Chẳng biết từ lúc nào, chúng tôi gọi GS Trần Văn Giàu là ông Sáu. Tôi có chút cơ duyên với ông Sáu bằng Giải A báo chí đầu tiên trong đời làm báo của mình là bài viết về ông.
Trước đó, nhờ đã có mấy lần lui tới hầu chuyện ông Sáu nên tôi chỉ đến hỏi thêm ông vài điều. Tôi còn hỏi thêm nhà văn Trần Bạch Đằng về ông. Khi báo phát hành, tôi mang đến kính biếu ông một tờ. Ông Sáu cười, để tờ báo qua một bên, ào ào nói chuyện.
Ông Sáu khen dân miền Trung, trong đó có xứ Quảng Nam của tôi, rất có chí. Ông nói ở Quảng Nam, ông có người bạn rất thân là Phan Bôi (Hoàng Hữu Nam), nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ vào những ngày đầu VN giành độc lập.
GS - Nhà giáo Nhân dân Trần Văn Giàu lúc sinh thời và các cháu thiếu nhi. Ảnh: TƯ LIỆU
Hồi năm 1929-1930, các thanh niên Trần Văn Giàu, Phan Bôi, Nguyễn Khoa Văn (còn gọi là thầy Huế) dám đứng ra dạy về chủ nghĩa cộng sản. Vừa làm vừa học, tuổi trẻ của ông là thế. Với ông, những kiến thức ở trường lớp rất tốt nhưng từ cái nền ấy phải biết tự học để nâng cao kiến thức của mình còn quan trọng hơn.
Tội cho số phận của dân tộc mất nước. Thời ông cha cứ chăm bẳm học Bắc sử, học về những nhân vật đã chết hàng ngàn năm ở đâu đâu. Thời của ông thì cũng học sử Pháp nhiều hơn sử Việt.
Vì thế, khi mở lớp huấn luyện bí mật ở Sài Gòn hồi năm 1930, ông cứ đem lịch sử Hy Lạp, La Mã, Pháp... ra dẫn chứng rất say sưa và cũng rất chân thành. Trong thời gian huấn luyện, có người nói thật lòng rằng ông giảng hay lắm nhưng anh em chẳng hiểu gì mấy.
Ông giật mình, biết đó là điểm yếu “chết người” của mình mà chưa thể khắc phục trong một sớm một chiều. Ngày ấy, ông chưa biết xoay xở ra sao về “món” chữ Hán thì anh bạn Phan Bôi giới thiệu người anh con bác ruột của mình đã đậu tú tài Nho học là nhà báo Phan Khôi đến giúp.
“Anh Tú Khôi ấy hay lắm nhưng mình mới học được thời gian ngắn thì bị bắt, nên chẳng đọng được bao lăm. Nghiên cứu sử học, văn học nước nhà mà thiếu món chữ Nho cũng chưa phải hay lắm” - Ông chia sẻ.
Cán bộ, nhân dân TPHCM đến chúc thọ GS Trần Văn Giàu ngày 4-9-2010 Ảnh: TTXVN
Tôi đang có ý định viết về Phan Khôi nên nghe chi tiết ấy thì thích thú lắm. Tôi nói ông Sáu nên ghi lại ba chuyện tưởng chừng lặt vặt ấy nhưng rất quan trọng cho người viết sau này. Bẵng đi một thời gian, đọc báo, tôi thấy có bài Nhớ bạn Phan Bôi của ông. Bài viết ngắn nhưng cơ bản đầy đủ những chi tiết ông đã kể.
Qua mấy lần trò chuyện, tôi học được ở ông rất nhiều điều. Với ông, ai dám dấn thân, dám vượt qua cái rào cản của mình ắt sẽ thành công, chứ chữ nghĩa thấm ra da mà thụ động thì chẳng khác gì anh hủ nho. Một số bài học từ thực tiễn cuộc sống phong phú của ông, tôi ra sức học lóm và cũng giúp ích cho đời cầm bút của mình.
Nay nghe tin ông ra đi, tôi cũng biết đó là lẽ thường nhưng không thể không buồn. Một lần ông nói: “Ngày mình ra đi, chỉ mong anh em tiễn mình bằng những bài hát của một thời, như Lên đàng, Tiếng gọi thanh niên... là vui lắm rồi”. Nào anh em ta cùng nhau xông pha lên đàng kiếm nguồn tươi sáng... Không biết ở cõi bên kia, ông Sáu có nghe được giọng hát nghẹn ngào của con không?!
Vài nét về GS Trần Văn Giàu
- GS Trần Văn Giàu sinh ngày 6-9-1911. Quê quán: An Lục Long, Châu Thành, Tân An - Long An.
- Đã từng du học tại Toulouse (CH Pháp) năm 1928 và học ở Trường ĐH Đông Phương (Liên Xô) năm 1931.
Tham gia xây dựng lại tổ chức Xứ ủy Nam Kỳ (1933). Bị thực dân Pháp bắt giam nhiều lần trong các nhà tù Khám Lớn (Sài Gòn), Côn Đảo, Tà Lài (Phước Long).
- Nguyên Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ (1945), nguyên Giám đốc Nha Thông tin Tuyên truyền tại Chiến khu Việt Bắc (1946-1950).
- Từ 1951-1960, giảng dạy tại các trường ĐH ở Việt Bắc, Hà Nội; sau đó, chuyên sâu nghiên cứu, đào tạo sau ĐH; Chủ tịch danh dự Hội Khoa học Lịch sử VN...
- Trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học, ông đã có gần 100 công trình có giá trị thuộc các lĩnh vực lịch sử, triết học, văn học..., như: Lịch sử giai cấp công nhân VN, Triết học và tư tưởng, Biện chứng pháp, Lịch sử cận đại VN, Sự phát triển của tư tưởng VN từ thế kỷ XIX đến Cách mạng Tháng Tám - 1945...
- Được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý: Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng Lao động, Huân chương Hồ Chí Minh, Giải thưởng Hồ Chí Minh...
|