Có thể vi phạm pháp luật
Theo quy định pháp luật hiện hành của VN, hành vi ghi hình và/hoặc ghi âm rồi sau đó tung lên mạng nếu làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự và nhân phẩm của người có hình ảnh, âm thanh thì có thể vi phạm pháp luật (ngoại trừ các cơ quan báo chí được phép tác nghiệp).
Cấm đưa thông tin mang tính xúc phạm
Theo điều 31 của Bộ luật dân sự, việc sử dụng hình ảnh (truyền đưa thông tin lên mạng) của cá nhân phải được sự đồng ý của người đó và nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có ảnh.
Hành vi ghi âm rồi sau đó đưa lên mạng nhằm mục đích xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân, uy tín của tổ chức thì bị cấm theo khoản 2, điều 12 Luật công nghệ thông tin.
Pháp luật hiện hành cũng nghiêm cấm việc ghi âm các cuộc điện thoại của người khác, cũng như hạn chế một vài việc ghi âm như: việc ghi âm tại phòng xử án phải được chủ tọa cho phép, bài giảng là loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả theo Luật sở hữu trí tuệ, tác giả (giáo viên) có các quyền nhân thân và quyền tài sản đối với bài giảng của mình. Việc ghi âm và tung lên mạng bài giảng mà không xin phép là xâm phạm quyền tác giả. Trong trường hợp ghi âm bài giảng và sử dụng cho mục đích học tập của cá nhân thì không phải xin phép.
Bị phạt hoặc bồi thường
Pháp luật hình sự hiện hành có một số quy định về tội phạm như: xâm phạm bí mật điện thoại, xâm phạm quyền tác giả, sử dụng trái phép thông tin trên mạng... Tùy vào tính chất, mức độ của hành vi mà người thực hiện có thể bị xử lý tương ứng và phải bồi thường thiệt hại cho người bị xâm phạm.
Với những người có hành vi đưa thông tin lên mạng nhằm mục đích xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân, uy tín của tổ chức: nếu hành vi chưa nghiêm trọng đến mức xử lý hình sự thì có thể bị xử phạt hành chính từ 10-20 triệu đồng (khoản 5, điều 6 nghị định 63/2007/NĐ-CP). Ngoài ra, người gây thiệt hại có thể bị kiện đòi bồi thường thiệt hại, bị buộc phải chấm dứt hành vi vi phạm, phải xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại.
Đối với hành vi truyền đạt tác phẩm đến công chúng mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả (khoản 2, điều 22 nghị định 47/2009/NĐ-CP), người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 50-100 triệu đồng và phải bồi thường thiệt hại cho người bị xâm phạm.
Luật sư Huỳnh Văn Nông
Giá trị tố cáo của băng ghi âm
Nội dung băng ghi âm, ghi hình có giá trị pháp lý như thế nào? Đó là câu hỏi không đơn giản, vì theo tôi biết chưa có quy định cụ thể nào về các chỉ dấu và giá trị của băng ghi âm, ghi hình trong hoạt động tố tụng.
Khoản 1, điều 64 Bộ luật tố tụng hình sự quy định: “Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do bộ luật này quy định mà cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án”.
Theo quy định trên thì một thông tin, tài liệu được coi là chứng cứ của vụ án khi đáp ứng đủ ba điều kiện sau:
1) Những thông tin, tài liệu đó phải có thật, phản ánh đúng sự thật khách quan của vụ án.
2) Những thông tin, tài liệu đó là cơ sở để cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án.
3) Những thông tin, tài liệu đó phải được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật hình sự quy định.
Chứng cứ được xác định bằng các nguồn sau: vật chứng; lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; kết luận giám định; biên bản về hoạt động điều tra, xét xử và các tài liệu, đồ vật khác (khoản 2, điều 64 Bộ luật tố tụng hình sự).
Điều 78 Bộ luật hình sự định nghĩa “các tài liệu, đồ vật khác” là “những tình tiết có liên quan đến vụ án được ghi trong các tài liệu cũng như đồ vật do cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp”.
Mặc dù không có văn bản hướng dẫn cụ thể nhưng căn cứ vào những quy định trên, băng ghi âm/ghi hình có thể được liệt vào danh mục “các tài liệu, đồ vật khác” và do đó có thể được xem là một trong những nguồn của chứng cứ.
Thí dụ một người đưa hối lộ đặt băng ghi âm, sau đó dùng băng này để tố cáo hành vi nhận hối lộ hoặc một người ghi âm nội dung cuộc họp nội bộ, trong đó đề cập hành vi tham nhũng và tung lên mạng Internet thì những cuộn băng ghi âm này là một trong những nguồn chứng cứ quan trọng để cơ quan tiến hành tố tụng xác định có hay không có hành vi phạm tội.
Tuy nhiên, để trở thành chứng cứ trong vụ án, những băng ghi âm này phải được cơ quan tiến hành tố tụng xem xét, đánh giá, giám định để xác định có thỏa mãn các điều kiện quy định tại điều 64 hay không. Trong trường hợp bên bị tố cáo chứng minh những thông tin mà bên tố cáo cung cấp thông qua nội dung băng ghi âm không đúng sự thật thì có quyền khởi kiện bên tố cáo ra tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm.
Luật sư Bùi Quang Nghiêm
|