Phận gái massage

Cho đến ngày 14-12, vụ án “Bắt người trái pháp luật”, “Cưỡng đoạt tài sản” do vợ chồng Phan Thị Yến (SN 1979), Phan Cao Trí

 
Các KTV massage tại cơ sở Tân Hoàng Phát đang chờ ghi lời khai tại công an sau khi được giải thoát.
(tức Sỹ, SN 1973), chủ của 5 cơ sở massage tại TPHCM, Đồng Nai và Bình Dương cùng đồng bọn tổ chức bóc lột, đánh đập và hành hạ người khác vẫn đang được cơ quan công an tiếp tục điều tra thêm nhiều hành vi khác để đưa ra khởi tố. Bên cạnh những câu hỏi: vì sao cơ sở massage Tân Hoàng Phát (P. Linh Chiểu, Q. Thủ Đức) vi phạm pháp luật nghiêm trọng nhưng tồn tại khá lâu, có ai bảo kê hay không..., dư luận còn đặt vấn đề vì sao hàng trăm cô gái có tuổi đời khá trẻ lại chấp nhận chịu nhiều thiệt thòi để cho... người khác bóc lột?

Học 12 buổi được phong “kỹ thuật viên”

Sau khi cơ sở massage Tân Hoàng Phát bị đánh sập, những tưởng các cơ sở massage hoạt động kèm hành vi kích dục để câu khách sẽ chững lại. Nhưng không phải vậy, ngày 13-12, chúng tôi tìm đến điểm massage ở quận 10 nằm trong một khách sạn 2 sao để tìm hiểu thực tế. Tiền vé cho 1 giờ massage ở cơ sở này là 60.000 đồng (phòng thường), 250.000 đồng (phòng VIP). Chọn vé phòng thường, chúng tôi được phát 2 cái khăn rồi ra phòng tắm, sau đó được phát bộ quần áo của cơ sở để thay vào, rồi vào phòng đã có “kỹ thuật viên - KTV” chờ sẵn. Thanh, cô gái tự giới thiệu tên, yêu cầu tôi cởi áo nằm xuống giường để bắt đầu quá trình massage với màn bẻ chi dưới, ngón tay, đầu, cổ vai...

Em làm nghề này lâu chưa, học massage ở đâu, bao lâu, tôi hỏi. Thanh cho biết, mới làm được 7 tháng, được “mợ” của mình đưa lên TP giới thiệu vào một cơ sở massage để học với giá 3,3 triệu đồng trong thời gian 12 tiếng, chia làm 12 buổi. Sau khi “tốt nghiệp” được... chủ cơ sở massage “cấp” cho một chứng chỉ KTV massage rồi bước vào đời hành nghề massage.

Cám dỗ của đồng tiền

Thanh cho biết, tất cả KTV massage tại đây không ai được hưởng lương, tự mua trang phục với giá 130.000 đồng/bộ, tự trang bị dầu xoa để massage cho khách. Như vậy làm thế nào sống được, tôi tò mò hỏi. Thanh trả lời: “Nguồn sống chủ yếu của tụi em là dựa vào tiền “bo” khách cho. Trong lúc massage, nếu khách vừa ý sẽ được “boa” từ 100.000 - 200.000 đồng, khách không vừa lòng thì không có tiền “bo”, thậm chí bị khách nào cằn nhằn với quản lý thì KTV đó bị trừ 400.000 đồng/lần, tái phạm bị đuổi”. Để được khách “boa” tiền, theo Thanh tất cả KTV massage phải biết chiều khách, phải dùng các “kỹ thuật” như những cô gái vừa được công an giải thoát trong hệ thống cơ sở massage Tân Hoàng Phát, đó là: dùng tay để sờ soạng, dùng miệng hôn hít vào những chỗ cực kỳ nhạy cảm của khách đi massage và phải làm cho họ... sung sướng. Nói xong, Thanh yêu cầu tôi chuyển sang tư thế nằm ngửa, rồi bất chợt cô ngồi lên giường, cạ sát người tôi, dùng những động tác sờ soạng mà cô đã được “huấn luyện” trong khóa học massage. Tôi hỏi em không sợ vi phạm nội quy của cơ sở? Thanh cười nhạt, nói: Ở tất cả các cơ sở massage đều có nội quy cấm KTV tắt đèn trong phòng, không thực hiện các hành vi kích dục..., nhưng đa phần khách vào massage để thư giãn, chống mỏi mệt là rất ít. Chủ yếu họ đi massage là để được... cọ quẹt và được KTV... làm cho sung sướng. Nhiều cơ sở còn yêu cầu khi vào phòng massage khách không được say xỉn, nhưng tréo ngoeo ở chỗ đa số những người đi massage là những người đã say quắc cần câu.

