay bỏ ăn bỏ uống như nhiều tử tù khác.
Trước khi bị bắt và xét xử về tội giết người, Đức đã từng nhận hai bản án khác: tháng 11-2001, y bị TAND huyện Thanh Trì xử phạt 6 tháng tù về trộm cắp tài sản, nhưng cho hưởng án treo, thử thách 12 tháng; tháng 7-2002, TAND TP Hà Nội xử tiếp 8 tháng tù cũng về tội trộm cắp tài sản, tổng hợp 2 bản án, buộc y phải chấp hành hình phạt chung là 14 tháng tù. Trong khi chưa thi hành án, y tiếp tục phạm tội với mức độ nghiêm trọng hơn.
… Khoảng 11g30 ngày 5-11-2003, Lê Minh Đức đến nhà bà Nguyễn Thị Vượng ở cùng thôn chơi. Hàng ngày y vẫn thường sang đây và bà Vượng coi y như con cháu trong nhà. Những khoản tiền ăn chơi đua đòi mỗi ngày một thiếu và những lần trộm cắp trước không thể đáp ứng được nhiều, khi sang nhà bà Vượng, y đã nảy ý định đen tối là giết bà để cướp tài sản. Ngồi chơi với bà một lúc, như mọi lần y xin phép ra về, nhưng hôm nay y cố nán lại.
Gần nửa giờ sau, lợi dụng lúc bà Vượng ngồi thái rau cho lợn, quay mặt ra phía ngoài cửa, Đức tiến đến thùng phi đựng thóc ở góc nhà lấy một sợi dây thừng bằng nilon màu xanh rồi quàng vào cổ bà Vượng khiến bà tự vệ bằng cách vùng vẫy rất mạnh và tung được sợi dây ra. Biết bà chưa chết, y đẩy bà ngã xuống nền nhà và nhào đến bóp cổ cho đến khi bà tắt thở. Y lần túi quần của bà lấy được 3 triệu đồng và tháo luôn sợi dây chuyền vàng ta bà đeo trên cổ trị giá 3 triệu đồng rồi bỏ trốn. Đến ngày 27-11-2003, y bị bắt theo lệnh truy nã.
Hành vi phạm tội của Lê Minh Đức trong vụ án này là đặc biệt nghiêm trọng. Mục đích và động cơ phạm tội rõ ràng: giết người để cướp tài sản và phạm tội với tinh thần quyết tâm cao. Bị cáo có nhân thân rất xấu, tái phạm nhưng chưa được xóa án tích nên hành vi phạm tội lần này được coi là tái phạm nguy hiểm. Tuy sợi dây mà bị cáo dùng để xiết cổ bà Vượng không thu hồi được do bị cáo đã phi tang, nhưng qua điều tra, Lê Minh Đức đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Những lời khai của y là thống nhất và phù hợp với kết quả khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi và kết quả giám định pháp y. Từ những lẽ đó, TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt y án tử hình là hoàn toàn tương xứng. Sau phiên tòa sơ thẩm, y kháng cáo. Nội dung bản kháng cáo chỉ xin giảm nhẹ hình phạt mà không thắc mắc gì về tội trạng của mình. Do đó, việc cơ quan điều tra không thu hồi được vật chứng cũng không ảnh hưởng gì tới việc kết tội bị cáo.
Nhưng, một tình tiết khá rắc rối phát sinh tại phiên tòa phúc thẩm ngày 19-8-2004. Đó là việc tên Đức khai thêm một chi tiết là trong vụ án đặc biệt nghiêm trọng trên, không chỉ có một mình y tham gia mà còn có một đối tượng khác tên là Hiền giữ vai trò đồng phạm. Vậy bản chất vụ án có thay đổi không?
Sau lời khai đó, để đảm bảo cho việc xét xử được nghiêm minh, khách quan, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của bị cáo, Hội đồng xét xử đã cho hoãn phiên tòa và có công văn gửi VKSNDTC yêu cầu xem xét và cho tiến hành điều tra bổ sung. Tiếp đó, VKSNDTC có tiếp công văn gửi cơ quan điều tra - CATP Hà Nội và VKSNDTP Hà Nội yêu cầu điều tra bổ sung. Ngày 25-5-2005, cơ quan cảnh sát điều tra - CATP Hà Nội đã có công văn trả lời kết quả xác minh cho thấy: Tại những địa điểm mà Đức khai nhận là Hiền cư trú và làm nghề xe ôm đều không có đối tượng nào có đặc điểm như Đức khai. Vì lẽ này mà tại phiên tòa phúc thẩm TANDTC ngày 24-6-2005 đã khẳng định: không có cơ sở để xác định lời khai thêm của tên Đức. Đương nhiên, bản chất vụ án không có lý do để thay đổi và y vẫn phải nhận hình phạt cao nhất: tử hình.
