Sáng 27-12, tại Bình Dương, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chủ trì hội nghị Quy hoạch phát triển nhân lực các tỉnh vùng Đông Nam Bộ. Kết quả điều tra, nghiên cứu mà các tỉnh, các bộ trình bày tại hội nghị đã cho thấy còn rất lâu nữa chất lượng nguồn nhân lực mới theo kịp sự phát triển “nóng” của khu vực.
Học nghề điện tử công suất tại Trường Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương. Ảnh: Huỳnh Nga
27% chưa học xong THCS
UBND tỉnh Bình Dương cho biết tỉnh đã tiếp cận 250 doanh nghiệp (DN - gồm 5 DN Nhà nước, 101 DN vốn đầu tư nước ngoài, 144 DN khác) nhằm điều tra nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo. Kết quả cho thấy trong các DN này có đến gần 27% lao động chưa đạt trình độ học vấn THCS, trình độ tối thiểu để có thể tiếp thu các khóa học chuyên môn kỹ thuật.
Theo Tổng cục Thống kê, hiện vùng Đông Nam Bộ có đến 84,4% dân số từ 15 tuổi (tuổi được tính vào lực lượng lao động) trở lên không có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Trong đó, Tây Ninh dẫn đầu với 92,7%, tiếp đến là Bình Phước: 89,3%, Đồng Nai: 88,3%, Bình Dương: 88,2%, Bà Rịa – Vũng Tàu: 85,6%, TPHCM: 80,5%. Trong 15,6% dân số trên 15 tuổi có trình độ chuyên môn kỹ thuật thì tỉ lệ sơ cấp: 3,6%, trung cấp: 3,8%, cao đẳng: 1,6%, đại học trở lên: 6,6%.
Tình trạng người tới tuổi lao động nhưng không biết chữ là một thực tế đáng lo. Trung bình toàn vùng Đông Nam Bộ có đến 3,7% người từ 15 tuổi trở lên không biết chữ. Ngay tại TPHCM, “trái tim” của vùng, vẫn có hơn 127.000 người từ 15 tuổi trở lên không biết chữ (chiếm 1,78% tổng số dân TP. Trong đó nam chiếm 0,61%; nữ chiếm 1,17%); tỉ lệ tương tự ở Bình Dương là 2,8%.
Bao giờ hết bị chê?
Kết quả nghiên cứu hiện trạng nhân lực của TPHCM cho thấy khoảng 80%-90% số lao động tốt nghiệp nghề được tuyển. Tuy nhiên nhiều DN, nhất là những DN có vốn đầu tư nước ngoài, lại chê tay nghề của người lao động đã qua đào tạo.
PGS-TS Dương Đức Lân, Phó Tổng cục Dạy nghề thuộc Bộ LĐ-TB-XH, cho biết tính đến tháng 11-2010, vùng Đông Nam Bộ có 173 cơ sở dạy nghề. Trong đó nhiều nhất là TPHCM với 79 cơ sở, ít nhất là Bình Phước với 7 cơ sở. Các cơ sở dạy nghề trong vùng vốn đã thiếu lại còn yếu. Theo UBND TPHCM, cơ cấu đào tạo nghề ở TP bộc lộ rõ sự thiếu hợp lý so với nhu cầu thực tế, chưa đáp ứng được nhu cầu nhân lực trình độ cao cho sản xuất và thị trường lao động. Ông Dương Đức Lân cho biết theo quy hoạch, đến năm 2015, vùng Đông Nam Bộ sẽ có 308 cơ sở dạy nghề, năm 2020 là 365 cơ sở.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Các trường không thể đào tạo nghề một cách dàn trải mà phải chọn lọc nghề thế mạnh, nghề trọng tâm để đào tạo theo nhu cầu thực tế. Sắp tới, thay vì đầu tư theo kiểu bình quân cho các trường dạy nghề, Nhà nước sẽ tập trung đầu tư những trường đào tạo được những nghề chất lượng cao và phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Ông Dương Đức Lân cho biết thêm: Theo quy hoạch đến năm 2020, Nhà nước chỉ đầu tư 28 trường cao đẳng, trung cấp nghề và chỉ đào tạo 44 nghề. Trong đó có 3 trường tiếp cận trình độ quốc tế, 4 trường tiếp cận trình độ khu vực.
DN phải tham gia đào tạo
TPHCM là nơi cần lao động để sản xuất nhưng các DN hiện nay chưa thực sự tham gia và góp phần đào tạo nguồn nhân lực. Cụ thể, DN chưa tạo điều kiện tốt để học sinh được thực tập tại cơ sở mình, DN chưa đề ra các yêu cầu cụ thể về kiến thức, chuyên môn, kỹ năng đối với người lao động để nhà trường đào tạo...
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh bài toán nhân lực có thể giải quyết tốt nếu liên kết được 4 đầu mối là Nhà nước, người cầu, người cung và người học. Tới đây, DN sử dụng lao động phải tham gia đào tạo nguồn nhân lực
|