Các KTV massage tại một cơ sở ở quận 10 – TPHCM, trong một lần bị cơ quan chức năng kiểm tra

“Có nhiều khách khi đã xỉn, vừa bước vào phòng massage đã... thả dê. Những cô mới vào làm, chưa quen nên mắc cỡ thì bị khách phản ứng, sau đó khách “méc” lại với chủ cơ sở massage là bị đuổi ngay” - Thanh nói. Do không được hưởng lương, phải sống nhờ tiền “bo”, vì vậy khi khách yêu cầu được... sung sướng, các KTV không thể từ chối. Cách làm cho khách đi massage “phê” thường được chủ cơ sở massage bắt buộc KTV phải làm để câu khách như dùng tay sờ soạng, dùng miệng kích dục những chỗ nhạy cảm của khách như lời khai của các “KTV” tại hệ thống cơ sở massage Tân Hoàng Phát vừa bị công an triệt phá. Tuy chỉ sống bằng tiền “boa”, nhưng Thanh cho tôi biết, mỗi ngày làm việc, cô có thể kiếm được 1-1,5 triệu đồng từ tiền khách “bo”. Hằng ngày Thanh đi làm bằng xe ôm tốn khoảng 60.000 đồng, góp cho “mợ” 100.000 đồng/ngày là tiền chợ, chi cho tiền trang điểm 500.000 đồng mỗi tuần. Chỉ cần làm phép tính đơn giản, mỗi tháng một “KTV” như Thanh có thể kiếm được từ 40-45 triệu đồng! Tôi hỏi, có bao giờ em cảm thấy nhục khi làm nghề này? Thanh cười buồn, trả lời: Mới vào làm, bị nhiều ông khách sờ soạng, tối về nhà trọ cũng khóc. Nhưng làm riết rồi quen. Vả lại không làm công việc này thì biết làm gì!

Biến tướng

Chính vì tiền kiếm được từ việc kinh doanh dịch vụ massage khá dễ, nhiều chủ cơ sở massage nhắm mắt, hoặc thỏa thuận ngầm với KTV của mình để họ có những hành vi kích dục đối với khách hàng. Tôi giả lả hỏi Thanh tối nay em đi chơi với tôi được không. Cô trả lời, nếu nghỉ em sẽ bị chủ trừ 400.000 đồng, nhưng nếu anh có tiền “nộp phạt” cho em thì em nghỉ. Trong một lần đi cùng đoàn 2 kiểm tra liên ngành văn hóa-xã hội TP tại một cơ sở massage trên đường Trường Chinh (P. Tây Thạnh, Q. Tân Phú), chúng tôi thực sự bất ngờ khi phải chứng kiến 3 KTV tại cơ sở này massage cho... một người đàn ông Hàn Quốc! Chưa hết, tại 2 phòng hạng VIP, chúng tôi còn phải chứng kiến cảnh các KTV ngồi trên đùi khách vuốt ve, hôn hít!

Một cán bộ đoàn 2 kiểm tra liên ngành văn hóa-xã hội TP cho biết qua quá trình kiểm tra các cơ sở massage, ông đúc kết như sau: Có tới 70% KTV tại các cơ sở massage không biết nghề. Để trở thành KTV massage đúng nghĩa, người ta phải mất từ 6-9 tháng học tại các trường y. Nhưng thực tế họ chỉ học qua loa, vừa làm vừa học. Massage liên quan đến sức khỏe, tâm sinh lý của con người nhưng vì lợi nhuận nên nhiều cơ sở massage bất chấp. Họ tự “đào tạo” KTV, sau đó ký hợp đồng với một nơi nào đó để được... cấp chứng chỉ một cách đại trà, thậm chí cấp chứng chỉ massage ngay trên bàn nhậu. Nhiều KTV khi bị đoàn kiểm tra liên ngành lập biên bản yêu cầu viết tường trình thì... không biết chữ!