... Giờ thì y đã ngồi bên chiếc bàn nhỏ để viết những dòng thư tuyệt mệnh cho gia đình. Y cắm cúi viết vài chữ rồi buông bút. Cốc nước chè để trên bàn vẫn còn bốc khói. Y nhấp một ngụm rồi đặt xuống, kêu là chát và không muốn uống tiếp. Bát phở y cũng không đụng đũa. Tôi đứng ngay sau y, định hỏi chuyện y nhưng thấy y không có ý định nói chuyện nên thôi. Cầm lá thư y viết, tôi vỗ vào lưng y: Đức viết thêm về cho gia đình đi. Mọi người vẫn muốn đọc thư đấy! Y lắc đầu, cười buồn: Em chẳng biết viết gì, chỉ xin mọi người trong gia đình tha thứ cho em để em xuống đó được thanh thản thôi.
Còn đây là nội dung bức thư y viết về cho gia đình, vỏn vẹn có ba dòng:
"Con cũng không nói gì chỉ mong bố mẹ và toàn thể gia đình tha lỗi cho con, để con ở dưới được thanh thản.
Ký tên: Lê Minh Đức".
Tử tù Sồng A Dê, SN 1971, trú tại bản Cò Chàm, xã Lóng Luông, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La gầy đét, xương xẩu. Trên khuôn mặt hốc hác và tiều tụy ấy là hai con mắt như muốn lồi ra - dấu hiệu của những kẻ nghiện lâu năm. Nếu tính tuổi, y mới ngoài 30 nhưng khi nhìn y, người ta dễ đoán y đến 60 tuổi. Ma túy đã hủy hoại thể xác y và cho đến lúc này, chính ma túy cũng chuẩn bị đưa y vào cõi chết.
Sồng A Dê trước giờ ra pháp trường.
… Khoảng 7g15 ngày 8-6-2003, tổ công tác của đội cảnh sát phòng chống tội phạm về ma túy thuộc CA quận Tây Hồ phối hợp với phòng an ninh điều tra - CA tỉnh Hoà Bình kiểm tra xe ôtô BKS 29M - 9426 tại khu vực dốc Cun, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình do lái xe Lâm Sơn Tùng điều khiển, trên xe có Dương Văn Hùng và Nguyễn Thị Hằng. Qua kiểm tra, CA đã thu giữ 4 bánh heroin và 10 cục nhỏ heroin khác có trọng lượng 1750 gam cùng 20 viên thuốc lắc.
Nguồn ma túy cung cấp cho hai đối tượng Hùng và Hằng chính là tên Sồng A Dê, một đối tượng luôn mua bán ma túy với số lượng lớn. Với lượng ma túy thu được cùng những lời khai của các đối tượng có liên quan, Sồng A Dê và Dương Văn Hùng đã bị tòa án các cấp tuyên phạt tử hình. Tên Hùng bị giải ra pháp trường cách đây không lâu, còn hôm nay đến lượt kẻ chủ mưu: tên Sồng A Dê.
Trong phần làm thủ tục thi hành án, tôi thấy hai hốc mắt y sũng nước. So với các tên tử tù khác, y được mở còng ở tay để làm mọi việc thuận tiện hơn. Đôi tay gày guộc của y vụng về đưa lên lau mắt. Được một lúc, nước mắt y lại ứa ra. Khi bị bắt, y đã có 3 đứa con nhỏ lít nhít, đứa lớn nhất mới 4 tuổi, đứa thứ 2 được 2 tuổi, còn đứa út 1 tuổi. Phải căng tai ra mọi người trong phòng mới nghe được những gì y nói bởi giọng y lúc đó rất nhỏ, yếu... Đến phần đọc các quyết định thi hành án, y không biết chữ. Một thành viên của Hội đồng phải đọc cho y nghe chậm rãi từng câu một. Kết thúc phần thủ tục, y được phép viết thư về cho gia đình nhưng y đứng lên, nói trong nước mắt: Cháu không biết viết gì, nếu được thì các ông viết hộ cháu thư về cho vợ, con…
Giống như tử tù Lê Minh Đức, tử tù Sồng A Dê không ăn bữa cuối cùng. Khuôn mặt y buồn rười rượi. Mái tóc lâu ngày không gội cứ dựng ngược lên và từ người y bốc ra một mùi cực kỳ khó chịu. Mùi của những kẻ tử tù quanh năm bị giam trong phòng kín và mùi của kẻ nghiện ma túy sợ nước… Đúng 5g15, sau khi các thủ tục thi hành án hoàn tất, hai tử tù bị giải ra xe ôtô để tới trường bắn Cầu Ngà. Cả hai đều có ý dùng dằng chưa muốn đứng dậy bởi chúng biết cái chết đang nhích tới gần, rất gần.
Và hình ảnh cuối cùng in đậm vào trí nhớ tôi trong buổi sáng buồn bã ấy chính là sự buốt lạnh nơi pháp trường. Từng trận gió thổi tung hoành, thỉnh thoảng lại rít lên nghe rờn rợn và dưới chân mỗi tử tù, những chiếc quan tài đã mở nắp sẵn. Buổi sáng cuối cùng với họ là vậy đấy. Lạnh lẽo, cô độc và thê thảm đến tận cùng.