Những cơ sở massage khi bị kiểm tra, tuy trình ra được hợp đồng lao động, nhưng thực chất những bản hợp đồng lao động đó chỉ nhằm qua mắt cơ quan kiểm tra. Còn phiếu khám sức khỏe (loại màu hồng) của cơ quan y tế cấp thì để KTV tự điền vào! Trong vụ cơ sở massage Tân Hoàng Phát bị đánh sập, hầu hết đơn tố cáo vợ chồng Yến-Trí, có nội dung xoay quanh việc bị vắt kiệt sức lao động, bị đánh đập, làm nhục nhưng không được trả lương lẫn tiền do khách “bo” và đòi lại tiền đã nộp cho chúng để chuộc lại thân, chung quy cũng chỉ vì tiền. Khi được hỏi có về quê không? T., một “KTV” quê ở Kiên Giang, nói: “Em sẽ quay lại TP xin vào cơ sở massage khác để làm. Vì ở quê không biết làm việc gì”. Điều đó cũng giống như các cô gái massage ở Tân Hoàng Phát, khi bị đánh sập, họ không về quê mà tìm nơi khác tiếp tục hành nghề!

Tuy nhiên, thực tế không phải cơ sở massage nào cũng câu khách bằng chiêu để KTV dùng những hành vi kích dục như kể trên. Tại TPHCM, vẫn có một số điểm massage đúng nghĩa của nó, như: cơ sở massage ở đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1), hay cơ sở massage trên đường Thích Quảng Đức (Q. Phú Nhuận). Tại các cơ sở massage này, phòng massage được thiết kế liên thông với nhau, mỗi phòng có 4 giường, mỗi giường chỉ cách nhau một tấm rèm, người bên này có thể nhìn thấy người bên kia nhằm ngăn chặn tệ nạn xã hội có thể xảy ra. “Họ không dùng phương thức kích dục nhưng vẫn đông khách ra vào” - ông Nguyễn Trung Trực, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TPHCM, cho biết.

Cần tăng mức phạt để đủ sức răn đe

Trao đổi với phóng viên Báo NLĐ, ông Nguyễn Trung Trực, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TPHCM, nói: Trách nhiệm của đoàn kiểm tra liên ngành văn hóa - xã hội TP là chỉ kiểm tra về mặt hành chính như: hợp đồng lao động, quy định về phòng ốc, khám sức khỏe định kỳ cho KTV, chứng chỉ hành nghề... riêng về mặt quản lý con người - tức các KTV - tại cơ sở phải do chính quyền địa phương quản lý. Vấn đề quản lý ở các cấp cơ sở, đặc biệt ở cấp phường rất quan trọng. Vấn đề này hầu như vẫn còn bỏ ngỏ bởi nhiều lý do, trong đó không loại trừ có “tác động” từ những hành vi mua chuộc.

Trong những lần kiểm tra trước đây, đoàn kiểm tra thường gặp một số khó khăn: khi phát hiện KTV kích dục cho khách thì chủ cơ sở massage thường đổ lỗi cho KTV, không ký vào biên bản làm việc, biên bản vi phạm, tổ chức cho lực lượng quản lý và bảo vệ ngăn cản người thi hành công vụ... Đến khi cơ quan chức năng phạt thì mức phạt cao nhất của lần đầu vi phạm cũng chỉ 7,5 triệu đồng. Lần thứ 2, 3 nếu cơ sở massage tiếp tục tái phạm mức phạt cũng như thế. Việc phạt quá nhẹ, không kèm biện pháp chế tài khiến các cơ sở vi phạm “lờn thuốc”. Chẳng hạn cơ sở massage Tân Hoàng Phát nếu có bị phạt chỉ nộp 7,5 triệu đồng, trong khi mỗi ngày kiếm hàng trăm triệu đồng từ việc vi phạm trong kinh doanh.

Vì vậy nhằm ngăn chặn tệ nạn xã hội phát sinh, cơ quan chức năng phải buộc chủ cơ sở massage trả lương tương xứng cho người lao động. Có thể cấm KTV nhận tiền “bo” của khách; có hợp đồng lao động... Để làm được vấn đề này, chính quyền địa phương cần chấn chỉnh, nhắc nhở thường xuyên và ngay từ đầu khi cơ sở mới hoạt động trên địa bàn mình.

Theo NLĐ

(trích từ thugian.com.vn)


Giày Đại Phát solution
Số người online:
15842
Số người truy cập:
9123832